Thứ Tư, 09/10/2024 23:28 CH
Liệt sĩ, giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Dưỡng:
Nhà trí thức đấu tranh cho hòa bình đến hơi thở cuối cùng
Thứ Năm, 16/09/2010 16:00 CH

Nhà tri thức yêu nước, giáo sư - tiến sĩ luật quốc tế Nguyễn Văn Dưỡng là một trong số những người trong nhóm “Hòa bình” của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Ông qua đời tại huyện Sơn Hòa năm 1958 khi bị Mỹ - Diệm quản thúc tại đây. Ngày 15/9/2010, Ủy ban MTTQVN TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ cải táng hài cốt ông về Nghĩa trang liệt sĩ TP Hồ Chí Minh.

 

SCA1-100916.jpg

Nguyễn Văn Dưỡng, Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Huy Thông ở Hải Phòng.

 

Cách đây hơn nửa thế kỷ, sau chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng khắp năm châu của quân và dân Việt Nam, thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève. Theo Hiệp định Genève, nước ta sẽ tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước vào tháng 7/1956. Thế nhưng, Mỹ không tham gia ký vào Hiệp định Genève và chuẩn bị can thiệp vào miền Nam. Tháng 10/1955, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống, ban hành hiến pháp của chế độ bù nhìn. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã từ chối việc thi hành Hiệp định Genève và trắng trợn phá hoại việc tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam.

 

NGƯỜI TRÍ THỨC ĐẤU TRANH CHO HÒA BÌNH

 

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, phong trào bảo vệ hòa bình Sài Gòn - Chợ Lớn đã ra đời nhằm đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève. Phong trào nhanh chóng lan ra khắp các tỉnh miền Nam. Tổng Thư ký Ban chấp hành phong trào là giáo sư Nguyễn Văn Dưỡng (ông mang quốc tịch Pháp nên có tên là Henri). Ông sinh ngày 11/12/1923 tại Gia Định, trong một gia đình có truyền thống yêu nước từ đời ông cố. Thuở nhỏ, ông học Trường Chasseloup Laubat (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn, TP Hồ Chí Minh). Năm 1949, ông được gia đình gửi sang Pháp du học. Ông ý thức rất rõ là học để về nước phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Chỉ trong bốn năm, ông đỗ tiến sĩ luật quốc tế tại Trường đại học Luật Paris, đồng thời tốt nghiệp Viện Chính trị học Paris và Viện Quan hệ quốc tế Paris. Năm 1953, ông về nước và được mời dạy Trường Luật khoa Sài Gòn. Cùng với luật sư Nguyễn Hữu Thọ (Phó Chủ tịch), tiến sĩ Văn chương Phạm Huy Thông (Phó Tổng thư ký), tiến sĩ Luật khoa Hoàng Quốc Tân…, ông Nguyễn Văn Dưỡng tích cực hoạt động cho phong trào bảo vệ hòa bình.

 

SCA100916.jpg

Các ông Nguyễn Tạo, Trần Văn Lang, Từ Bá Đước, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Dưỡng bị Mỹ – Diệm quản thúc tại Hòa Thịnh, Tuy Hòa (Phú Yên) 14/4/1956.

 

Vừa mới ra đời, ngày 1/8/1954, phong trào Bảo vệ hòa bình đã tập hợp hơn 5 vạn đồng bào Sài Gòn – Chợ Lớn xuống đường biểu tình đòi chính quyền Ngô Đình Diệm nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Genève. Phong trào liên lạc thường xuyên với Ủy hội quốc tế kiểm soát và giám sát đình chiến để trình bày những vi phạm Hiệp định của chính quyền Ngô Đình Diệm như không chịu trả tự do cho tù binh và tù chính trị, trả thù và phân biệt đối xử những người cựu kháng chiến… Lo sợ trước khí thế mạnh mẽ của phong trào, tháng 11/1954 chính quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh đàn áp phong trào, bắt 26 thành viên lãnh đạo phong trào và đến ngày 6/12/1954, chúng đưa các ông ra tòa Đại hình với tội danh “xâm phạm nội vụ quốc gia, xúi giục dân chúng khuynh đảo chính phủ”. Tòa không đủ chứng cứ để buộc tội, nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm không chịu trả tự do các ông. Bị dư luận dân chúng phản đối, thấy không thể giam giữ các ông ở Sài Gòn, ngày 9/2/1955, chúng cho máy bay chở các ông ra quản thúc ở ngôi nhà số 13 đường Lạch Tray, TP Hải Phòng (lúc bây giờ Hải Phòng vẫn còn do Pháp quản lý). Ý đồ của bọn chúng là sau khi chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tiếp quản Hải Phòng theo tinh thần Hiệp định Genève thì để các ông ở lại miền Bắc.

