"Thủ tướng yêu cầu phải xử lý ngay các vụ nổi cộm liên quan đến tham nhũng để củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, tổ chức bộ máy hoạt động hiệu quả hơn" - Người phát ngôn của Thủ tướng, ông Nguyễn Kinh Quốc cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 7, vừa diễn ra chiều hôm qua 1-8.
Những vụ nổi cộm mà Thủ tướng yêu cầu xử lý dứt điểm, đó là vụ tiêu cực của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, vụ PMU 18 từng gây xôn xao dư luận.
"Trong vụ PMU 18, Thủ tướng yêu cầu phải kiểm điểm rõ trách nhiệm các cục, vụ liên quan, không phải để tố cáo, truy cứu mà để tổ chức lại bộ máy hoạt động hiệu quả hơn" - ông Quốc nói.
Chính phủ còn nợ đọng 154 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 7-2006. (Ảnh nguồn Website Chính phủ)
Theo ông Nguyễn Kinh Quốc, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong xây dựng luật, pháp lệnh, ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi luật... và điều đáng ghi nhận là không có văn bản luật nào khi ban hành gây cản trở kinh doanh.
Tuy nhiên, vẫn còn hai tồn tại lớn trong công tác xây dựng, ban hành các văn bản luật của Chính phủ, đó là chất lượng nhiều văn bản thấp và đặc biệt là chậm ban hành các Nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Hiện tại, Chính phủ còn nợ đọng tới 154 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, con số này năm 2003 là 100, tháng trước là 183.
Nguyên nhân, có cả chủ quan lẫn khách quan, mà theo ông Quốc, do ban hành văn bản pháp luật còn rất chồng chéo, có một số điều vừa ban hành lại phải sửa lại ngay do nghiên cứu chưa thấu đáo; đội ngũ cán bộ làm luật vừa yếu, vừa thiếu, kinh phí dành cho xây dựng luật quá thấp...
"Để xảy ra tình trạng trên có một phần trách nhiệm của một số Bộ trưởng do sự phối hợp chậm trễ, lỏng lẻo, sự bất đồng về quan điểm giữa các thành viên Ban soạn thảo Luật" - ông Quốc nhấn mạnh.
Giải pháp cho vấn đề này là Chính phủ sẽ cải cách quy trình làm luật theo hướng nhanh, gọn thay vì quy trình rườm rà, mất thời gian như hiện nay. "Nếu cần thiết sẽ xây dựng Nghị định của Chính phủ xoay quanh vấn đề này để đẩy nhanh tiến độ xây dựng luật, quy trách nhiệm từng đối tượng cụ thể" - ông Quốc cho biết ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đề cao trách nhiệm cá nhân Bộ trưởng trong việc soạn thảo, xây dựng luật với tư cách cơ quan chủ quản. Các Bộ trưởng, cơ quan chủ quản soạn thảo luật phải tăng cường kiểm tra, xem xét tính đúng đắn của nội dung luật, tăng cường sự phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đẩy nhanh tiến độ xây dựng luật cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành luật.
Thủ tướng có quyền bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT các tập đoàn kinh tế, các TCT lớn
Bàn về dự thảo Nghị định bổ sung Nghị định số 132/2005 về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với công ty Nhà nước, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư soạn thảo, bổ sung, xác định lại các tập đoàn kinh tế lớn và các Tổng Công ty thuộc quyền của Thủ tướng.
Hiện, theo ông Nguyễn Kinh Quốc, có 4 tập đoàn kinh tế lớn và 15 Tổng Công ty 90, 91 thuộc phạm vi quyền hạn của Thủ tướng, chẳng hạn Thủ tướng có quyền thành lập hoặc giải thể, phê duyệt chiến lược, kế hoạch dài hạn, phê duyệt điều lệ và đặc biệt là bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT.
Riêng TCT Xăng dầu và TCT Dược, Thủ tướng sẽ phê duyệt thông qua mục tiêu chiến lược, còn lại giao cho Bộ chủ quản quản lý. Quyền bổ nhiệm Tổng Giám đốc các Tập đoàn kinh tế, các TCT lớn do HĐQT Tập đoàn, TCT đó quyết định.
Cũng tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7, bên cạnh sự lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, chỉ số giá tiêu dùng được kiềm chế..., còn tồn tại nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, điển hình là tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư nước ngoài quá chậm. So với kế hoạch, nhiều dự án lớn, dự án trọng điểm chậm tiến độ do thủ tục đầu tư còn quá nhiều rườm rà, vướng mắc, giải phóng mặt bằng chậm trễ, khâu xây dựng, thẩm định dự án còn trì trệ...
"Thủ tướng đã yêu cầu thời gian tới phải quyết liệt chấn chỉnh ngay tình trạng trên để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình" - ông Nguyễn Kinh Quốc cho biết.
Tại cuộc họp báo chiều nay, đại diện nhiều cơ quan thông tấn báo chí đã đề nghị ông Kinh Quốc cho biết về trường hợp ông Nguyễn Văn Lâm, nguyên Phó Chủ nhiệm VPCP - vừa bị miễn nhiệm, đã được bố trí công tác mới nào hay đang "ngồi chơi xơi nước"? Việc ông Lâm chỉ tham nhũng hơn 2,5 triệu đồng liệu có trung thực không? "Nếu đúng như thế thì phải miễn nhiệm quan chức ... cả nước" - một nhà báo chất vấn.
'Hiện thông tin ông Nguyễn Văn Lâm được bố trí công việc mới hay chưa tôi chưa nắm được" - ông Quốc nói.
(Theo VNN)