- Bước đầu xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân
Cuộc khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 thành công, chính quyền cách mạng mới thành lập, Phú Yên đứng trước nhiều thử thách do thực dân Pháp được sự giúp đỡ của quân đội Anh đang ráo riết trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Cuối tháng 9/1945 một tiểu đoàn quân đội Anh đổ bộ lên TX Nha Trang, thả 1.200 người Pháp bị Nhật tập trung giam giữ tại đây từ cuộc đảo chính 9/3/1945, trang bị vũ khí cho số này và sử dụng một trung đoàn quân Nhật đánh chiếm nhiều mục tiêu quan trọng trong thị xã.
Tiếp đến ngày 6/10/1945, chiến hạm Riseliow (Richelim) của Pháp đổ quân lên Nha Trang, chiếm đóng thị xã, biến Nha Trang thành địa bàn đứng chân, chiếm tỉnh Khánh Hòa và mở rộng ra các tỉnh Nam Trung bộ.
Ngày 6/12/1945, địch tấn công Buôn Ma Thuột lần thứ hai. Chúng chiếm toàn bộ TX Buôn Ma Thuột.
Phú Yên là tỉnh tiếp giáp với các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk, Gia Lai, đang bị địch uy hiếp mạnh. Phú Yên còn là địa bàn đứng chân của các đoàn quân
Trong tình hình đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn, thù trong giặc ngoài đang chiếm cứ nhiều vùng ngoài Bắc trong Nam, mưu đồ lật đổ chính quyền cách mạng, Đảng và Hồ Chủ tịch kiên quyết bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân về mặt nhà nước. Ngày 6/1/1946, lần đầu tiên mỗi người dân Phú Yên từ miền xuôi đến miền ngược cùng với đồng bào cả nước từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ đều được bầu cử, ứng cử. Ở các vùng dân tộc, quần chúng không biết chữ thì họ in dấu tay thay chữ ký.
Đến giữa năm 1946, thực hiện chủ trương của Ủy ban hành chính Trung bộ, tỉnh kiện toàn các cấp hành chính, bỏ cấp thôn, nhập một số thôn thành cấp xã, bỏ cấp tổng, trên xã là huyện. Tháng 11/1946, toàn tỉnh chia ra 6 chiến khu và lập thêm 2 huyện miền núi Tân Xuân và Tân Sơn quản lý 11 xã vùng dân tộc với dân số khoảng 12.000 người gồm 3 dân tộc Chăm Hroi, Ba Na, Ê Đê.
Huyện Tân Sơn có 6 xã: Hòn Nhọn (Ba Na), Suối Trai, Krôngpa, Cà Lúi (Ê Đê), Đồng Cam, Suối Bạc (Chăm Hroi) do ông Ma Pa người E ÂĐê làm chủ tịch, ông Bá Thanh Bơ làm phó chủ tịch. Huyện Tân Xuân có 4 xã: Xã Thồ Lồ, Phú Mỡ, Đá Mài, Bầu Bèng do ông Ma Quỷ làm chủ tịch (người Ba Na), ông Ma Nhưỡng, Sô Ha Din (người Chăm) làm phó chủ tịch.
Tháng 9/1946, Liên khu V thành lập Ban Quốc dân thiểu số Trung Trung Bộ và Phòng Quốc dân thiểu số các tỉnh. Phòng quốc dân thiểu số Phú Yên do ông Đặng Sĩ Đối làm trưởng phòng và có một bộ máy giúp việc. Ở hai huyện Tân Xuân và Tân Sơn tổ chức hai phân phòng quốc dân thiểu số, đồng thời kiêm luôn văn phòng của ủy ban hai huyện.
Ở xã có một chủ tịch và phó chủ tịch, một ủy viên phụ trách quân sự, một ủy viên phụ trách trật tự trị an, một ủy viên phụ trách kinh tế đời sống, một ủy viên phụ trách văn xã.
Đội ngũ cán bộ lúc bấy giờ chưa kịp đào tạo để bổ sung bởi vì người miền núi không biết chữ, người Kinh thì không biết tiếng dân tộc, sợ sốt rét, ngại gian khổ, ngại trèo núi… Trước thực tế như vậy, tỉnh đồng ý cho Phòng Quốc dân thiểu số chọn một số thanh niên về huyện kèm cặp giúp họ công tác, mỗi huyện tăng cường cho một đến hai cán bộ Kinh. Rút bớt cán bộ Kinh ở phòng quốc dân thiểu số tỉnh tăng cường cho hai huyện Tân Xuân và Tân Sơn.
- Đẩy mạnh sản xuất ổn định đời sống, đáp ứng yêu cầu kháng chiến
Bộ máy chính quyền từ thôn, xã tạm ổn định, với miền núi lúc bấy giờ Đảng chủ trương “xóa nợ”. Con em đồng bào các dân tộc ít người đi ở mướn cho người Kinh hoặc Thượng được về đoàn tụ với gia đình. Việc huy động tài vật lực chưa đặt ra. Tỉnh thành lập các tổ chức kinh tế thượng du để đảm bảo cho đồng bào có nông cụ, muối, vải, giấy cho học sinh… đồng thời tổ chức thu mua lâm thổ sản với giá cả phải chăng, hạn chế sự bóc lột của thương lái. Tổ chức một số lớp bình dân học vụ ở các buôn cho cán bộ thôn, xã và quần chúng. Nguồn giáo viên dạy bình dân học vụ cho một số thôn, buôn là trưng tập một số người Kinh biết chữ lâu nay ở xen với đồng bào các dân tộc. Đến năm 1947, lúc đó có điều kiện cứ ba bốn buôn có một ngôi trường dạy học từ lớp 1-2-3 và các lớp học ngắn ngày. Nhờ quan tâm đến chuyện học hành, chỉ trong một thời gian mà một số nam nữ thanh niên biết đọc, biết viết.
Trước tình hình quân viễn chinh Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng Nam Bộ và Nam Trung Bộ, quân và dân Phú Yên ra sức ủng hộ vùng bị chiếm vừa chuẩn bị chống Pháp đánh ra vùng tự do nhất là các huyện miền Tây (Sơn Hòa, Tân Sơn, Tân Xuân) giáp giới với hai huyện Ma Đørắc (Đắk Lắk), huyện Cheo Reo (Gia Lai) ở sát đồn bốt địch ngày đêm phải canh gác đề phòng bọn chúng đột nhập. Miền Tây vừa đề phòng địch lấn chiếm vừa phải chấm dứt nạn đói, đẩy mạnh sản xuất lương thực, nhất là phát động phong trào trồng sắn đảm bảo đủ ăn và có tiếp tế cho bộ đội.
Cán bộ, nhân dân toàn miền Tây hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, ra sức cày cuốc, làm ruộng, làm nương nhất là trồng sắn, bắp. Lúa gạo tuy không đủ ăn do nắng hạn nhưng sắn, bắp thì dư giả, tình hình đói kém của nhân dân cơ bản đã giải quyết tốt.
Cuối tháng 9/1945, toàn dân Phú Yên hưởng ứng “Tuần lễ vàng”. Sau “Tuần lễ vàng”, các đoàn thể cứu quốc vận động nhân dân lạc quyên “quỹ độc lập” để dành cho các khoản chi tiêu về quân sự, tiếp theo là cuộc vận động “Tuần lễ đồng” để sản xuất vũ khí, đạn dược. Đồng bào Kinh ở đồng bằng tự động quyên góp gạo, tiền phân công nhau đón và tiếp tế cho bộ đội. Còn ở miền núi do đời sống các mặt của đồng bào còn khó khăn nên chính phủ miễn đóng góp lương thực, chỉ động viên đóng góp công sức như đi dân công, làm lán trại cho bộ đội hành quân, giúp đỡ đồng bào các tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa, Gia Lai tản cư xuống.
Tháng 1/1946, Chính phủ ta phát hành giấy bạc Việt Nam, trước tiên ở vùng tự do 4 tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú, một đồng bạc Việt Nam bằng 1 đồng bạc Đông Dương. Việc Chính phủ phát hành kịp thời giấy bạc Việt Nam là cơ sở quan trọng để điều tiết giao lưu thúc đẩy nền kinh tế phát triển ở vùng tự do, nhất là đối với miền núi, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc biết dùng tiền để mua bán tránh khỏi sự trao đổi bóc lột của thương lái từ đồng bằng lên.
- Các dân tộc thiểu số miền Tây Phú Yên cùng toàn dân trong tỉnh đánh giặc bảo vệ buôn làng, chuẩn bị kháng chiến lâu dài.
Tháng 11/1945, thực dân Pháp huy động hơn một vạn quân mở cuộc hành quân lớn nhằm chiếm đóng cực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nhưng chúng chỉ chiếm được Nam Tây Nguyên. Tháng 1/1946, khi có thêm quân chi viện từ Pháp sang, tướng Lơ-cờ-léc chỉ huy 1.500 quân mở cuộc hành quân lớn nhằm mở rộng chiếm đóng Nam Trung Bộ, quân địch bị quân ta chặn tại Nam đèo Cả, Đông Cheo Reo, Nam Gia Lai, hai huyện ở miền Tây Phú Yên trở thành tiền tiêu của mặt trận phía Nam và phía Tây của tỉnh.
Ngày 21/1/1946, mặt trận Buôn Ma Thuột và mặt trận Ma Đrắc bị vỡ. Tháng 6/1946, Pháp chiếm toàn bộ tỉnh Đắk Lắk, tỉnh Đắk Lắk quyết định rút các lực lượng về đóng quân tại một số xã miền Tây Phú Yên (Bầu Bèng, Cà Lúi, Hòn Nhọn, Sơn Hà) để bảo toàn lực lượng chiến đấu lâu dài.
Trong khi đó có một số đơn vị Nam tiến cùng phối hợp với tiểu đoàn Lương Ngọc Quyến thuộc Trung đoàn 79 tổ chức trấn giữ phòng tuyến phía bắc từ buôn Đức đến Hòn Cồ (huyện Sông Hinh), sau đó chuyển ra buôn Thung, lấy buôn Thung làm sở chỉ huy, hình thành phòng tuyến trên đường 21 (bis) ngăn chặn bước tiến công của kẻ địch từ Đắk Lắk xuống Phú Yên.
Ngày 27/6/1946, tướng Đác-giăng-li-ơ, Cao ủy Pháp ở Đông Dương, đã ký lệnh hợp nhất 5 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum, Lâm Viên, Đồng Nai thượng thành một đơn vị hành chính gọi là Ủy phủ liên bang các dân tộc Thượng miền Nam Đông Dương, mệnh danh là “xứ Tây kỳ tự trị”.
Từ giữa năm 1946 đến đầu năm 1947, sau khi mặt trận Ma Đrắc và Buôn Ma Thuột bị vỡ, các xã nam sông Ba như: Ea Bia, Ea Trol, Ea Bá một thời gian sau đó đều bị Pháp lấn chiếm. Các xã bắc sông Ba như: Krông Pa, Suối Trai, Cà Lúi, Sơn Bình, Sơn Hà, ta thành lập phòng tuyến buôn Ma Thiêng (gần núi Hòn Ó và rừng Ma Mốc) án ngự bước tiến của quân địch từ Cheo Reo theo đường số 7 xuống Củng Sơn. Phòng tuyến giữ vững một thời gian thì Pháp tập trung quân càn quét, mặt trận Ma Thiêng bị vỡ, bộ đội ta (Trung đoàn 84) rút về đứng chân tại các xã Phước Tân, Sơn Hà, Xuân Quang.
