Thứ Bảy, 28/09/2024 22:30 CH
Những kỷ niệm của tướng “Hai Mạnh” trên chiến trường Khu 5
Thứ Sáu, 07/07/2006 16:58 CH

Đại tướng Chu Huy Mân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên Tư lệnh kiêm Chính uỷ Quân khu 5 đã qua đời tại Hà Nội chiều 1-7-2006. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng hiến dâng không mệt mỏi cho dân, cho nước, đồng chí đã có hơn mười năm chiến đấu, công tác, gắn bó với chiến trường Khu 5, để lại bao kỷ niệm sâu sắc, khó quên.

 

DÙNG CỌC GỖ ĐỂ ĐÁNH MỸ, NGỤY

 

060707-tram.jpg

Đại tướng Chu Huy Mân đến thăm gia đình liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm - Ảnh: TTO

Thực hiện kế hoạch tác chiến Thu – Đông 1964, Tiểu đoàn 90 Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2) được tăng cường, nhận nhiệm vụ đánh địch ở Kỳ Sanh (tây Tam Kỳ, Quảng Nam). Ngày trung đoàn xuất quân, đồng chí Chu Huy Mân về đơn vị động viên cán bộ, chiến sĩ. Trước khó khăn của đơn vị “trên 600 người đi vào trận đánh mà chỉ có không đầy hai chục xẻng cuốc, khó đào công sự xong trong đêm”, đồng chí cùng một số cán bộ bảo vệ ra rừng tìm một cây gỗ thật cứng, chặt một đoạn vót nhọn, rồi cầm nó đứng trước hàng quân, nói: “Xưa kia Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng bằng những cây cọc gỗ như thế này. Ngày nay, các đồng chí hãy noi gương cha ông, dùng cọc gỗ để đánh Mỹ – ngụy. Gỗ có thể đâm thủng thuyền giặc thì gỗ cũng có thể dùng để đào công sự chiến đấu”.

 

Nhờ sáng kiến này, đêm ấy bộ đội đào công sự cá nhân khá tốt, kịp thời gian, góp phần quan trọng bảo đảm cho trận đánh thắng lợi.

 

KHẨU LỆNH “NẮM THẮT LƯNG ĐỊCH MÀ ĐÁNH”

 

Tháng 4-1965, trong trận Vĩnh Huy (gần thị xã Tam Kỳ, Quảng Nam), Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2) đã chiến đấu dũng mãnh, truy kích địch với khẩu lệnh “Nắm thắt lưng địch mà đánh”, đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân giải tỏa của 6 tiểu đoàn địch, làm chủ trận địa.

 

Sau trận đánh trên, Tư lệnh Quân khu Chu Huy Mân đã điện báo ngay cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Nghe xong, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh reo lên: “Hay quá anh Mân ơi! Đây không còn là phương châm của một Trung đoàn, một Quân khu, nó là của toàn miền, toàn quân rồi”. Sau đó đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã chỉ thị các chiến trường toàn miền lấy câu “Bám thắt lưng địch mà đánh” làm phương châm khi giao chiến với quân Mỹ.

 

TẤM LÒNG NHÂN ÁI CỦA VỊ TƯỚNG

 

Từ ngày 25-12-1965 đến ngày 5-1-1966, Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên tổ chức lớp chỉnh huấn chính trị đầu tiên cho 166 cán bộ trung cao cấp. Với tinh thần tự phê bình và phê bình, lớp chỉnh huấn yêu cầu mỗi người làm hai bản kiểm điểm, một bản nêu rõ ưu điểm và một bản tường trình khuyết điểm. Đây là một cuộc sinh hoạt chính trị nghiêm túc và sâu sắc, một cuộc đấu tranh không khoan nhượng trên lĩnh vực tư tưởng giữa một bên là tư tưởng cách mạng tiến công với một bên là tư tưởng ngại gian khổ hy sinh, dao động, giảm sút ý chí chiến đấu.

 

Kết thúc đợt chỉnh huấn, Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên Chu Huy Mân cầm 2 tập giấy khá dày, kết luận: “Đây là bản kiểm điểm của các đồng chí. Phần ưu điểm các đồng chí giữ lấy để phát huy trong hoạt động chiến đấu lâu dài. Còn đây là những bản trình bày khuyết điểm, tôi đọc và thấy các đồng chí đã tự phê bình một cách nghiêm túc trách nhiệm chính trị của mình trước Đảng và nhận rõ mỗi người đều có phương hướng phấn đấu cụ thể, thiết thực nên không cần phải giữ lại nó nữa. Tôi tuyên bố đốt tất cả những bản về khuyết điểm”.

 

Đợi cho những tờ giấy cuối cùng cháy thành tro, đồng chí Chu Huy Mân mời chính ủy các Trung đoàn 66, 33, 320 lên rồi trao cho mỗi người một sợi dây thừng để trói tù binh Mỹ trong tiếng vỗ tay vang dậy cả một cánh rừng.

 

BÍ DANH “HAI MẠNH”

 

Cuối tháng 6-1967, trong lúc triển khai chuẩn bị chiến dịch Đăk Tô, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương yêu cầu đồng chí Chu Huy Mân ra Hà Nội để kiểm tra sức khỏe. Trong dịp này đồng chí đã được gặp mặt, báo cáo tình hình chiến trường và được ở lại dùng cơm trưa với Bác Hồ. Trong bữa cơm thân mật, Bác hỏi:

 

- Chú ở Tây Nguyên làm cả nhiệm vụ chỉ huy và công tác chính trị phải không?

 

Đồng chí Chu Huy Mân thưa:

 

- Quân ủy Trung ương và Tổng cục Chính trị chưa có cán bộ thay, cháu phải tạm làm cả hai nhiệm vụ.

 

Bác ân cần động viên:

 

- Chú chịu khó gánh cả hai vai cho khỏe càng tốt.

 

Khi về đến Tây Nguyên, nghe kể lại chuyện, có cán bộ khuyên đồng chí Chu Huy Mân nên đổi bí danh từ Hồ Thạch Châu sang “Hai Mạnh” (mạnh về chính trị, mạnh về quân sự). Từ đó trong các điện và công văn, đồng chí Chu Huy Mân đều ký tên “Hai Mạnh”.

 

“CHO ĐẢO BỒI CAO THÀNH ĐIỂM TỰA”

 

Đầu tháng 4-1975, trong quá trình giải phóng hoàn toàn các tỉnh ven biển miền Trung và Nam Trung bộ, Bộ Chính trị quyết định nhanh chóng giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa do quân ngụy Sài Gòn đóng giữ. Quân khu 5 điều động lực lượng bộ binh, công binh cùng lực lượng Hải quân đi làm nhiệm vụ. Trong dịp này, đồng chí Chu Huy Mân đã gửi cho bộ đội 4 hòn đá hoa cương lấy ở núi Ngũ Hành Sơn, chùa Non Nước (Đà Nẵng) và quyển sách kháng chiến chống Nguyên Mông kèm theo với mấy câu thơ:

 

Đá hoa Non Nước canh san hô

 

Vững gốc cây xuân đẹp bốn mùa

 

Cho đảo bồi cao thành điểm tựa

 

Chim, cá, trời, mây thỏa hẹn hò

 

Đúng như ước hẹn của bài thơ, từ 13 đến 29-4-1975, quân ta đã giải phóng các đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa và An Bang. Thắng lợi này tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

 

NHỮNG TÌNH CẢM DA DIẾT VỚI ĐỒNG BÀO VÀ CHIẾN SĨ KHU 5

 

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12-1976), đồng chí Chu Huy Mân được bầu vào BCHTW, là Ủy viên Bộ Chính trị và được phân công làm Chủ nhiệm Tổng cục chính trị.

 

Ngày rời dải đất Khu 5 nghĩa nặng tình sâu, đồng chí không nén nổi niềm xúc động nghẹn ngào: “Tạm biệt miền Trung Trung bộ, tạm biệt Tây Nguyên vô cùng yêu quý, tôi biết ơn con người, vùng đất, núi rừng, sông suối ở đây. Trên 10 năm kháng chiến chống Mỹ thật khó tả hết ác liệt, khó khăn. Lửa thử vàng, thép tôi mấy độ. Đồng bào, đồng chí, đồng đội đã đoàn kết một lòng vượt qua nhiều khó khăn, hy sinh, kiên cường bền bỉ chiến đấu đã cùng với quân, dân cả nước hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vẻ vang giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”.

 

ĐẠI TƯỚNG CHU HUY MÂN VỚI PHÚ YÊN

 

060707-dt-chu-huy-man.jpg

Đại tướng Chu Huy Mân (thứ hai từ phải sang) trả lời phỏng vấn Báo Phú Yên ngày 1-4-1995-Ảnh: Tư Liệu

Đại tướng Chu Huy Mân – Hai Mạnh - một trong những đảng viên năm 1930, một trong những người anh cả của lực lượng vũ trang Khu V trong kháng chiến chống Mỹ, một trong những vị lãnh đạo tài năng và tâm huyết của đất nước trong những năm xây dựng hòa bình vừa ra đi vào cõi vĩnh hằng ở tuổi 93.

 

Đại tướng Chu Huy Mân gắn bó rất nhiều kỷ niệm ở chiến trường Phú Yên trong những năm chống Mỹ – nơi đại tướng đã từng chỉ đạo việc mở bến và đón tiếp những con tàu không số cập bến Vũng Rô chi viện cho chiến trường Nam Trung bộ; nơi vị tướng với cương vị Tư lệnh Quân khu V chỉ đạo quân dân Phú Yên bẻ gãy Chiến dịch Hải Yến năm 1964, đánh bại hai chiến dịch mùa khô 1966-1967 trên đất Phú Yên, tổng tấn công năm 1968, chặn địch rút chạy từ Tây Nguyên theo đường số 7 co cụm về đồng bằng Tuy Hòa… Ngày 1-4-1995, Đại tướng Chu Huy Mân về Phú Yên dự lễ kỷ niệm 20 năm giải phóng Phú Yên (1-4-1975 – 1-4-1995).

 

Sau buổi lễ, Đại tướng đã dành cho phóng viên Báo Phú Yên một cuộc trò chuyện bổ ích về cục diện chiến trường Khu V (trong đó có Phú Yên) trong kháng chiến chống Mỹ (toàn bộ cuộc phỏng vấn đã đăng trên Báo Phú Yên số 30-4-1995).

 

Vị tướng – nhà cách mạng tiền bối từ lòng dân ra đi và đã đi trọn cuộc đời với con đường cách mạng mà Đảng – Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, dành nhiều cảm tình với Đảng bộ và nhân dân Phú Yên – một chiến trường bị chia cắt trong hai cuộc chiến tranh, một vùng đất do vị trí địa kinh tế của khúc ruột miền Trung, chưa thể thoát nghèo trong công cuộc đổi mới hôm nay.

 

Trong buổi gặp phóng viên Báo Phú Yên 11 năm trước, Đại tướng Chu Huy Mân nói nhiều về truyền thống đoàn kết, tự lực tự cường, đi lên bằng nội lực của chính mình để tỉnh Phú Yên thật sự là Phú và Yên.

 

PHAN THANH

 

NGỌC DIỆP

 

(Theo cuốn “Thời sôi động” – Đại tướng Chu Huy Mân, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội – 2004).

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek