Đầu tháng 3 đến tháng 4/1945, trước tình hình Nhật – Pháp bắn nhau, cao trào kháng chiến cứu nước cuồn cuộn dâng lên khắp cả nước. Ở Phú Yên, các đồng chí đảng viên cũ trong phủ Tuy Hòa lúc này đã đi tìm gặp nhau để trao đổi tình hình, nhận định thời cuộc, bàn cách nắm quần chúng và phân công nhau tìm bắt liên lạc với các tổ chức Đảng. Ngay trong tháng 4/1945, nhiều đồng chí chính trị phạm từ các nhà tù đế quốc ở Tây Nguyên (Buôn Ma Thuột, Kon Tum, Trà Kê, Đắc Tô) đã về đến Phú Yên, trong đó phải kể đến 4 đồng chí: Lê Hữu Phúc (tức Xuân), quê ở Thanh Hóa, đồng chí Lê Cấp (tức Mẫn) quê ở Quảng Trị, đồng chí Nguyễn Sơ (tức Sửu) quê ở Quảng Nam và đồng chí Trương Kiểm (tức Trương Chí Cương) đã tích cực móc nối liên lạc với các cơ sở đảng ở địa phương trong đó có việc tìm bắt liên lạc với Chi bộ A ở Hòa Quang - Chi bộ đầu tiên do đồng chí Trần Hào thành lập.
Thoạt đầu, trên đường tìm về Hòa Quang đồng chí Trương Kiểm đã gặp “Nhóm nghiên cứu mác xít” của các đồng chí Khôi, Bác, Ái để hỏi thăm đường.
Mấy ngày sau, lại thêm hai đồng chí chính trị phạm là Hoằng và Sinh từ Tây Nguyên cũng tìm về Hòa Quang. Sau khi đồng chí Nguyễn Hạnh (ở An Nghiệp - Tuy An) trao đổi về tình hình hoạt động của Chi bộ A ở Nho Lâm, các đồng chí chính trị phạm đã tìm được đến nhà đồng chí Nguyễn Tự Đoan, đã thông báo cho các đảng viên ở chi bộ Nho Lâm là Phan Văn Dự và Trần Văn Tấn để cùng nhau trao đổi tình hình, đồng thời liên lạc với các đảng viên ở Chi bộ B Phước Hậu. Do đường dây liên lạc của tổ chức Đảng trong các nhà tù luôn bám sát các chỉ thị của Trung ương Đảng nên ở tù ra các đồng chí đã phổ biến kịp thời chủ trương của Đảng với đảng viên ở Nho Lâm.
Từ Hòa Quang, các đồng chí chính trị phạm đã phân công nhau tìm bắt liên lạc với các đảng viên cũ trong phủ Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên, thống nhất chương trình hành động, khôi phục các tổ chức quần chúng, tiến hành thành lập các Ủy ban Mặt trận tổng và phủ.
Từ tháng 4/1945, sau khi các đồng chí chính trị phạm về bắt liên lạc được với Chi bộ A ở Hòa Quang và các đảng viên trong phủ. Mặt trận Việt Minh phủ Tuy Hòa được phôi thai hình thành. Đồng thời Mặt trận Việt Minh tổng Hòa Tường gồm các xã Hòa Quang, Hòa Định,... ra đời và do đồng chí Nguyễn Tự Đoan phụ trách.
Tháng 5/1945, thông qua các hoạt động của Mặt trận Việt Minh tổng Hòa Tường do đồng chí Nguyễn Tự Đoan phụ trách, các đảng viên của Chi bộ A đã tích cực hoạt động để củng cố các tổ chức quần chúng. Vào một buổi tối, Hội nghị đảng viên Nho Lâm được nhóm họp tại nhà đồng chí Nguyễn Tự Đoan với sự có mặt của các đồng chí Phan Văn Dự, Trần Văn Tấn, Trương Công Điển. Hội nghị này có tầm quan trọng đặc biệt, đánh dấu sự khôi phục hoạt động của Chi bộ A ở Nho Lâm vào đúng thời điểm lịch sử chuẩn bị cho cuộc cách mạng đang bước vào những giờ phút quyết liệt. Địa điểm nhà đồng chí Nguyễn Tự Đoan trở thành trung tâm liên lạc từ khi các đồng chí chính trị phạm tìm về Hòa Quang. Từ đây, các thông tin, chỉ thị của Đảng do các đồng chí ở tù ra phổ biến đã kịp thời được thông báo cho đảng viên và các tổ chức quần chúng.
Sự khôi phục hoạt động của chi bộ Nho Lâm đã làm sống dậy phong trào quần chúng. Ủy ban Việt Minh xã ra đời. Các đội tự vệ vũ trang được tổ chức ở Nho Lâm ngay từ tháng 6 đã bắt đầu triển khai luyện tập quân sự, sắm sửa vũ khí, rèn giáo mác, dao kiếm chuẩn bị cung nỏ... chờ lệnh tổng khởi nghĩa.
Ngày 17/7/1945 Đại hội Việt Minh tỉnh Phú Yên được triệu tập tại thôn Phước Hậu, làm việc khẩn trương trong hai ngày ba đêm để thông qua báo cáo về tình hình trong tỉnh và đề án chuẩn bị khởi nghĩa, đồng thời xác định rõ đối tượng của cuộc khởi nghĩa “nhằm vào bọn phát xít Nhật và bọn bù nhìn tay sai của Nhật”.
Ngày 18/8/1945, trong không khí sục sôi cách mạng của cả nước, Ủy ban Việt Minh tổng Hòa Tường (do đồng chí Nguyễn Tự Đoan phụ trách) đã phát động quần chúng nhân dân từ khắp các xã trong tổng kéo về tập trung tại núi Sầm để dự mít tinh. Tại cuộc mít tinh trước đông đảo quần chúng hàng ngàn người, đồng chí Nguyễn Chấn thay mặt Ủy ban Việt Minh thông báo mười nhiệm vụ chủ yếu trong cương lĩnh chính trị của Việt Minh, kêu gọi quần chúng chuẩn bị vùng lên cướp chính quyền. Cuộc mít tinh đã biến thành cuộc biểu tình thị uy đi theo mương dẫn thủy số 5 vào Đông Lộc, theo đường số 7 đến chợ Phong Niên, lên thôn An Nghiệp rồi từ cầu Đúc cây số 10 lại theo mương dẫn thủy số 3 ra thôn Đại Bình, Nho Lâm, dừng lại ở ngả ba Hạnh Lâm, họp mít tinh, trở về núi Sầm mới giải tán.
Đây là cuộc biểu dương lực lượng đầu tiên trong tỉnh Phú Yên do Ủy ban Việt Minh các xã ngoại vi thuộc tổng Hòa Tường của phủ Tuy Hòa vận động tổ chức.
Tiếp theo ngày 19, 20, 21/8/1945 các cuộc biểu tình thị uy của quần chúng trong phủ lại liên tiếp nổ ra và tập trung ở khu vực Nhà máy đường Đồng Bò.
Đặc biệt, ngày 23/8/1945, Chi bộ Nho Lâm và Ủy ban Việt Minh xã đã huy động được trên 2.000 quần chúng mà nòng cốt là các đội tự vệ vũ trang cứu quốc ở Nho Lâm, Hạnh Lâm cùng với hơn 5.000 người của các tổng trong phủ gồm các xã phía Nam sông Đà Rằng tập hợp về núi Sầm, mang theo gậy gộc, giáo mác, băng khẩu hiệu, cờ đỏ sao vàng rầm rộ kéo về phủ lỵ cùng với nhân dân các địa phương trong nội thị tổ chức mít tinh tại sân bay Chóp Chài, rồi kéo đi biểu tình tuần hành thị uy, giơ cao gậy gộc, dáo mác và hô vang các khẩu hiệu:
- Đả đảo phát xít Nhật!
- Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim
- Việt Nam độc lập muôn năm!
- Mặt trận Việt
Đoàn biểu tình kéo qua phủ lỵ đến đường Tản Đà, rẽ qua cầu Ông Chừ, lên chợ Phong Niên (Hòa Thắng) đến trưa thì về đến Hòa Quang (chợ cũ).
Sau các cuộc tuần hành thị uy quy mô này, bộ máy chính quyền bù nhìn tay sai thân Nhật từ phủ xuống đến xã hầu như tê liệt tan rã. Còn quân đội Nhật đóng tại Tuy Hòa và Đồng Bò (một tiểu đoàn) hầu như “án binh bất động” đợi ngày rút quân.
Tối ngày 23/8/1945, Ủy ban lãnh đạo khởi nghĩa tỉnh Phú Yên được thành lập và ngay đêm đó, lệnh khởi nghĩa được phát truyền đi, cho đến ngày hôm sau được triển khai đến các xã.
Ngày 24/8/1945, Ủy ban Việt Minh tổng Hòa Tường do đồng chí Nguyễn Tự Đoan phụ trách đã phát động quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền theo lệnh đã nhận. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tổng Hòa Tường đã được thành lập do đồng chí Nguyễn Tự Đoan làm Chủ tịch. Chính quyền cách mạng tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn của các xã trong tổng Hòa Tường ngay từ ngày 24/8/1945.
Ngày 25/8/1945, Chánh tổng Hòa Tường là Nguyễn Kỉnh Phu cùng Phó tổng Trịnh Phí Thừa đã đem nạp đồng triện cho Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tại Miễu Lầu Nho Lâm.
Ngày 26/8/1945, Chi bộ Nho Lâm và Ủy ban Mặt trận Việt Minh xã do đồng chí Trần Văn Tấn phụ trách đã tổ chức phát động quần chúng, nòng cốt là các đội tự vệ vũ trang cứu quốc giành chính quyền ở tất cả các làng trong xã. 13 lý trưởng của các làng Đại Phú, Đại Bình, Nho Lâm, Hạnh Lâm, Mậu Lâm, Ngọc Lãnh, Cẩm Sơn, Đồng Mỹ, Đồng Hòa, Ngọc Sơn, Thường Thạnh, Trường Phú lần lượt giao dấu triện cho chính quyền nhân dân cách mạng lâm thời.
Ngay lập tức ở 13 làng thuộc xã Hòa Quang, Ủy ban Việt Minh và Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời đã được cử ra để kịp thời giải quyết các công tác cách mạng, nhanh chóng ổn định đời sống của nhân dân và giữ gìn an ninh, bảo vệ thành quả vừa giành được.
PHAN THANH