Trước âm mưu của thực dân Pháp, Trung ương Đảng ta đã biết trước là không sớm thì muộn chúng sẽ đánh ta. Ta nhất định cũng phải đánh thực dân Pháp. Chiến tranh sẽ mở rộng do đó Trung ương Đảng chủ trương toàn dân kháng chiến (22/12/1946), tiếp đến ngày 12/1/1947 có lệnh toàn dân thực hiện tiêu thổ kháng chiến.
Thực hiện chủ trương của Trung ương, đồng bào Kinh cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số ra sức phá hoại triệt để cầu cống, đường sá. Ở miền núi tổ chức lực lượng dân quân tự vệ canh gác, đào hầm, cắm chông khắp rừng núi, xây dựng chiến khu căn cứ địa. Nhờ có chủ trương sớm của Trung ương, khi địch từ Đắk Lắk xuống chúng không dám lùng sục vào rừng. Hai huyện miền núi đều phân tán tài sản, trâu bò, lúa gạo vào rừng.
Cả tỉnh và miền Tây đang bừng bừng khí thế thi đua thì đầu tháng 1/1947, một tiểu đoàn địch xuất phát từ huyện Ma Đrắc đã băng rừng càn ra các xã nam sông Ba: Hòn Nhọn, Ea Bia, Ea Trol gặp các đơn vị lực lượng vũ trang Đắk Lắk kịp thời tấn công, làm cho bọn chúng không kịp trở tay.
Cũng thời gian trên, địch tổ chức một cánh quân từ huyện Cheo Reo men theo đường số 7 xuống đánh phá Củng Sơn, Sơn Hà, Ba Bảng, Suối Trai (Sơn Hòa). Bọn chúng bị bộ đội địa phương huyện Sơn Hòa, du kích các xã Suối Trai, Cà Lúi, Sơn Bình cùng với bộ đội chủ lực Trung đoàn 84 đánh thiệt hại nặng đành phải bỏ dở trận càn kéo về bám trụ tại Phú Cần thuộc huyện Cheo Reo, tỉnh Gia Lai.
- Miền Tây Phú Yên vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến.
Dưới chế độ mới, chính quyền cách mạng được củng cố, phong trào sản xuất tự cấp, tự túc không ngừng phát triển. Các thầy cô giáo không chuyên đang ra sức đuổi giặc dốt thì ở miền xuôi nhiều đơn vị bộ đội
Đầu năm 1947, địch tập trung quân càn quét, uy hiếp quần chúng vùng giáp ranh giữa Ma Đrắc với huyện Sơn Hòa, giáp ranh tây huyện Đồng Xuân với huyện Cheo Reo (Gia Lai). Sau đó chúng đóng đồn buôn Thu, buôn Hai Riêng (Sông Hinh), đồn Cà Lúi thuộc xã Krông Pa (Sơn Hòa), đồn Ba Lá, Ma Phu, Ai Nu để khống chế các xã dân tộc: Krông Pa, Suối Trai, Cà Lúi, Sơn Bình, Sơn Hà, Sơn Phước, Phước Tân, Sơn Hội tạo cơ sở, nếu có điều kiện chúng sẽ lấn chiếm ra Sơn Hòa và Đồng Xuân.
Từ đó các vùng giáp ranh miền Tây của tỉnh coi như vùng tranh chấp. Thanh niên lo canh gác, cắm chông, đào hầm ngăn cản bước tiến của địch, đồng thời đi dân công dẫn đường, gùi vũ khí, làm lán trại cho bộ đội. Tuy vậy việc sản xuất tự túc vẫn không lơi lỏng. Ban ngày thì sản xuất, tuần tra canh gác đề phòng địch, ban đêm thì học chữ.
Riêng các xã Hòn Nhọn, Đồng Cam, Suối Bạc (Sơn Hòa), Đá Mài, Phú Mỡ, Thồ Lồ còn xa địch, tình hình các mặt còn ổn định, chỉ lo sản xuất chống cứu đói, đi dân công phục vụ bộ đội.
Bọn địch tuy đã thành lập một hệ thống cứ điểm nhưng chúng không lập được tề, nhân dân đấu tranh giữ thế làm chủ, chống địch bắt lính, bắt xâu, cướp gà, heo...
