Sau hai ngày làm việc tích cực, khẩn trương và trách nhiệm, ngày 28/12, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần VIII thành công tốt đẹp. Phát biểu bế mạc Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng khẳng định kết quả của các phong trào thi đua và công tác khen thưởng đã góp phần tích cực vào việc thực hiện những mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010 của đất nước. Nước ta đã ứng phó có kết quả với những diễn biến phức tạp của khủng hoảng kinh tế thế giới, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn. Duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, bình quân khoảng 7%/năm. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.160USD…
Đại hội khẳng định sự đóng góp to lớn của công tác thi đua khen thưởng trong những thành tựu quan trọng của đất nước 5 năm qua |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và chiến lược 10 năm tới, cả nước tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; giữ vững ổn định chính trị xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; phấn đấu tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2011-2015 đạt từ 7-7,5%/năm; đến năm 2015, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2000 USD, gấp 1,7 lần năm 2010; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm 2%/mỗi năm; tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để phấn đấu thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ này, trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và làm tốt hơn nữa công tác khen thưởng.
Thay mặt Chính phủ và Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng đã chính thức phát động phong trào thi đua trong cả nước với chủ đề: “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015”, đồng thời kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua đạt thành tích tốt nhất, cao nhất, góp phần thiết thực vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 – 2015.
Thủ tướng nhấn mạnh 5 nội dung chủ yếu của phong trào thi đua giai đoạn 2011 – 2015: cả nước tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, làm cho phong trào thi đua thực sự trở thành ý thức tự giác, trách nhiệm và thường xuyên của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đơn vị, cá nhân, tạo thành cao trào hành động cách mạng, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới. Các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức… cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng. Phong trào thi đua yêu nước gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, qua đó làm cho mọi người thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Cùng với việc đẩy mạnh các phong trào thi đua, phải thường xuyên quan tâm phát hiện nhân tố mới, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến.
Các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo bước chuyển biến mạnh về chất trong các phong trào thi đua. Thi đua phải bám sát nhiệm vụ chính trị, thực hiện mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và của từng ngành, từng địa phương, từng đơn vị cơ sở, trong từng thời gian; đồng thời phải chú trọng hướng vào giải quyết các vấn đề cấp bách, khó khăn phức tạp đặt ra. Cùng với việc tổ chức phát động, tổng kết phong trào thi đua chung hàng năm, các phong trào thi đua theo đợt cần được quan tâm phát động theo chuyên đề với nội dung và hình thức phù hợp, bảo đảm thực thi và hiệu quả. Chất lượng công tác khen thưởng tiếp tục đổi mới và nâng cao. Khen thưởng phải trên cơ sở đánh giá đúng thành tích, bảo đảm dân chủ, công khai, được dư luận xã hội đồng tình, tránh khen thưởng tràn lan, làm suy giảm ý nghĩa của việc khen thưởng và phải kiên quyết chống bệnh thành tích. Chú trọng khen thưởng người lao động, người trực tiếp sản xuất kinh doanh, công tác và học tập. Làm tốt chức năng quản lý Nhà nước về tổ chức tôn vinh các danh hiệu và trao giải thưởng cho các doanh nhân, doanh nghiệp; bảo đảm tính tiêu biểu, nêu gương, giáo dục và tạo được tác động tích cực lan tỏa trong toàn xã hội…
Thủ tướng đề nghị ngay sau Đại hội, các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn của bộ, ngành, địa phương mình tiếp tục phát động phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, thiết thực nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng của bộ, ngành, địa phương, đơn vị mình.
(TTXVN)