Sáng 10/3, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án Nhân dân, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân và hai nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thi hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án Nhân dân; thi hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân.
Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thẩm phán sửa đổi quy định về ngạch, bậc thẩm phán. - Ảnh minh họa từ Internet |
SỬA ĐỔI QUY ĐỊNH VỀ NGẠCH, BẬC THẨM PHÁN VÀ VIỆC ĐIỀU ĐỘNG, BIỆT PHÁI THẨM PHÁN GIỮA CÁC CẤP TÒA ÁN
Hơn bảy năm thi hành Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án Nhân dân (từ ngày 15/10/2002 đến ngày 20/4/2010) cho thấy các quy định của pháp lệnh này đã có tác dụng rất tích cực trong việc xây dựng và tăng cường đội ngũ thẩm phán và Hội thẩm Tòa án Nhân dân, góp phần đáng kể vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành.
Tuy nhiên, cho đến nay, cùng với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của công cuộc cải cách tư pháp cho thấy pháp lệnh này đã bộc lộ một số điểm chưa phù hợp với thực tiễn công tác tổ chức, cán bộ cũng như các hoạt động khác của Tòa án Nhân dân, đặc biệt là các quy định về ngạch, bậc thẩm phán Tòa án Nhân dân các cấp.
Việc quy định ngạch, bậc thẩm phán Tòa án Nhân dân theo cấp hành chính và quy định về điều động biệt phái thẩm phán như hiện nay đã khiến cho ngành tòa án nhân dân gặp nhiều khó khăn trong việc luân chuyển, điều động, bố trí cán bộ, nhất là luân chuyển, điều động cán bộ từ Tòa án Nhân dân cấp trên về Tòa án Nhân dân cấp dưới (do phải làm rất nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp, chế độ lương bổng không hợp lý…).
Trong thời gian tới hệ thống Tòa án Nhân dân được tổ chức theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào cấp hành chính như hiện nay. Như vậy việc quy định ngạch, bậc thẩm phán Tòa án Nhân dân theo ba cấp hành chính như hiện nay sẽ không còn phù hợp, cần có lộ trình sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật và bước đi phù hợp để thể chế hóa chủ trương, đường lối cái cách tư pháp của Đảng.
Mặt khác, vừa qua một số văn bản pháp luật mới được ban hành đã quy định các chức danh tư pháp như điều tra viên của cơ quan điều tra, chấp hành viên của cơ quan thi hành án dân sự theo ngạch, bậc, không phụ thuộc vào cấp hành chính, cho nên những quy định hiện hành về chức danh thẩm phán như hiện nay cũng cần sửa lại cho phù hợp và đồng bộ.
Phạm vi sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án Nhân dân tập trung trước hết vào việc sửa đổi, bổ sung, sửa đổi quy định về ngạch, bậc thẩm phán và việc điều động, biệt phái thẩm phán giữa các cấp tòa án. Đây là hai vấn đề còn vướng mắc, bức xúc nhằm tháo gỡ những khó khăn cho ngành tòa án nhân dân trong tình hình hiện nay.
Các vấn đề khác có liên quan đến thẩm phán sẽ được sửa đổi trong lần sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân.
Pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011.
Để thi hành Pháp lệnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về việc thi hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án Nhân dân.
TẠO SỰ LINH HOẠT TRONG VIỆC ĐIỀU ĐỘNG, BIỆT PHÁI KIỂM SÁT VIÊN
Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên tập trung sửa đổi hai điều là Điều 3 về phân ngạch Kiểm sát viên và khoản 1 Điều 30 về điều động, biệt phái Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân; đồng thời có thay thế, bỏ một số cụm từ có liên quan tại các điều 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24 và 25 cho phù hợp.
Kế thừa quy định về ngạch kiểm sát viên của Pháp lệnh Kiểm sát viên, tiếp thu có đổi mới quy định về ngạch Kiểm sát viên những năm trước đây, đồng bộ với các ngạch công chức khác, phù hợp với xu hướng chung về chế độ Kiểm sát viên (Công tố viên) của các nước, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên đã chuyển ngạch kiểm sát viên Viện Kiểm sát cấp huyện, Kiểm sát viên Viện kiểm sát cấp tỉnh sang ngạch kiểm sát viên sơ cấp, kiểm sát viên trung cấp và giữ nguyên ngạch kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; đồng thời quy định mỗi cấp Viện Kiểm sát có một số loại Kiểm sát viên; quy định rõ, số lượng mỗi ngạch Kiểm sát viên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Về việc điều động, biệt phái Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân (khoản 1 Điều 30), Pháp lệnh được sửa đổi, bổ sung theo hướng: cho phép điều động kiểm sát viên giữa các cấp Viện Kiểm sát (từ Viện Kiểm sát Nhân dân này đến Viện Kiểm sát Nhân dân khác).
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao điều động, biệt phái kiểm sát viên từ Viện Kiểm sát Nhân dân địa phương này đến Viện Kiểm sát Nhân dân địa phương khác không cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; từ Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đến Viện Kiểm sát Nhân dân địa phương và ngược lại); trong trường hợp cần thiết thì trực tiếp điều động kiểm sát viên từ Viện Kiểm sát Nhân dân này đến Viện Kiểm sát Nhân dân khác trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quyền điều động, biệt phái kiểm sát viên từ Viện Kiểm sát Nhân dân này đến Viện Kiểm sát Nhân dân khác trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ Viện Kiểm sát Nhân dân cấp huyện này sang Viện Kiểm sát Nhân dân cấp huyện khác, từ Viện Kiểm sát Nhân dân cấp tỉnh xuống Viện Kiểm sát Nhân dân cấp huyện hoặc ngược lại).
Việc sửa đổi này sẽ tạo sự linh hoạt trong việc điều động, biệt phái kiểm sát viên, góp phần bảo đảm cho Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.
Pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011.
Để thi hành Pháp lệnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về việc thi hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân.
Theo TTXVN