 

HY SINH TẠI PHÚ YÊN

 

Trong một chuyến về thăm Phú Yên. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã nhắc lại: “Kẻ thù đã làm cho bạn Nguyễn Văn Dưỡng đáng kính của chúng ta hóa ra người thiên cổ”.

Ý thức rất rõ là nhiệm vụ đấu tranh ở miền Nam chưa hoàn thành, các ông kiến nghị Ủy hội quốc tế đòi chính quyền Ngô Đình Diệm đưa các ông trở về miền Nam, dẫu biết rằng khi trở về đây kẻ thù sẽ tiếp tục giam giữ các ông.

 

Quả thực, vừa đến sân bay Tân Sơn Nhất, kẻ thù đã đưa ông Nguyễn Văn Dưỡng, Từ Bá Đước cùng Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và một số người khác đi quản thúc ở tỉnh Phú Yên vào những tháng đầu năm 1955. Vùng đất đầu tiên kẻ thù đưa các ông đến để quản thúc là xã Hòa Thịnh, huyện Tuy Hòa - nơi hẻo lánh, có hệ thống đồn bót dày đặc, không có đường sá, bệnh xá, dân thường bị sốt rét. Chúng hy vọng các ông sẽ chịu không nổi cảnh sống khắc nghiệt và chết vì bệnh tật. Nhưng đồng bào ở đây biết các ông là những người yêu nước, nên tìm mọi cách giúp đỡ, bảo vệ. Ở đây có phong trào diệt ác phá kềm khá mạnh. Bằng Nghị định số 116/NV ngày 31/3/1956 của Tổng thống ngụy Ngô Đình Diệm, kẻ thù đã chuyển các ông lên miền núi Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, nơi nổi tiếng rừng thiêng nước độc. Có lần, chúng tổ chức đánh đập dã man các ông. Trước thương tích khá nặng đã gây ra cho các ông, chính quyền Diệm buộc phải chuyển các ông về điều trị tại bệnh xá ở Tuy Hòa; riêng ông Nguyễn Văn Dưỡng, vì thương tích quá nặng, sức khỏe quá yếu nên đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 21/7/1958 sau bốn năm bị chính quyền Ngô Đình Diệm giam cầm và quản thúc. Trước khi hy sinh ông có lời trăn trối, nhờ Luật sư Nguyễn Hữu Thọ báo cáo với Bác Hồ “Cháu xin lỗi Bác Hồ, cháu chưa hoàn thành nhiệm vụ mà đã phải ra đi”.

 

SCA2-100916.jpg

Nguyễn Hữu Châu, Nguyễn Tảo, Lâm Thị Tư, Nguyễn Văn Dưỡng, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Thủy, Nguyễn Phương Trân, Trần Văn Lãng, Từ Bá Đước.

 

Trong những năm từ 1956 đến 1961, bản thân tôi có nhiều lần đến thăm cha tôi và các cô chú “Hòa bình”, chú Nguyễn Văn Dưỡng ở Phú Yên. Đặc biệt tôi được đến thăm sau khi các cô chú bị địch đánh đập dã man ở Củng Sơn, kể cả ở bệnh xá ở TX Tuy Hòa. Chú Dưỡng kính mến là nhà trí thức chân chính, đôn hậu, thủy chung, ân tình, gần gũi với mọi người, học cao nhưng khiêm nhường.

 

Liệt sĩ, giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Dưỡng đã ra đi ở tuổi 35, chưa xây dựng gia đình. Với bằng tiến sĩ luật quốc tế, với địa vị cao trong xã hội, ông có điều kiện phát triển danh vọng cá nhân rất thuận lợi. Nhưng ông chọn con đường đấu tranh cách mạng vì dân, vì nước, đầy gian nguy và đã hy sinh một các xứng đáng. Nhà trí thức yêu nước Nguyễn Văn Dưỡng là tấm gương sáng về lòng yêu nước, biết đặt lợi ích chung lên trên hết, một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc và cho đến hơi thở cuối cùng. Các thế hệ trẻ, đặc biệt là lớp sinh viên, trí thức trẻ trân trọng, tôn vinh và khắc ghi mãi mãi tấm gương sáng của một trí thức trẻ, một chiến sĩ bảo vệ hòa bình, sẵn sàng dấn thân vào cuộc đấu tranh đầy cam go cho hòa bình của dân tộc.

 

NGUYỄN HỮU CHÂU 

(Trưởng nam của Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek