Thứ Năm, 28/11/2024 12:44 CH
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ:
“Những kỷ niệm ở Phú Yên – quê hương thứ 2, là đáng ghi nhớ nhất của đời tôi”
Chủ Nhật, 25/07/2010 16:00 CH

“Những kỷ niệm ở Phú Yên - Quê hương thứ 2, là đáng ghi nhớ nhất của đời tôi” - Luật sư đã nói từ đáy lòng mình. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ (10/7/1910 - 10/7/2010), là con trưởng nam tôi xin hồi tưởng lại những kỷ niệm đáng trân trọng ấy.

 

huu-tho100724.jpg

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Yên thăm, chúc mừng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ nhân năm mới 1995 - Ảnh: T. LIỆU

 

Trong hơn 50 năm hoạt động cách mạng, ông bị giam cầm và lưu đày gần 10 năm khắp Nam, Trung, Bắc. Trong gần 10 năm lưu đày ấy, ông đã sống và chiến đấu cùng Đảng bộ, nhân dân, cán bộ Phú Yên suốt gần 7 năm trong tình yêu thương đùm bọc của quê hương đối với người con của mình.

 

Đi ngược lại dòng lịch sử, cách đây hơn nửa thế kỷ hay nói chính xác hơn là 60 năm.

 

Tại Sài Gòn – sào huyệt của thực dân Pháp và Bảo Đại, của can thiệp đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, với ý chí kiên cường, bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm, ông là linh hồn của các phong trào đấu tranh yêu nước ở Sài Gòn và Nam bộ. Tên ông đã gắn liền với 2 sự kiện đi vào lịch sử Việt Nam với “Ngày học sinh sinh viên toàn quốc – 9/1/1950” sau đám tang trò TrầnVăn Ơn, với “Ngày toàn quốc chống Mỹ – 19/3/1950” sau khi 2 tàu chiến Mỹ buộc phải rời khỏi cảng Sài Gòn. Và ông sẵn sàng chấp nhận sự giam cầm ở các nhà lao Sài Gòn, sự lưu đày ở Lai Châu, Sơn Tây những năm 1950.

 

Được trả tự do tháng 11/1952, trở về Sài Gòn, ông tiếp tục hoạt động: biện hộ cho những cán bộ kháng chiến bị bắt như bà Nguyễn Thị Bình (sau này là Phó Chủ tịch nước), bà Đỗ Duy Liên (sau này là Phó Chủ tịch UBND TP. HCM); tham gia bản tuyên bố (thứ 3) của trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn, đòi Chính phủ Pháp phải chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam; tham gia thành lập Phong trào bảo vệ hòa bình Sài Gòn – Chợ Lớn đòi các chính phủ tham dự Hội nghị Genève phải nghiêm chỉnh thi hành các điều khoản của Hiệp định Genève.

 

Ngày 15/11/1954, ông lại bị bắt giam ở Sài Gòn, rồi bị đưa đi an trí tại Hải Phòng đầu năm 1955. Ý đồ của kẻ thù là sau khi Chính phủ VNDCCH tiếp quản Hải Phòng theo tinh thần Hiệp định Genève thì để ông ở lại miền Bắc.

 

Ý thức rất rõ là nhiệm vụ đấu tranh ở miền Nam chưa xong, ông kiến nghị Ủy ban kiểm soát quốc tế (CIC) đòi Ngô Đình Diệm đưa ông và các ông bà trong “nhóm Hòa bình” trở về miền Nam, dẫu biết rằng khi về miền Nam, kẻ thù sẽ tiếp tục giam giữ ông và “nhóm Hòa bình”.

 

Quả thật, vừa đến sân bay Tân Sơn Nhất, kẻ thù đã đưa ông cùng ông Nguyễn Văn Dưỡng, ông Từ Bá Đước và các ông bà khác đi quản thúc ở tỉnh Phú Yên vào những tháng đầu năm 1955.

Tại đây, ông đã phải đương đầu với 2500 ngày bị địch lưu đày.

 

Ngày 24/4/1955, kẻ thù đưa ông đến xã Hòa Thịnh, huyện Tuy Hòa – nơi có hệ thống đồn bót dày đặc nhưng không có đường sá cho xe cộ chạy, không có bệnh xá, dân thường bị sốt rét, với hy vọng ông sẽ không chịu nổi cảnh sống khắc nghiệt và sẽ chết vì bệnh tật ở đây.

