* Hội nghị Hợp tác Năng lượng Đông Á lần thứ 14
Ngày 21/7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 (với các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) và Tham vấn không chính thức giữa Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia Cấp cao Đông Á (EAS) dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm.
Các ngoại trưởng ASEAN bắt tay tại hội nghị. Ảnh: VOV
Tại các hội nghị này, các bên đối tác tiếp tục khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong các tiến trình hợp tác và quá trình định hình cấu trúc khu vực; khẳng định cùng ASEAN tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hợp tác ưu tiên trong ASEAN+3 và EAS; trong đó có đóng góp của 2 tiến trình này nhằm hướng tới mục tiêu lâu dài là xây dựng cộng đồng Đông Á. ASEAN và các đối tác cũng nhất trí thúc đẩy kết nối ASEAN ở khu vực, trong đó có triển khai Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN, hướng tới Kết nối ở Đông Á.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3, các bộ trưởng đã đánh giá tiến trình hợp tác ASEAN+3 trong năm qua và đề ra phương hướng và biện pháp thúc đẩy hợp tác thời gian tới. Các bộ trưởng nhất trí tiếp tục đẩy mạnh triển khai Kế hoạch công tác ASEAN+3 giai đoạn 2007-2017, sử dụng hiệu quả Quỹ hợp tác ASEAN+3; tăng cường hợp tác hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững ở khu vực, cụ thể: Về tài chính-tiền tệ, triển khai hiệu quả Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai (CMIM), thúc đẩy Sáng kiến Thị trường trái phiếu châu Á, tăng cường điều phối và trao đổi về các chính sách kinh tế-tài chính vĩ mô...
Về hợp tác về thương mại và đầu tư: thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận Khu vực mậu dịch tự do (FTA) giữa ASEAN với các Đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cùng với xúc tiến nghiên cứu khả thi về Khu vực mậu dịch tự do Đông Á (EAFTA).
Về các vấn đề khu vực, quốc tế, hai bên nhất trí tăng cường phối hợp trong các nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị COP-16 tại Mexico; ủng hộ Chủ tịch ASEAN tham dự cơ chế G-20 thường xuyên; trao đổi về tình hình bán đảo Triều Tiên…
Tại Tham vấn không chính thức Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia Cấp cao Đông Á (EAS), các bộ trưởng đã tập trung bàn về triển khai kết quả Cấp cao EAS-4 và chuẩn bị cho Cấp cao EAS-5. Các bộ trưởng nhấn mạnh dịp kỷ niệm tròn 5 năm EAS ra đời sẽ là thời điểm quan trọng để các nước tham gia kiểm điểm lại toàn bộ tiến trình, đồng thời đề ra định hướng hợp tác tương lai.
Các bộ trưởng khẳng định cần tiếp tục duy trì tính chất của EAS như một diễn đàn mở của các nhà lãnh đạo, đối thoại về các vấn đề chiến lược ở khu vực. Các bộ trưởng nhất trí tăng cường hợp tác trên 5 lĩnh vực ưu tiên đã xác định, đồng thời tăng cường phối hợp các nỗ lực ứng phó với các thách thức toàn cầu như khủng hoảng tài chính và biến đổi khí hậu. Các bộ trưởng nhất trí kiến nghị Cấp cao EAS-5 tại Hà Nội tới sẽ ra Tuyên bố riêng nhân dịp kỷ niệm 5 năm hình thành tiến trình.
Các bộ trưởng ủng hộ quyết định của ASEAN và hoan nghênh việc Nga và Mỹ mong muốn trở thành thành viên EAS và sẽ trình Lãnh đạo ASEAN quyết định chính thức tại Cấp cao ASEAN 17, đồng thời nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN và các mục tiêu, nguyên tắc của EAS.
Kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 và Tham vấn không chính thức các Bộ trưởng EAS, Chủ tịch Hội nghị đã ra Tuyên bố thông báo về kết quả các hội nghị này.
* Chiều cùng ngày, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng năng lượng ASEAN lần thứ 28, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) diễn ra Hội nghị Hợp tác năng lượng Đông Á lần thứ 14. Ông Cao Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Công Thương) và ông Soichiro Seki, cố vấn đàm phán năng lượng quốc tế, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đồng chủ trì.
Tham dự có các quan chức cấp cao về năng lượng của các nước Đông Nam Á, Ban Thư ký ASEAN, các tổ chức năng lượng Đông Nam Á và các quan chức cao cấp về năng lượng của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, New Zealand và Australia.
Tại hội nghị, các quan chức cao cấp về năng lượng đã nghe trình bày các nội dung quan trọng của các đại diện phía Nhật Bản, Philippines, Singapore như: tiến trình và kế hoạch hành động cho chương trình tiết kiệm năng lượng và bảo tồn năng lượng; Chương trình nhiên liệu sinh học cho giao thông và các mục đích khác; các nghiên cứu về thị trường năng lượng.
Ban Thư ký ASEAN trình bày dự thảo về chương trình nghị sự của Bộ trưởng Năng lượng Đông Á lần thứ 4 (EAS-EMM). Hội nghị cũng đã tập trung thảo luận về bản dự thảo các tuyên bố của các bộ trưởng trong Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng Đông Á lần thứ 4. Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, hội nghị đã đi đến thống nhất cao các nội dung đã nêu ra.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 28, Hội nghị các quan chức cấp cao năng lượng ASEAN – METI (SOME - METI) lần thứ 11 cũng đã diễn ra vào chiều 21/7. Đây là hội nghị để ASEAN – Nhật Bản cập nhật thêm những chi tiết quan trọng về các chính sách năng lượng của mỗi bên, trên cơ sở đó đề ra các biện pháp khả ưu nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai bên.
H. KIM (tổng hợp)