Thứ Bảy, 05/10/2024 18:18 CH
Tư tưởng của Ph. Ăng- Ghen về bình đẳng giới
Thứ Hai, 29/11/2010 07:30 SA

Cùng với C.Mác, Ph. Ăng-Ghen đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc bảo vệ các giá trị lý luận và phát triển chúng lên một tầm cao mới. Một trong những giá trị đó là tư tưởng về giải phóng phụ nữ hay bình đẳng giới theo cách nói hiện nay. Xuất phát từ quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử về sự phát triển của lịch sử và xã hội, ông đã chỉ ra rằng, địa vị xã hội của nam và nữ gắn liền với sự phát triển của lực lượng sản xuất, sự biến đổi của phương thức sản xuất và phân công lao động trong nền sản xuất xã hội.

 

 Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước của Ăng-ghen là một trong những tác phẩm kinh điển có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu tiến trình phát triển của gia đình và vai trò, vị thế của người phụ nữ qua từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Trên cơ sở đó, Ăng-Ghen đã nêu và phân tích nguyên nhân của sự bất bình đẳng giới, chỉ ra những giải pháp thực hiện sự bình đẳng giới trong gia đình và xã hội như sau:

 

- Sự bất bình đẳng giới có nguồn gốc từ sự bất bình đẳng kinh tế giữa phụ nữ và nam giới, chính vì vậy vị thế xã hội của người phụ nữ bị đánh giá thấp kém hơn so với nam giới bắt nguồn từ sự không ngang nhau về mặt kinh tế. Như vậy, cơ sở kinh tế quy định mối quan hệ bình đẳng hay bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới và người ta coi việc phụ nữ có địa vị thấp kém hơn nam giới, phải phụ thuộc vào nam giới như là lẽ đương nhiên.

 

- Kinh tế cũng không phải là yếu tố duy nhất quy định sự bất bình đẳng nam nữ, mà cả yếu tố nhận thức của từng người, sự tác động của văn hóa, xã hội cũng ảnh hưởng không nhỏ. Trình độ nhận thức và các phong tục tập quán phản ánh rõ nét sự bất bình đẳng kinh tế giữa phụ nữ và nam giới đã ăn sâu, bám chắc vào đầu óc con người, thành tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” và tác động đến thói ứng xử thô bạo của người đàn ông đối với đàn bà.

 

- Xu hướng phát triển của hình thức gia đình văn minh mới một vợ, một chồng và bình đẳng nam nữ là tất yếu của cuộc cách mạng XHCN. Để thực hiện sự bình đẳng đó cần tổ chức lại cách phân công lao động trong xã hội và gia đình theo hướng phụ nữ tham gia ngày càng bình đẳng với nam giới trên các lĩnh vực của xã hội, đồng thời giảm bớt lao động gia đình của họ. Việc phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội chính là điều kiện căn bản để thực hiện sự bình đẳng trong gia đình. Ăng-Ghen khẳng định: “điều kiện để giải phóng phụ nữ là làm cho toàn bộ nữ giới trở lại tham gia nền sản xuất xã hội, và điều kiện đó lại đòi hỏi phải làm cho cả gia đình cá thể không còn là đơn vị kinh tế của xã hội nữa”

 

Vận dụng tư tưởng tiến bộ của Ăng-Ghen về giải phóng phụ nữ, Đảng và Nhà nước ta luôn nhận thức đúng đắn và đánh giá cao vai trò của phụ nữ - lực lượng quan trọng của cách mạng Việt Nam. Trong những năm gần đây, Việt Nam luôn được đánh giá là một trong những nước đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Tuy nhiên, bên cạnh rất nhiều thành tựu đạt được, sự bất bình đẳng đối với phụ nữ mà Ph. Ăng-Ghen chỉ ra vẫn còn hiện hữu trong xã hội hiện đại. Một trong những thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt chính là những định kiến giới vẫn tồn tại khá nặng nề trong xã hội, nhất là ở nông thôn. Định kiến giới là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hàng loạt trở ngại mà phụ nữ phải đối mặt trong cuộc sống. Đây cũng chính là một trong những yếu tố quyết định và duy trì sự bất bình đẳng giới ở mọi lĩnh vực của cuộc sống xã hội và trong gia đình. Do vậy, song song với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến vấn đề giới, thực hiện Chiến lược quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, việc tuyên truyền một cách tích cực, đồng bộ nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc từ trong nhận thức của mỗi người để làm giảm bớt và tiến tới xóa bỏ định kiến giới là biện pháp cấp bách, trước mắt và là chiến lược lâu dài của đất nước.

 

LÊ THỊ BÍCH HẠNH

Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek