Văn phòng Chính phủ chủ trì xây dựng ngay dự thảo Quyết định của Thủ tướng hướng dẫn về quy trình xây dựng văn bản pháp luật, trong đó quy định rõ cơ quan nào chủ trì xây dựng, phải lấy ý kiến của cơ quan nào, ai chịu trách nhiệm trả lời, trong bao lâu thì phải trả lời... Đó là nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi kết thúc phiên họp thường kỳ tháng 7, diễn ra trong hai ngày 31-7 và 1-8.
Ý kiến chỉ đạo trên được đưa ra khi số văn bản quy phạm pháp luật mà Chính phủ còn nợ rất lớn, lên tới 154 Nghị định hướng dẫn thi hành luật. Chính vì vậy, Thủ tướng đã yêu cầu phải sớm ban hành quyết định nói trên nhằm xác định rõ trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, từ đó có biện pháp xử lý trách nhiệm nếu chậm xây dựng, hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản hướng dẫn thực hiện luật.
Tại cuộc họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều qua 1-8, ông Nguyễn Kinh Quốc, người phát ngôn của Thủ tướng, cho biết, các thành viên Chính phủ đã dành phần lớn thời gian bàn thảo, đóng góp ý kiến về các văn bản hướng dẫn luật trước khi ban hành. Trong đó có dự thảo Nghị định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; bổ sung Nghị định số 131/2005 về thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước; Nghị định về doanh nghiệp khoa học công nghệ và một số dự luật, pháp lệnh khác.
Chính phủ cũng nghe Bộ trưởng Thương mại báo cáo kết quả chuyên đề về kết quả đàm phán gia nhập WTO. Hiện nay, Ban thư ký của WTO đang gửi kết quả đàm phán với Việt Nam đến các thành viên để rà soát những nội dung một lần nữa, sau đó mới có thể công bố nội dung cam kết để nhân dân và doanh nghiệp biết, chủ động thực hiện.
Tại phiên họp nói trên, các thành viên Chính phủ cũng đã bàn thảo khá kỹ về tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng qua. Theo báo cáo các bộ trưởng đưa ra tại phiên họp thì nhiều lĩnh vực kinh tế có kết quả khá khả quan: giá trị sản xuất công nghiệp 7 tháng tăng 16,5% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 22,34 tỷ USD, tăng 25,7%, nâng mức xuất khẩu bình quân từ 2,48 tỷ USD/tháng (năm 2005) lên 3,19 tỷ USD/tháng trong 7 tháng qua. Tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đạt mức cao với 2,7 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thu hút vốn đầu tư trong dân cư. Hiện giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ mới đạt 36% kế hoạch năm; vốn tín dụng đầu tư nhà nước thực hiện trong 7 tháng là 12.813 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch năm. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành phải tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh và phải đặc biệt chú ý xuất khẩu ngay tại thị trường nội địa.
(SGGP)