Phát biểu tại hội nghị Tổng kết bước 1 thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường được tổ chức tại Hà Nội chiều 16/8, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã chỉ rõ 5 ưu điểm.
Trước hết, đã tạo ra bước chuyển trong cải cách hành chính góp phần tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, nhất là phân biệt rõ chính quyền đô thị và nông thôn, trong đó phù hợp với chính quyền đô thị là không tổ chức HĐND quận, phường; phù hợp với chính quyền nông thôn là không tổ chức HĐND huyện. Thứ hai, vẫn bảo đảm được tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính Nhà nước; chức trách nhiệm vụ, quyền hạn được tăng cường một cách toàn diện và thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý, điều hành của UBND. Thứ ba, phát huy được tính chủ động và trách nhiệm của người đứng đầu trong UBND, từ đó gắn với dân và gần với dân hơn. Vai trò của UBND và người đứng đầu cơ quan hành chính này có tính trách nhiệm cao hơn. Thứ tư, việc giám sát, kiểm tra hoạt động của cơ quan Nhà nước trên địa bàn ở huyện, quận, phường vẫn bảo đảm được tăng cường. Quyền làm chủ của người dân ở địa phương vẫn được đảm bảo. Trong đó, giám sát là để thực hiện dân chủ, dân chủ là để thực hiện giám sát cũng như gắn với việc đánh giá hiệu quả, năng lực hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước. Thứ năm, việc không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường vẫn bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh của đất nước.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đánh giá, để có thể không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường thì phải hoàn thiện thêm thể chế, trong đó có vấn đề chức trách nhiệm vụ, quyền hạn, biên chế của cấp tỉnh. Đồng thời, cần làm tốt hơn vai trò giám sát, kiểm soát, đảm bảo quyền lợi của người dân trên từng địa bàn, đi đôi với việc hoàn thiện hệ thống bộ máy tổ chức ở cấp huyện cũng như xử lý những vấn đề đặt ra giữa cấp huyện với cấp tỉnh, giữa cấp huyện với dân. Phó Thủ tướng lưu ý, phải có quy định rõ hơn trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch và UBND trong hệ thống hành chính ở cấp huyện. Vai trò của MTTQ Việt
Sau gần 2 năm tiến hành thí điểm, mới đây, Ban Chỉ đạo đã cử 10 đoàn công tác khảo sát tại 10 tỉnh, thành phố: Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho thấy hoạt động thí điểm cơ bản đem lại hiệu quả thiết thực. Tỉ lệ tiếp công dân tại các huyện đã tăng 17,6%, các quận tăng 6,3%, các phường tăng 11% so với trước khi thí điểm. Đặc biệt, những lo ngại về bảo đảm dân chủ hay phát triển kinh tế - xã hội đã không còn.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn, qua hơn một năm thí điểm không tổ chức HĐND tại 67 huyện, 32 quận, 483 phường của 10 địa phương: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Trị, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, nhìn chung các chức năng, nhiệm vụ trước đây của HĐND huyện, quận, phường vẫn được duy trì. Tính đại diện và quyền dân chủ của nhân dân trong thực thi quyền lực nhà nước trên địa bàn huyện, quận, phường được đảm bảo thông qua hoạt động của các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp trên, thông qua MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội và hoạt động tiếp công dân của UBND huyện, quận, phường. Bước đầu đã tinh gọn bộ máy, giảm bớt các quy trình, thủ tục hành chính, giảm nguồn ngân sách chi cho tổ chức và hoạt động của HĐND huyện, quận, phường.
Riêng Phú Yên đã thí điểm không tổ chức HĐND tại 7 huyện và 12 phường. Theo đánh giá của tỉnh, việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, phường đã tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, góp phần xây dựng bộ máy hành chính ở địa phương tinh gọn, năng động hơn trong quản lý điều hành, tiết kiệm được một khoản kinh phí lớn mà trước đây phải chi phục vụ cho hoạt động của HĐND huyện, phường; giảm thời gian dành cho các kỳ họp HĐND nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng ở cơ sở.
KHƯƠNG NGUYÊN (tổng hợp)