 

Thế nhưng, địch không thể ngờ rằng Hòa Thịnh là một xã giàu truyền thống cách mạng (sau này được phong anh hùng). Đồng chí Nguyễn Duy Luân quê quán xã Hòa Thịnh (sau này là Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên) đã ra sức bảo vệ cho đoàn “Hòa bình”.

 

Ở đây có phong trào diệt ác phá kềm phát triển mạnh. Địch đánh hơi thấy động đã chuyển luật sư lên miền núi Củng Sơn theo nghị định của Ngô Đình Diệm (lúc bấy giờ là Thủ tướng chính quyền Sài Gòn). Thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa (nằm bên dòng sông Ba) nổi tiếng là rừng thiêng nước độc, một nửa cư dân là đồng bào các dân tộc thiểu số. Chúng lùa dân vào các ấp chiến lược được kiểm soát chặt chẽ. Lần thứ 2 địch phạm sai lầm. Dân ở đây một lòng theo cách mạng, ra sức chăm lo cuộc sống cho đoàn “Hòa bình” mặc dù tên quận trưởng Củng Sơn ra lệnh: Ai có quan hệ với “ông Hòa bình” và đoàn của ông sẽ bị “án tử hình”.

 

Lấy cớ các ông “Hòa bình” coi khinh lá “quốc kỳ” của Diệm khi đem quần áo treo tại đó, kẻ thù tổ chức đánh đập dã man. Nếu không có mũi tiêm thuốc của 1 y tá, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã không còn sống. Gia đình được điện khẩn ra Phú Yên với tâm trạng chủ yếu ra để mà chôn. Nhưng ông Nguyễn Văn Dưỡng vì thương tích quá nặng nên đã từ trần tại bệnh xá Tuy Hòa vào ngày 21/7/1958. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông nhờ ông Thọ báo cáo với Bác Hồ: “Xin lỗi Bác Hồ vì cháu đã “không làm tròn nhiệm vụ Bác giao”. Dù tình hình như thế nào ông Thọ vẫn kiên trì con đường cách mạng. Đối với ông, ai cũng có một quê hương để yêu, một đất nước để xây dựng và bảo vệ, một dân tộc để phụng sự.

 

Thời điểm này, Mỹ – Diệm xé bỏ Hiệp định Genève và ra tay củng cố quyền lực ở miền Nam. Với luật 10/59, Mỹ – Diệm lê máy chém khắp nơi, gây tội ác tày trời. Từ 1954 đến 1959, chúng đã giết hại hơn 90.000 người yêu nước, giam cầm hơn 800.000 người.

 

Tức nước vỡ bờ. Đồng bào ở khắp miền Nam tổ chức các cuộc nổi dậy đồng khởi. Đến cuối năm 1960, cuộc đồng khởi ở Nam bộ đã làm tan rã cơ cấu cơ sở ở nông thôn của chính quyền Sài Gòn.

 

Năm 1959, hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 khóa 2 chủ trương: “Cách mạng miền Nam cần lập mặt trận sớm và rộng rãi để tập hợp các tầng lớp nhân dân chống Mỹ cứu nước. Phải có người trí thức có tiếng tăm, tiêu biểu nhưng vững vàng để lãnh đạo”. Năm 1960, để thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, cuộc họp của Xứ ủy Nam bộ do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm bí thư đã được tiến hành. Sau khi cân nhắc kỹ, hội nghị nhất trí đề nghị người lãnh đạo cao nhất của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Quyết định quan trọng này được báo cáo lên Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã được chấp thuận. Trung ương Đảng và Khu ủy Khu 5 đã giao nhiệm vụ giải thoát ông cho Đảng bộ Phú Yên.

 

Kế hoạch giải thoát tiến hành từ tháng 6/1960. Ông Trần Suyền, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên là người trực tiếp tổ chức giải thoát. Mặc dù kế hoạch giải thoát rất chu đáo nhưng chẳng may đường dây cơ sở bí mật sa vào tay giặc. Những người con bình thường – bà Võ Thị Hồng Giác, ông Nguyễn Sự dù bị địch tra tấn dã man nhưng dứt khoát dù có chết cũng không bao giờ khai báo – đã trở thành những con người bất khuất. Kế hoạch giải thoát lần thứ nhất không bị lộ. Ngày 20/12/1960, tại căn cứ Bắc Tây Ninh tiến hành thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, cử ra ủy ban TƯ Lâm thời, trong khi luật sư Nguyễn Hữu Thọ vẫn còn bị quản thúc ở Tuy Hòa, Phú Yên.