Từ đầu năm 1947, địch hoạt động đánh phá vùng giáp ranh miền Tây Phú Yên với các tỉnh Tây Nguyên, ở đồng bằng huyện Tuy Hòa, ngày 13/1/1947, một cánh quân Pháp từ Khánh Hòa vượt đèo Cả. Ngày 16/1/1947, một cánh quân Pháp lại đổ bộ vào Hòa Xuân (Tuy Hòa). Ngày 18/7/1947, địch hành quân theo đường số 1 ra Phú Lâm, định vào thị xã Tuy Hòa, thế nhưng cầu Đà Rằng bị ta phá hoại, chúng không qua sông được. Bọn địch bị tiểu đoàn Ba Dương và một số đơn vị bộ đội của Trung đoàn 80 (quân khu) tập kích, địch bị quân ta tiêu diệt một số, bọn sống sót phải quay lại Hảo Sơn, chiếm đóng núi Hiềm cho đến ngày 26/11/1950 mới rút khỏi núi Hiềm.
Như thế trong thời điểm này ở miền núi và đồng bằng Phú Yên đều có địch.
- Kiện toàn bộ máy công tác miền núi
Từ tháng 1/1946 đến đầu 1947, theo quyết định của Khu ủy 5, tỉnh giải tán hai huyện Tân Xuân và Tân Sơn. Huyện Tân Sơn nhập với huyện Sơn Hòa, huyện Tân Xuân nhập vào huyện Đồng Xuân. Hai phân phòng quốc dân thiểu số cũng được sáp nhập vào hai huyện. Cử ông Sô Ha Din làm Phó Chủ tịch huyện Đồng Xuân, cử ông Bá Thanh Bơ làm Phó Chủ tịch Sơn Hòa theo dõi miền núi. Phân Phòng miền núi Sơn Hòa do đồng chí Cung phụ trách, phân phòng miền núi Đồng Xuân do đồng chí Huỳnh Thượng Chánh sau đó do đồng chí Cao Xuân Thiêm phụ trách.
Đầu tháng 9/1947, tỉnh giải thể 2 phân phòng quốc dân thiểu số huyện, thành lập Ban Miền núi tỉnh do anh Nguyễn Tô Sâm làm trưởng ban. Số cán bộ của hai huyện Tân Xuân và Tân Sơn và 2 phân phòng quốc dân thiểu số giao hai huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa quản lý. Số cán bộ nói trên đều điều xuống cơ sở, mỗi cán bộ phụ trách một xã.
Số cán bộ công tác miền núi lúc ấy có:
Phía Đồng Xuân: - Cao Xuân Thiêm (người Kinh)
- Ma Noa
- Ma Cử
- Ma Nhót (Ma Thái)
- Đồng chí Khâm (người Kinh)
- Ma Dư
Phía Sơn Hòa:
- Đồng chí Thung, tức Cung (người Kinh)
- Bá Nam Trung
- Y Lách
- Ma Nhân
- Y Nộ
- Y Heo
- Y Thìn
- Y Trơi
Cuối 1949, sau khi Ban Miền núi được thành lập, tỉnh rút một số chi ủy viên ở các xã đồng bằng lên tổ chức đoàn cán bộ xây dựng miền núi. Vì không hợp khí hậu, cuộc sống quá kham khổ lại phải trèo đèo lội suối, bị sốt rét không chịu nổi xin trở về xuôi hết, chỉ còn đồng chí Thung ở xã Hòa Hiệp, đồng chí Tô Trác ở xã Xuân Phước lên núi từ năm 1949, đồng chí Cao Xuân Thiêm từ Bắc Trung bộ vào năm 1946 còn lại hoạt động đến thời kỳ chống Mỹ.
Năm 1950, tỉnh giải tán Ban Miền núi, thành lập khu B và khu A. Khu B do anh Phạm Tung phụ trách, khu A do Nguyễn Kiết phụ trách.
