Họ là những nhà báo đoạt giải cao của Giải Báo chí tỉnh Phú Yên lần thứ III năm 2009. Họ tác nghiệp thế nào để có những tác phẩm xuất sắc?
* Nhà báo NGUYÊN LƯU, phóng viên Báo Lao Động thường trú khu vực
Tôi thực hiện loạt bài về trận bão, lũ năm 2009 trong 5 ngày, khi đó tôi còn là phóng viên Báo Phú Yên. Tôi đến thị trấn La Hai và các xã Xuân Quang 2, Xuân Sơn Nam, Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân; vùng rốn lũ ở huyện Tuy An, TX Sông Cầu; tâm bão Vũng Rô, huyện Đông Hòa… Điều đọng lại trong tôi là nỗi đau, là mất mát quá lớn của bà con. Sáng 3/11, tôi đến xóm Trường, thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2 và không kìm được cảm xúc khi nhìn thấy 10 thi thể của những người xấu số, cả xóm gần như bị lũ biến thành hoang mạc, đang chìm trong tang tóc. Mọi người vừa khóc vừa tỏa đi tìm 8 người bị lũ cuốn chưa tìm thấy xác. 17 năm làm báo, nhiều năm phụ trách theo dõi và thông tin về bão lụt, chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh nào đau thương, khủng khiếp như vậy.
Ngày hôm sau, tôi cùng các nhà báo Đức Thông, Xuân Luật đi Xuân Sơn Bắc. Con đường từ thị trấn La Hai đến xã này bị nước lũ khoét thành những rãnh sâu. Sau khi qua sông bằng ca nô và thuê thuyền vượt qua nơi nước ngập cao, chúng tôi đi xe đạp, đi bộ từng chặng mới đến được xã Xuân Sơn Bắc, mới lấy được tư liệu và thực hiện ngay phóng sự cho Báo Phú Yên và Báo Lao Động. Điều mà những phóng viên phụ trách đưa tin về thiên tai luôn trăn trở là làm thế nào tiếp cận nhanh nhất những nơi thiệt hại nặng nề nhất, đưa thông tin đến nhanh nhất với độc giả để mọi người chia sẻ, góp phần sưởi ấm lòng đồng bào bị thiệt hại bằng những gói mì, gạo, những chiếc áo ấm… Những vất vả, mệt mỏi của chúng tôi không còn nữa khi thấy những tác phẩm của mình đăng báo đã tạo được tác động xã hội đáng kể: các nhà hảo tâm khắp nơi đã chia sẻ với đồng bào bị mất mát do lũ, bão…
* Nhà báo TẤN QUÝNH, Phó Trưởng Phòng Thời sự - Chuyên mục - Trung tâm Truyền hình Việt
Ngày 4/11, chúng tôi ra xóm Trường. Đi đến đèo Quán Cau thì tắc đường. Chúng tôi không thể chờ được vì quá sốt ruột, nên theo con đường dẫn lên cao nguyên Vân Hòa rồi từ đó ngược ra Xuân Quang 2. Đến nơi, chúng tôi bị sốc trước sự tàn phá khủng khiếp của cơn lũ. Tôi và quay phim Quốc Mẫu lặng lẽ làm việc, không dám hỏi nhiều vì sợ chạm vào nỗi đau quá lớn của người dân nơi này. Nỗi đau của người xóm Trường và khung cảnh đổ nát được thể hiện qua khuôn hình của Quốc Mẫu. Trong phóng sự của chúng tôi có một nhân vật. Một người đàn ông mất vợ mất con trong cơn lũ. Căn nhà của ông cũng bị lũ cuối đi. Theo thói quen, ông trở về nơi từng có căn nhà mình, vợ con mình. Gương mặt của ông, tôi không thể nào diễn tả được.
Ba giải B Giải Báo chí tỉnh Phú Yên năm 2009 được trao cho các tác phẩm về bão lũ, tôi nghĩ đó là sự ghi nhận những đóng góp của các nhà báo trong việc thông tin, phản ánh tình hình bão lũ để mọi người chia sẻ, giúp đỡ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai.
* Nhà báo LÊ DIỆP, Phó Trưởng Phòng Thời sự - Đài Phát thanh Phú Yên (giải C): MONG GÓP TIẾNG NÓI VỀ CHỦ TRƯƠNG “CHIÊU HIỀN ĐÃI SĨ”
Tác phẩm đoạt giải của tôi viết về vấn đề chiêu hiền đãi sĩ, một chủ trương lớn của tỉnh. Đề tài này tôi ấp ủ khá lâu. Một lần, tôi dự hội thảo do Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật tỉnh Phú Yên tổ chức, chủ đề “Phú Yên với công nghiệp hóa - hiện đại hóa”. Đây là một chủ đề rất rộng, nhưng tại hội thảo, nhiều ý kiến bức xúc tập trung vào vấn đề “chiêu hiền đãi sĩ” của tỉnh. Vì vậy, tôi quyết tâm thực hiện đề tài này. Sau khi tìm kiếm các văn bản, chỉ thị của tỉnh, tôi lấy thông tin từ các ngành và đều nhận được câu trả lời: chưa thực hiện được chủ trương này vì còn nhiều vướng mắc. Điều đáng nói là chế độ “chiêu hiền đãi sĩ” của Phú Yên còn thấp so với các địa phương khác. Và đến thời điểm tôi hoàn thành bài viết, chưa có một cuộc họp xét duyệt nào được tổ chức! Vấn đề “chiêu hiền đãi sĩ” cũng đã được đưa ra cuộc họp HĐND tỉnh vào cuối năm 2009.
Vừa qua, các ngành Y tế, Giáo dục và sau đó là Báo chí có hiện tượng “chảy máu chất xám”. Qua bài viết, tôi muốn góp một tiếng nói để tỉnh và các cơ quan chức năng tháo gỡ những vướng mắc, để những người có năng lực, có tâm huyết với Phú Yên có điều kiện cống hiến cho quê hương.
LÂM VY (thực hiện)