 

Địch thấy việc quản thúc ông tại đây không còn an toàn, nên đưa ông trở lại miền núi Củng Sơn. Việc giải thoát luật sư càng trở nên cấp bách. Kế hoạch giải thoát lần thứ 2 rất tỉ mỉ và táo bạo. Lực lượng đặc công của Quân khu 5 đánh vào đồn bảo an, Đại đội 375 của Phú Yên trực tiếp đánh vào quận lỵ Củng Sơn. Đây là trận tập kích quận lỵ đầu tiên của lực lượng vũ trang Phú Yên với chiến thắng to lớn, nhưng nhiệm vụ chủ yếu giải thoát cho luật sư vẫn chưa thành công: Luật sư không có mặt ở Củng Sơn mà đang ở Tuy Hòa.

 

Kẻ thù yêu cầu ông trở lại Củng Sơn. Nhận thấy địch có thể tìm cách thủ tiêu ông nên ông tìm cách trì hoãn, xin tiếp tục ở lại Tuy Hòa để điều trị bệnh. Lúc này Tỉnh ủy Phú Yên lên Kế hoạch giải thoát lần thứ 3 một cách quyết liệt, trực tiếp là ông Trần Suyền và ông Nguyễn Lầu tỉnh đội trưởng Phú Yên. Khu mộ bà Dũ Ký ở chân núi Chóp Chài là điểm hẹn đón luật sư. Và ngày 30/10/1961 lịch sử, ông Phan Công Nhỏ, người chỉ huy lực lượng đặc công tỉnh Phú Yên đã trực tiếp cùng đồng đội của mình tổ chức đón luật sư tại khu mộ bà Dũ Ký.

 

Nhờ công lao của Đảng bộ, nhân dân, cán bộ Phú Yên, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã được giải thoát và về căn cứ địa cách mạng Bắc Tây Ninh một cách an toàn.

 

Trong gần 10 năm bị giam cầm lưu đày, nhiều lần mạng sống cha tôi bị đe dọa thì gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế eo hẹp; có lúc mẹ tôi phải ở tạm nhà em trai; rồi ở trại dưỡng lão thí ở Thị Nghè trong lúc mẹ tôi vẫn bị bệnh tâm thần mà không có tiền để điều trị. Sau đó, mượn được tiền, gia đình thuê một căn nhà nhỏ vỏn vẹn 30m2 trong hẻm đường Chi Lăng (Phú Nhuận) đủ chỗ để mẹ tôi và các con trải chiếu qua đêm trong nhiều năm. Khi tôi thoát ly ra chiến khu, chị Trân và em Thủy – không nơi nương tựa – vất vả chăm sóc mẹ tôi dưới sự kiểm soát gắt gao chặt chẽ của Mỹ và chế độ Sài Gòn, có lúc chị tôi bị địch bắt bớ, khủng bố. Đó là nỗi đau riêng ray rứt của cha tôi phải nén lại vì lợi ích chung.

 

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc ở miền Nam, với cương vị Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn CPCMLT CHMNVN. Ông đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày: 30/4/1975 lịch sử.

 

Sau ngày đất nước hoàn toàn độc lập tự do, ông lần lượt giữ các cương vị Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông đã chủ động góp phần tích cực vào việc đổi mới công tác Quốc hội, công tác Mặt trận. Ông đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng hệ thống pháp luật, Nhà nước pháp quyền, xây dựng Hiến pháp năm 1980; xây dựng MTTQ Việt Nam là nơi hội tụ trí tuệ, sáng kiến của các tầng lớp nhân dân, là trung tâm đoàn kết mọi người dân Việt Nam ở trong nước và ngoài nước. Ông còn có nhiều đóng góp rất lớn vào công tác ngoại giao thời chống Mỹ và sau ngày giải phóng. Đặc biệt, ngày 5/9/1973 Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã tham dự hội nghị cấp cao các nước không kiên kết lần thứ 4 tại Angiêri. Đại biểu hơn 100 nước đã công nhận Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa MNVN là thành viên chính thức của phong trào không kiên kết. Ông được các chính khách quốc tế yêu mến và các nguyên thủ quốc gia kính trọng.

 

Với những công lao to lớn trên, đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, ông được tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều huy chương cao quý khác trong nước và quốc tế. Thế nhưng ông đã khiêm tốn nói: “Đây là công lao của đồng bào, đồng chí, phần của tôi hết sức nhỏ bé”.