Từ khi tổ chức khu A và khu B, vấn đề xây dựng phát triển Đảng ở khu vực miền núi mới được chú ý. Trước đó, công việc thôn xã đều do cán bộ Kinh, bây giờ mọi việc đều do cán bộ địa phương phụ trách. Cán bộ Kinh chỉ giúp đỡ, chứ không bao biện làm thay.
Với vùng đồng bào dân tộc, trong chiến đấu chống giặc cũng như xây dựng và bảo vệ buôn làng tự do, cán bộ, đảng viên luôn biết dựa vào dân, phát huy sức mạnh của dân. Cán bộ luôn gắn bó mật thiết với dân, bám sát dân, trên dưới một lòng, chia ngọt sẻ bùi để vượt qua khó khăn thử thách.
Ngày 5/1/1948, hai tiểu đoàn Pháp từ Cheo Reo chia thành hai cánh đánh xuống Phú Yên nhằm chiếm Củng Sơn và tây huyện Đồng Xuân. Trung đoàn 84 phối hợp với một bộ phận Trung đoàn 83 và dân quân chận đánh địch tại buôn Dù, buôn Dí và tại thị trấn Củng Sơn, giết và làm bị thương hàng trăm tên, địch rút chạy khỏi Củng Sơn, cụm lại ở đồn Cà Lúi (xã Krông Pa).
Đầu tháng 7/1949, một đại đội địch từ đồn Ma Phu (xã Đất Bằng, huyện Cheo Reo), có máy bay yểm trợ băng rừng xuống tổng binh đốt phá (thuộc xã Xuân Phước) và buôn Ma Hiền (xã Đá Mài). Bọn địch bắn giết hàng chục trâu, bò, ngựa của dân.
Ngày 26/8/1949, bên kia sông Ba thuộc thôn Trường Lạc (xã Sơn Thành) địch kéo hai tiểu đoàn từ huyện Khánh Dương qua phối hợp với một số quân đồn buôn Đức, buôn Hai Riêng hành quân xuống phá đập Đồng Cam. Thế nhưng, chúng bị bộ đội địa phương Tuy Hòa, Sơn Hòa phối hợp với bộ đội Trung đoàn 80-83 đánh cho tan tác, vội vã tháo chạy.
Cuối tháng 9/1949, địch tiếp tục mở cuộc càn lớn, chúng phối hợp từ ba mặt: Từ huyện Ma Đrắc thọc xuống xã Sơn Thành, từ huyện Cheo Reo theo đường số 7 xuống Củng Sơn, từ đồn Ai Nu – Ba Lá xuống Phước Tân – Tổng Binh, Xuân Phước, Sơn Định bị lực lượng bộ đội Trung đoàn 84 và bộ đội địa phương Đồng Xuân, Sơn Hòa, Tuy Hòa đánh cho thiệt hại nặng, bọn chúng phải băng rừng bỏ chạy.
Ở miền Tây, địch liên tục càn quét, ở đồng bằng bọn Hải thuyền thỉnh thoảng đổ bộ lên bờ đốt phá nhà cửa, ghe, thuyền, ngư cụ của dân các vùng Sông Cầu, Tuy An, Tuy Hòa. Trên không từng tốp máy bay bay lượn bắn phá suốt ngày trên các trục đường và các tụ điểm giao thông.
Tình hình chiến trường Đắk Lắk – Phú Yên gặp nhiều khó khăn do địch gây ra, Tỉnh ủy Đắk Lắk đề nghị Phú Yên chuyển giao một số xã miền tây như Hòn Nhọn, Suối Trai, Cà Lúi, Bầu Bèng, Sơn Hội về cho Đắk Lắk quản lý để làm chỗ đứng chân, thế nhưng Tỉnh ủy Phú Yên không đồng ý. Phú Yên chỉ đồng ý cho tạm đứng chân, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về lương thực, thực phẩm, dân công. Phú Yên sẵn sàng làm hậu cứ cho Đắk Lắk, vấn đề giao hẳn cho Đắk Lắk một số xã lúc này không nên đặt ra.
VĂN CÔNG