Sáng 16/7, tại hội trường Tỉnh ủy, kỳ họp thứ 17, HĐND khóa V bước vào phiên chất vấn của các đại biểu và trả lời chất vấn của các cơ quan, ban, ngành liên quan. 3 lĩnh vực mà các đại biểu tập trung chất vấn là: Điện sinh hoạt; nước sạch nông thôn, sản xuất nông nghiệp; và thủ tục phá sản các doanh nghiệp. Phó Giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên Lê Hữu Tài, Giám đốc Sở NN&PTNT Biện Minh Tâm, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Lê Văn Phước đã đăng đàn trả lời.
CẮT ĐIỆN TRONG MÙA KHÔ HẠN… NHIỀU VẤN ĐỀ BẤT CẬP
Phó Giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên Lê Hữu Tài trả lời chất vấn. - Ảnh: T.QUỚI
Người đăng đàn đầu tiên trả lời chất vấn đại biểu (ĐB) HĐND tỉnh là Phó Giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên Lê Hữu Tài. Có gần 10 ý kiến chất vấn và truy vấn về nguyên nhân vì sao điện cắt quá nhiều, cắt vô tội vạ, cắt xong mới thông báo, Phú Yên có nhà máy thủy điện nhưng sao không được ưu tiên…
Ông Lê Hữu Tài cho biết: Việc ngừng cấp điện trong thời gian qua là bất khả kháng do hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn trầm trọng, cùng lúc thời tiết nắng nóng và nền kinh tế đang giai đoạn phục hồi nên nhu cầu dùng điện tăng đến 20%. Điều này đã được nêu rõ trong văn bản của Chính phủ, Bộ Công Thương. Về những quy định của pháp luật và hợp đồng mua bán điện ký kết với khách hàng, theo ông Tài, Công ty Điện lực Phú Yên đã làm đúng trình tự thủ tục. Ông Tài dẫn luật cụ thể: Tại khoản 1, khoản 2 điều 27 luật Điện lực quy định trường hợp ngừng họăc giảm mức cấp điện không khẩn cấp, bên bán điện phải thông báo cho bên mua điện trước 5 ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp cắt khẩn cấp do sự cố bất khả kháng thì trong thời hạn 24 giờ phải thông báo cho bên mua điện biết nguyên nhân và dự kiến thời gian cấp điện trở lại. Đối với ý kiến vì sao thời gian cắt điện 2 – 3 ngày/ tuần, thời gian dùng điện ít hơn nhưng hóa đơn tiền điện cao hơn những tháng trước? Đại diện của Điện lực Phú Yên lý giải rằng mặc dù thời gian sử dụng điện ít hơn, nhưng mức độ, cường độ dùng nhiều hơn, nhiều khách hàng lắp thêm thiết bị điện. Nếu không cắt điện thì mức sử dụng điện (tiền điện) sẽ còn tăng cao. Hơn nữa, việc dùng điện được thể hiện qua chỉ số công tơ, xài nhiều thì chỉ số cao, xài ít thì chỉ số thấp. Về ý kiến các HTX trên địa bàn huyện Đồng Xuân đã chuyển đường dây 0,4 kV cho Công ty Điện Lực Phú Yên quản lý nhưng sao không trả lại vốn cho HTX và người dân, ông Tài cho biết: Chờ Hội đồng định giá của tỉnh có kết luận cụ thể, công ty sẽ tiến hành hoàn vốn.
Ngay sau giải trình bằng văn bản của ông Lê Hữu Tài, nhiều ĐB vẫn chất vấn thêm. ĐB Trần Văn Mười phân tích hai vấn đề: Thứ nhất, vì sao thời gian cắt điện là 2 (thậm chí 3 ngày)/tuần nhưng theo thống kê thì sản lượng điện vẫn không giảm, tiền điện vẫn như cũ, vậy tiết kiệm ở đâu? Thứ hai, trên địa bàn Phú Yên có đến 3 nhà máy thủy điện. Tỉnh đã hi sinh đất rừng, đất sản xuất để ngành điện làm nhà máy nhưng mùa mưa bão thì “ưu tiên” gánh lũ, còn mùa nắng nóng thì “ưu tiên” cắt điện? ĐB Nguyễn Thị Diệu Thiền góp ý kiến: Giải thích nguyên nhân sản lượng điện không giảm do khách hàng tăng thiết bị sử dụng điện là rất chủ quan. Đúng là có một bộ phận tăng thiết bị sử dụng điện nhưng không nhiều, đa số người dân vẫn tiết kiệm, cố gắng chịu nóng. ĐB Nguyễn Thị Thùy Lê bổ sung thêm: Cử tri xã An Mỹ (huyện Tuy An) phản ánh rằng họ không hề tăng thêm thiết bị dùng điện. Người dân cho biết trước mùa nắng nóng ở địa phương có thay hàng loạt công tơ mới nên cử tri nghi ngờ độ chính xác của công tơ; lịch cúp điện cũng không thực hiện đúng như thông báo trước đó.
Đại biểu Trần Văn Mười chất vấn ngành điện. - Ảnh: T.QUỚI
Đại biểu Đào Tấn Hoàng, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa nêu vấn đề: Thời gian cúp điện lúc sáng sớm là không hợp lý vì người dân còn phải nấu cơm, nấu nước, ở nông thôn thì tưới cây… gây rất nhiều xáo trộn trong cuộc sống. Hơn nữa, việc cắt điện cả hệ thống đèn đường là rất nguy hiểm.
Ông Đào Tấn Lộc, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tọa kỳ họp kết luận: Những ý kiến chất vấn, phản ánh của cử tri là rất xác đáng. Chất vấn là phải trả lời, giải thích, đưa ra phương án xử lý chứ không phải ghi nhận muốn thì làm không thì thôi.
Đại biểu K’So Chiểu rất bức xúc khi chất vấn về nước sạch xã Ea Lâm. - Ảnh: T.QUỚI
Trước quá nhiều câu hỏi chất vấn, ông Lê Hữu Tài thực sự bối rối và cho rằng tất cả những việc làm của Công ty Điện lực Phú Yên là rất nỗ lực và đúng nguyên tắc. Đối với ý kiến ưu tiên cấp điện cho địa bàn có nhà máy thủy điện như Phú Yên, ông Tài cho biết UBND tỉnh và công ty đã có nhiều văn bản đề nghị với Tổng Công ty Điện lưc miền Trung, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhưng chưa có trả lời. Việc cắt điện thời gian dài, cắt khẩn cấp mà không thông báo là do sản phẩn điện rất đặc biệt vừa sản xuất vừa tiêu thụ ngay, không để dành được, nên khi điều độ quốc gia thông báo buộc Điện lực Phú Yên phải sa thải, rồi thông báo sau trên báo đài.
Bày tỏ thông cảm với công ty Điện lực Phú Yên, ĐB Đinh Văn Sang (TX Sông Cầu) đề nghị ngành điện cần thống kê những thiệt hại về kinh tế xã hội (tiền điện tăng, không có điện sản xuất) của cả tỉnh để yêu cầu Tổng Công ty Điện lực miền Trung, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm. Còn nhiều ý kiến truy vấn khác, ý kiến góp ý về điều chỉnh tiết giảm, thực hiện tiết kiệm điện… Phó Giám Đốc, Lê Hữu Tài nghiêm túc ghi nhận thực hiện và không quên gửi lời xin lỗi và mong khách hàng chia sẻ với ngành điện trong lúc thiếu điện thời gian qua.
LẠI CHUYỆN NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN
Giám đốc Sở NN&PTNT Biện Minh Tâm trả lời chất vấn trên diễn đàn. - Ảnh: T.QUỚI
Mở đầu lượt chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, ĐB K’So Chiểu (huyện Sông Hinh), bức xúc: Chúng tôi đã nói nhiều lần, thật không muốn chất vấn nữa những tình hình cứ trì trệ, hứa cứ hứa, dân chờ nước sạch cứ chờ. Chuyện nước sạch ở Ea Lâm một già làng nói “Chờ nước sạch đến bạc cả tóc rồi”. Hiện tại, hệ thống nước sạch Ea Lâm đã được đưa vào sử dụng nhưng vẫn thiếu. Hồ chứa nước Ea Lâm 2 bị nhiễm bẩn nghiêm trọng, người dân không chịu dùng. Đồng tình với ý trên, ĐB Nguyễn Văn Thiện đồng thời yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời có thể triển khai đưa nước từ sông Ba Hạ vào sử dụng được không, khi nào làm, bao giờ xong? Trả lời chất vấn, Giám đốc Biện Minh Tâm khẳng định không có chuyện nước hồ bị nhiễm quá bẩn (rác thải, xác, phân động vật…) như đại biểu phản ánh. Ông Tâm cho biết chưa thể đưa nước từ sông Ba Hạ vào vì còn phải lập dự án và qua nhiều khâu, về lâu dài sẽ vận dụng phương án này, trước mắt là cải tạo lại hồ EaLâm 1 để đủ nước cho bà con. ĐB Nguyễn Văn Thiện phản đối: Giám đốc Sở NN&PTNT nói hồ Ea Lâm không có rác thải là không đúng. Chúng tôi đã đi thực tế thì có rất nhiều rác thải, xác động vật, nguồn nước không chỉ phèn mà rất đục, nhưng không hiểu vì sao khi kiểm tra mẫu thì không vấn đề gì.
Đại biểu Nguyễn Văn Thiện – chất vấn gay gắt vấn đề nước sạch xã Ea Lâm. - Ảnh: T.QUỚI
Vấn đề này, có chút nhầm lẫn ở cả ĐB Nguyễn Văn Thiện và ông Biện Minh Tâm về hồ nước bị ô nhiễm và mẫu nước xét nghiệm. Sự thật hồ nước bị ô nhiễm là Ea Lâm 2, còn mẫu nước xét nghiệm không vấn đề là nước đã qua xử lý ở nhà bà con chứ không phải nước ở hồ Ea Lâm1. Nhưng dù sao thì thực tế ở Ea Lâm bà con vẫn không đủ nước sạch để dùng.
Tại kỳ họp lần này, có nhiều ý kiến của đại biểu và cử tri ở các địa phương xoay quanh vấn đề nước sạch. ĐB Đinh Văn Sang (TX Sông Cầu) nêu: Hồ chứa nước Xuân Bình nói phát huy hiệu quả, nhưng thực tế không đủ nước sinh họat và nước sản xuất. Theo thiết kế thì cung cấp nước cho số hộ rất lớn nhưng thực tế không như vậy. Hồ chưa giao cho địa phương, không biết hiện ai quản lý? Nhiều địa phương như Xuân Phương, Xuân Thọ 1, Xuân Hải và Xuân Thịnh đều thiếu nước sinh họat nghiêm trọng nhưng người dân phải tự lo liệu. Các ĐB huyện Tuy An Phan Văn Hào, Nguyễn Thị Thùy Lê đều có ý kiến gay gắt về tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sự lỏng lẻo trong công tác quản lý, điều hành công trình nước sạch ở các xã An Thọ, An Xuân, An Lĩnh… Những giải trình và phương án khắc phục của Giám đốc Sở NN&PTNT vẫn chưa làm các đại biểu hài lòng. Các ĐB cũng chất vấn Giám đốc Sở NN&PTNT về vấn đề sửa chữa hệ thống thủy lợi, nạo vét cửa sông, cửa biển ở huyện Tuy An, Đông Hòa…Tuy nhiên, câu trả lời cũng chỉ dừng lại ở mức độ: “ghi nhận, nghiên cứu, trình lên trên”, trong khi người dân đang è mình gánh chịu.
Cũng trong buổi sáng kỳ họp đã nghe trả lời chất vấn và chất vấn thêm Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Lê Văn Phước về giải quyết chế độ cho công nhân ở các doanh nghiệp đã phá sản.
Buổi chiều, kỳ họp sẽ nghe Chủ tịch UBND tỉnh giải trình những vấn đề liên quan và thảo luận thông qua các tờ trình của UBND tỉnh.
TRẦN QUỚI