Kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2010), trong lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, những người làm báo càng khắc ghi những lời dạy về tính chiến đấu của báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy, người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Nhận thức một cách sâu sắc vai trò, vị trí to lớn của báo chí cách mạng, Hồ Chí Minh không chỉ trực tiếp viết báo, lấy báo chí làm diễn đàn tố cáo và tiến công địch, tuyên truyền cho cách mạng mà còn tự mình tổ chức ra những tờ báo cách mạng. Năm 1923, Người sáng lập và làm chủ bút tờ báo “Người cùng khổ”, tờ báo cách mạng đầu tiên để tố cáo tội ác thực dân Pháp kêu gọi đấu tranh cho nhân dân thuộc địa. Hai năm sau, ngày 21/6/1925, Người sáng lập và trực tiếp chỉ đạo xuất bản Báo Thanh Niên, cơ quan của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, chính thức đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam. Báo Thanh Niên thực tế đã là tờ báo tuyên truyền đường lối cách mạng, chuẩn bị tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt
Trong thời kỳ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi báo chí là một mặt trận và coi cán bộ báo chí là chiến sĩ. Vai trò và vị trí của báo chí cách mạng trước khi cách mạng thành công là hết sức to lớn và sau khi cách mạng đã thành công thì lại càng có ý nghĩa to lớn hơn.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa, người phát hành...) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của chúng ta đều phải có đường lối chính trị đúng. Báo chí của chúng ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ; cho nên, phải có tính chất quần chúng và tính chiến đấu. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tính chiến đấu của báo chí cách mạng thể hiện một cách đầy đủ nhất, cô đọng nhất, sâu sắc nhất và cũng giản dị và dễ hiểu nhất với 4 nội dung: Một là, báo chí là một mặt trận; hai là, cán bộ báo chí là chiến sĩ cách mạng; ba là, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của người làm báo; bốn là, bài báo là một tờ hịch cách mạng.
Thời kỳ đổi mới đất nước, báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, vừa là diễn đàn của các tầng lớp nhân dân đã phát huy mạnh mẽ tính chiến đấu của báo chí cách mạng. Báo chí đã đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, quan liêu, lãng phí; đồng thời, kiên quyết đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch; được Đảng và nhân dân tin cậy.
Ngày nay, công cuộc chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí… diễn ra quyết liệt và vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch đang thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, với những âm mưu thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tăng tần suất đánh phá ta trên mặt trận tư tưởng- báo chí để hòng lật đổ chế độ của chúng ta với các chiêu thức như: “Bản báo cáo hàng năm” của các tổ chức này, tổ chức kia hay phát biểu người này, người nọ cho Việt Nam là “vi phạm nhân quyền”, “đàn áp tôn giáo”, “không có tự do, dân chủ”, “hạn chế tự do báo chí”… Do vậy, báo chí càng phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa tính chiến đấu theo lời dạy của Hồ Chủ tịch. Những người làm báo càng phải ra sức học tập, nâng cao hơn nữa bản lĩnh chính trị, trình độ nghiệp vụ để đáp ứng với yêu cầu chiến đấu của báo chí trong tình hình mới.
Trong cuộc đấu tranh tư tưởng trên mặt trận báo chí, các nhà báo càng phải nêu cao “trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân”, với cây bút, tờ giấy là vũ khí sắc bén đã viết lên những bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh vạch trần những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật, đổi trắng thay đen của kẻ địch, bảo vệ chế độ, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo; đồng thời, đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí góp phần quan trọng cho thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
PHÚ YÊN