Ngày 15/2, UBND tỉnh Phú Yên ban hành quyết định về việc thành lập Ủy ban Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp tỉnh Phú Yên, nhiệm kỳ 2011-2016. Ủy ban này có 23 người, do đồng chí Phạm Đình Cự, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Ủy ban bầu cử; đồng chí Bá Thanh Kia, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và đồng chí Nguyễn Thanh Tra, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử.
Theo quyết định, Ủy ban này có nhiều nhiệm vụ và quyền hạn. Cụ thể, đối với bầu cử đại biểu Quốc hội, Ủy ban chỉ đạo việc chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội ở các đơn vị bầu cử; kiểm tra, đôn đốc việc thi hành quy định của pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội của Ban bầu cử, Tổ bầu cử; chỉ đạo thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử đại biểu Quốc hội ở địa phương; chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội ở địa phương; nhận và xem xét hồ sơ của người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở địa phương, giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và hồ sơ của người tự ứng cử đại biểu Quốc hội; gửi danh sách trích ngang và tiểu sử tóm tắt của những người được giới thiệu ứng cử và những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội đến Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; nhận tài liệu và phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội từ UBND tỉnh và phân phối cho các Ban bầu cử chậm nhất là 25 ngày trước ngày bầu cử; lập danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội theo đơn vị bầu cử và báo cáo Hội đồng bầu cử; chỉ đạo, kiểm tra việc lập và niêm yết danh sách cử tri; giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội của Ban bầu cử, Tổ bầu cử; giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử đại biểu Quốc hội do Ban bầu cử, Tổ bầu cử chuyển đến; giải quyết khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Quốc hội; nhận và kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội của các Ban bầu cử, lập biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội ở địa phương; thông báo kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội ở địa phương; báo cáo tình hình tổ chức và tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội theo quy định của Hội đồng bầu cử; chuyển hồ sơ, biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội đến Hội đồng bầu cử; tổ chức việc bầu cử lại, bầu cử thêm đại biểu Quốc hội theo quyết định của Hội đồng bầu cử.
Đối với bầu cử đại biểu HĐND các cấp, Ủy ban có các nhiệm vụ, quyền hạn: chỉ đạo việc tổ chức bầu cử đại biểu HĐND ở địa phương; kiểm tra, đôn đốc việc thi hành quy định của pháp luật về bầu cử đại biểu HĐND; chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử đại biểu HĐND ở địa phương; chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử đại biểu HĐND ở địa phương; nhận và xem xét hồ sơ của những người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, thôn, tổ dân phố ở địa phương giới thiệu ứng cử và những người tự ứng cử đại biểu HĐND; gửi danh sách trích ngang và tiểu sử tóm tắt của những người ứng cử và những người tự ứng cử đại biểu HĐND đến Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp; giải quyết những khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử đại biểu HĐND của các ban bầu cử, tổ bầu cử; công bố số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị và số đại biểu được bầu của mỗi đơn vị bầu cử đại biểu HĐND ở địa phương; nhận hồ sơ và công bố danh sách những người ứng cử đại biểu HĐND theo từng đơn vị bầu cử; giải quyết những khiếu nại, kiến nghị về việc lập danh sách đó; nhận tài liệu và phiếu bầu cử đại biểu HĐND từ UBND cùng cấp và phân phối cho các ban bầu cử chậm nhất 25 ngày trước ngày bầu cử; nhận và kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu HĐND do các ban bầu cử gửi đến; làm biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu HĐND ở địa phương; chỉ đạo việc bầu cử thêm, bầu cử lại đại biểu HĐND theo quy định tại các điều 62, 63, 64 và 65 Luật Bầu cử đại biểu HĐND; công bố kết quả bầu cử đại biểu HĐND; trình HĐND biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu HĐND và chuyển giao các hồ sơ, tài liệu về cuộc bầu cử đại biểu HĐND theo luật định.
Ủy ban Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp tỉnh Phú Yên, nhiệm kỳ 2011-2016 hết nhiệm vụ đối với bầu cử đại biểu Quốc hội sau khi Hội đồng bầu cử kết thúc việc tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội trong cả nước; đối với bầu cử đại biểu HĐND, Ủy ban Bầu cử hết nhiệm vụ sau khi đã trình biên bản tổng kết cuộc bầu cử và hồ sơ, tài liệu về bầu cử tại kỳ họp thứ nhất của HĐND tỉnh khóa mới.
P.V