 

Sau ngày giải phóng, việc đầu tiên là cha tôi và tôi về khu xóm nghèo ở Phú Nhuận – để thăm mẹ tôi. Chỉ có điều là mẹ tôi già yếu hơn, bệnh nặng hơn...

 

Ngày 30/4/1975, tại Dinh Độc lập (nay là Hội trường Thống Nhất) lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phấp phới bay trên nóc nhà dinh là biểu tượng của chiến thắng lịch sử vĩ đại của toàn dân tộc trong đó có Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

 

Tại Hội trường Thống Nhất, ngày 29/12/1996, BCH TƯ Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức lễ Quốc tang Quyền Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ. Và cũng tại Hội trường Thống Nhất này, ngày 10/7/2010, BCH TƯ Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Luật sư, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ cấp Nhà nước. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là một chính khách giản dị, chính trực, khiêm tốn, một tấm gương sáng về đạo đức, tác phong, quan tâm gần gũi mọi người, sống trong sạch, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn, không khuất phục trước cường quyền, không bị cám dỗ trước tiền tài, danh lợi, phấn đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân... Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là dịp để chúng ta ôn lại, tưởng nhớ, biết ơn và quan trọng hơn, là học tập và noi theo một trí thức lớn, một chiến sĩ cộng sản kiên định, một nhà lãnh đạo suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

 

Tất cả những gì đáng trân trọng nhất mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội, MTTQ, nhân dân Việt Nam dành cho cha tôi ngày hôm nay đều gắn liền với công ơn chăm sóc, yêu thương, che chở, bảo vệ, cứu sống, giải thoát của Đảng bộ và nhân dân, tỉnh Phú Yên trong suốt gần 7 năm cha tôi bị quản thúc ở quê hương thứ 2 thân thương. Đó là nguồn động viên lớn để cha tôi vượt mọi thử thách để tận trung với nước, tận hiếu với dân.

 

Sinh thời, khi đề cập đến Phú Yên, cha tôi nói từ đáy lòng mình: “Giờ đây, tôi chỉ biết tỏ lòng biết ơn Đảng bộ và nhân dân Phú Yên, những con người đã cưu mang, đùm bọc, yêu thương che chở cho tôi trong những tháng ngày ở nơi đây”... “Đảng bộ và nhân dân Phú Yên là những ân nhân mà suốt đời tôi ghi nhớ và mang ơn”. Những ký ức về lịch sử sẽ lùi dần về quá khứ, nhưng những năm tháng cha tôi được sống trong nghĩa tình thủy chung của nhân dân và cán bộ tỉnh Phú Yên sẽ tồn tại mãi mãi.

 

Ước vọng lớn của cha tôi là: tỉnh Phú Yên – Quê hương thứ 2 – xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội: một xã hội công bằng, người sống với người bằng tình, bằng nghĩa, lớp trẻ được học hành đến nơi đến chốn và sống lành mạnh, không còn người nghèo, mọi gia đình được hạnh phúc.

 

Giữa năm 1995, ông đã bị hôn mê và nằm giường bệnh trên 1 năm rất đơn chiếc, chỉ có con cháu chăm sóc vì mẹ tôi vẫn bệnh nặng. Đồng chí Nguyễn Duy Luân, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên cùng nhiều đồng chí từ Phú Yên thường đến thăm ông ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM). Ngày 24/12/1996 ông đã thanh thản ra đi, để lại bao niềm thương tiếc cho đồng bào, đồng chí, bè bạn trong nước và trên thế giới. Thủ tướng Võ Văn Kiệt thay mặt Đảng và Nhà nước nói lời vĩnh biệt: “Anh hãy yên nghỉ bởi những gì có thể làm thì anh đã làm hết sức mình, những gì dang dở các thế hệ tiếp theo tiếp tục hoàn thành”. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã viết về ông: “Luật sư là một nhà trí thức vĩ đại. Nhân dân Việt Nam ta đời đời sẽ nhớ mãi người con Việt Nam anh hùng ấy”.

 

Với nghĩa tình sâu nặng trên, là trưởng nam cố Luật sư tôi về quê nhà Phú Yên để tiếp tục và mãi mãi tỏ lòng biết ơn Đảng bộ và nhân dân Phú Yên thân thương.

 

NGUYỄN HỮU CHÂU

(Trưởng nam của Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek