Thứ Tư, 09/10/2024 07:29 SA
Kỷ niệm 60 năm Ngày Thiết lập quan hệ hữu nghị Việt - Trung (1950-2010) và Quốc khánh Trung Quốc (1/10):
Chủ tịch Hồ Chí Minh - biểu tượng của tình hữu nghị Việt – Trung
Thứ Sáu, 01/10/2010 11:00 SA

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà yêu nước nhiệt thành, đồng thời là một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, bất cứ ở đâu và lúc nào, Người cũng thực hiện được sự kết hợp đúng đắn giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng.

 

Người hiểu rõ sức mạnh vô địch của tình đoàn kết hữu ái giữa các dân tộc bị áp bức trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù là chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc, nên đã phấn đấu không mệt mỏi để thiết lập và củng cố tình đoàn kết hữu ái và khối liên minh chiến đấu giữa phong trào giải phóng dân tộc với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trong tình đoàn kết hữu ái bao la đó, “mối tình hữu nghị Việt - Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, có một vị trí đặc biệt.

 

Từ những năm 20 của thế kỷ trước, khi còn hoạt động ở Paris, đồng chí Hồ Chí Minh (lúc đó lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) đã gặp gỡ, quen thân với những đại diện ưu tú của thanh niên cách mạng Trung Quốc như: Chu Ân Lai, Lý Phú Xuân… Trong những năm 1923-1924, khi hoạt động trong Ban Phương Đông của Quốc tế cộng sản tại Mát-xcơ-va, Người đã có quan hệ thân thiết với các thanh niên Trung Quốc đang theo học tại Trường đại học Cộng sản Phương Đông, biên soạn nhiều tài liệu nhằm giới thiệu lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Trung Quốc trong đó có cuốn “Trung Quốc và thanh niên Trung Quốc”. Cuối năm 1924, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Quảng Châu để xây dựng cơ sở cho cách mạng Việt Nam. Trên cương vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế nông dân, phụ trách khu vực châu Á, Người đã cùng Khu ủy Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Quảng Đông chỉ đạo phong trào nông dân ở đây.

 

Năm 1927, Tưởng Giới Thạch phát động cuộc đảo chính phản cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh buộc phải rời Quảng Châu, trở lại Mát-xcơ-va. Cho đến cuối năm 1938, Người mới về lại Trung Quốc, vừa tham gia các hoạt động của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vừa liên lạc chỉ đạo các tổ chức cộng sản trong nước để về nước hoạt động. Trong thời gian này, dưới bút danh Bình Sơn, Người đã viết một loạt 10 bài báo, đăng trên tờ Cứu vong nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thể hiện sinh động mối tình hữu nghị chiến đấu giữa nhân dân hai nước Việt - Trung.

 

Từ sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần dẫn đầu các đoàn đại biểu của Đảng và Chính phủ Việt Nam thăm hữu nghị Trung Quốc, ký kết nhiều văn kiện hợp tác, làm cho tình đoàn kết và hữu nghị Việt - Trung phát triển lên một bước mới về chất. Trong những năm 60, Người đã nhiều lần sang Trung Quốc nghỉ ngơi, chữa bệnh. Đi tới đâu, Người cũng được nhân dân Trung Quốc đón tiếp như đón người thân của gia đình mình.

 

Suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp cho tình hữu nghị Việt - Trung, mong muốn cho nó mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững. Người đã kiên trì giáo dục cho các thế hệ người Việt Nam quý trọng mối tình hữu nghị đó, phấn đấu làm hết sức mình để mối quan hệ láng giềng thân thiện giữa 2 nước ngày càng củng cố và phát triển. Vì vậy, tên tuổi của Người từ lâu đã trở nên gần gũi, quen thuộc đối với nhân dân Trung Quốc, Người được nhân dân Trung Quốc yêu mến và kính trọng như người bạn lớn thân thiết của mình. Đúng như Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhận định: “Trong những năm tháng mà nhân dân Trung Quốc tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, đồng chí Hồ Chí Minh đã nhiều lần sang Trung Quốc, cùng chung hoạn nạn, sát cánh cùng chiến đấu với nhân dân Trung Quốc, và đã xây đắp nên mối tình vô sản nồng thắm với Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc” (*).

 

--------------------------------------

(*) Trích Điện chia buồn của BCH Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Báo Nhân Dân, ngày 5/9/1969.

 

BẰNG TÍN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek