Trong hai ngày qua, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XI đã tiến hành bầu các chức danh đứng đầu Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ. Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Minh Triết làm Chủ tịch nước và đồng chí Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng Chính phủ.
Trước khi tiến hành các thủ tục bầu các chức danh đứng đầu Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ, Quốc hội đã biểu quyết thông qua ba nghị quyết về việc miễn nhiệm đối với các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội của các đồng chí Trần Đức Lương, Phan Văn Khải, Nguyễn Văn An.
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN PHÚ TRỌNG: “TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI”
Chiều 26-6, với 84,58% số phiếu tán thành, Quốc hội đã bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng-Uỷ viên Bộ Chính trị làm Chủ tịch Quốc hội.
Trong bài phát biểu nhậm chức trước Quốc hội, tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Tôi ý thức được rằng, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, Quốc hội và hoạt động của Quốc hội có vai trò cực kỳ quan trọng, nhất là trong việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân và vì dân. Hơn 60 năm qua, đặc biệt là trong những năm đổi mới, hoạt động của Quốc hội đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đúc kết được nhiều kinh nghiệm quí báu, chất lượng và hiệu quả ngày càng cao. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của thực tiễn cuộc sống và theo tư tưởng chỉ đạo của Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng, chúng ta còn nhiều việc phải làm, nhiệm vụ còn rất nặng nề”.
Chủ tịch Quốc hội nói: “Tôi sẽ cố gắng hết sức mình, khắc phục khó khăn, ra sức học tập và rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, kế tục xứng đáng nhiệm vụ của các đồng chí đi trước, góp phần cùng các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, cả trên lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, để Quốc hội ngày càng xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong giai đoạn mới. Tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, với sự đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ta nói chung, hoạt động của Quốc hội nói riêng, nhất định sẽ thu được những kết quả to lớn hơn nữa, vững chắc hơn nữa”.
Ngay sau phiên làm việc chiều 26-6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc gặp gỡ cởi mở, thẳng thắn với báo chí.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng sinh ngày: - Từ 1963-1967: đồng chí Nguyễn Phú Trọng học khoa ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Từ tháng 12-1967 đến 8-1996: công tác tại Tạp chí Cộng Sản. Kinh qua nhiều chức vụ từ cán bộ cho đến Tổng biên tập. Trong thời gian này đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng đi học và tốt nghiệp Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, tốt nghiệp phó tiến sĩ khoa học lịch sử (chuyên ngành xây dựng Đảng) tại Viện hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô. Từ tháng 1-1994 đến nay: Ủy viên Ban chấp hành T.Ư Đảng (khóa VII, VIII, IX, X), ủy viên Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng (khóa VIII, IX, X), tham gia Thường trực Bộ Chính trị, đại biểu Quốc hội (khóa XI).
CHỦ TỊCH NƯỚC NGUYỄN MINH TRIẾT: “NGUYỆN PHẤN ĐẤU HẾT SỨC MÌNH PHỤC VỤ TỔ QUỐC, PHỤC VỤ NHÂN DÂN”
Ngay sau khi được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng bắt đầu điều hành phiên họp đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình. Thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trình Quốc hội nhân sự để bầu Chủ tịch nước. Theo đó, đồng chí Nguyễn Minh Triết, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh là người được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu vào chức danh này.
Sáng 27-6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu, Quốc hội đã tiến hành các thủ tục bầu Chủ tịch nước. Với 94,12% tổng số đại biểu Quốc hội đồng ý, đồng chí Nguyễn Minh Triết, Uỷ viên bộ Chính Trị đã trúng cử chức Chủ tịch nước.
Ngay sau đó, tân Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có bài phát biểu nhậm chức trước Quốc hội. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: “Tôi nguyện phấn đấu hết sức mình phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, làm tròn nhiệm vụ của Chủ tịch nước theo qui định của Hiến pháp và Pháp luật”. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói: “Để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trên cương vị công tác mới, tôi rất mong nhận được sự cộng tác nhiệt tình của các vị đại biểu Quốc hội, sự quan tâm, ủng hộ của toàn quân, toàn dân và đồng bào ta ở nước ngoài, sự phối hợp thường xuyên của các tổ chức để giúp tôi hoàn thành trọng trách mà Quốc hội giao cho. Tôi nhận thức rõ rằng, những thành tựu đối nội, đối ngoại mà Đảng, Nhà nước ta đạt được trong thời gian qua có phần đóng góp quan trọng của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, người tiền nhiệm của tôi”.
Chủ tịch Nguyễn Minh Triết khẳng định: “Trên cương vị công tác của mình, tôi hứa sẽ đề cao trách nhiệm cá nhân, ra sức học tập và rèn luyện; tăng cường phối hợp và cộng tác chặt chẽ với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Toà án Nhân dân Tối cao, các ngành, các cấp, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân; lắng nghe ý kiến của nhân dân. Tôi sẽ cố gắng hết sức mình hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội và nhân dân giao phó, góp phần thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ mà Đại hội X của Đảng đã đề ra; tập trung chăm lo các mặt công tác đối nội, đối ngoại, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững mạnh, tích cực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do nhân dân, vì nhân dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đưa dân tộc ta sánh vai cùng các dân tộc trên thế giới, vì sự tiến bộ chung của nhân loại”.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sinh ngày: 8-10-1942, quê quán: xã Phú An, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Xuất thân trong gia đình nông dân, đồng chí Nguyễn Minh Triết tham gia cách mạng tháng 1-1960, vào Đảng ngày 30-3-1965, chính thức ngày 30-3-1966. Trình độ chuyên môn: Đại học toán, Lý luận chính trị: Cử nhân. Đồng chí đã được tặng Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Kháng chiến hạng nhất. Đồng chí hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG: “KIÊN QUYẾT, KIÊN TRÌ THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG”
Ngay sau lời phát biểu nhậm chức, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đọc Tờ trình giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Đại biểu Quốc hội khoá XI tỉnh Bình Dương, được giới thiệu bầu vào chức danh này.
Chiều qua (27-6), với tỷ lệ tán thành hơn 92% tổng số đại biểu, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng- Ủy viên Bộ Chính trị đã chính thức được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, sau 9 năm làm Phó thủ tướng trực tiếp phụ trách nhiều bộ, ngành quan trọng, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng đã trở thành người đứng đầu Chính phủ trẻ nhất trong 20 năm gần đây.
Phát biểu nhậm chức trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Trong bối cảnh quốc tế và trong nước đang diễn biến phức tạp, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đều lớn và đan xen nhau, điều tâm huyết của tôi là thấu suốt và chấp hành nghiêm túc Nghị quyết Đại hội X của Đảng và tổ chức thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời tiếp tục điều hành thực hiện tốt chương trình công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2002-2007 mà Thủ tướng Phan Văn Khải đã trình bày tại phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa này”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra mục tiêu hành động trong nhiệm kỳ của mình: “Tôi xin hết lòng, dốc sức cùng tập thể Chính phủ và cả hệ thống chính trị phát huy sức mạnh của toàn dân tộc; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; thực hiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển nhanh các thành phần kinh tế, huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực, nhất là nội lực để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế tri thức, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, bảo vệ và cải thiện môi trường; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe và cải thiện đời sống nhân dân; mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường quốc phòng và an ninh, giữ vững ổn định chính trị-xã hội; phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”.
Thủ tướng cam kết: “Kiên quyết, kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí quan liêu, xem đây là một trọng tâm công tác trong thời gian tới”.
Trong việc thực hiện chức trách của người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Tôi trân trọng học tập, kế thừa những kinh nghiệm qúi báu của các Thủ tướng Chính phủ tiền nhiệm; nghiêm túc giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương, cùng các thành viên Chính phủ chung sức xây dựng một Chính phủ đoàn kết nhất trí, phát huy tốt trí tuệ tập thể, đồng thời đề cao đầy đủ trách nhiệm của mỗi cá nhân, hành động kiên quyết và sáng tạo, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ”.
Cuối buổi chiều qua, tân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm một số thành viên Chính phủ. Theo đó, Chính phủ trình nhân sự thay thế người đứng đầu của bảy bộ, cơ quan ngang bộ gồm: Tài Chính; Giao thông - Vận Tải, Giáo dục; Quốc phòng; Văn hoá - Thông tin; Ngoại giao và Thanh tra Chính phủ.
Giữ cương vị Phó Thủ tướng khi mới 48 tuổi, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng được nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đánh giá là một người có kinh nghiệm, được đào tạo, rèn luyện lâu năm ở Chính phủ. Trước khi được giới thiệu làm Thủ tướng, đồng chí là Phó Thủ tướng thường trực phụ trách nhiều bộ ngành quan trọng như Công an, Tài chính, Công nghiệp, Giao thông Vận tải... Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sinh ngày 17-11-1949, quê ở TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau và được kết nạp Đảng ngày 10-6-1967. Trình độc chuyên môn: cử nhân luật. Là đại biểu Quốc hội liên tiếp hai khóa X và XI. Tại Đại hội Đảng lần thứ X, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được bầu làm ủy viên Bộ Chính trị. Trước đó, đồng chí là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khoá liên tiếp VI, VII, VIII, IX, X, Uỷ viên Bộ Chính trị 3 khoá VIII, IX, X; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ khoá X, XI.
TẤN LỘC (tổng hợp)