Thứ Sáu, 04/10/2024 02:19 SA
Xuân năm nay, viết gì?
Thứ Ba, 27/01/2009 13:30 CH

Xuân là mùa mở đầu một năm mới. Ông cha ta thường nói “Xuân đến, xuân đi, xuân lại lại”. Thật ra thời gian là vô tận, là dòng chảy vĩnh hằng luôn hướng về phía trước. Xuân có đến, có đi nhưng không bao giờ trở lại. Xuân Kỷ Sửu này không giống như xuân Mậu Tý đã qua, càng khác lắm với xuân Canh Dần sắp tới.

 

San-bay-8.gif

Năm 2009, hy vọng Việt Nam sẽ có bước “cất cánh” mới - Ảnh: MINH NGUYỆT

 

Viết về xuân là viết về cái mới, cái vui, về niềm tin và hy vọng.

 

Hơn hai mươi năm kể từ ngày đất nước giành độc lập, tự do (1945) cho đến khi Bác Hồ qua đời (1969), có năm nào Bác không viết mấy vần thơ chúc Tết. Mà có lời thơ nào giống lời thơ nào đâu.

 

Đầu kháng chiến chống Pháp, Bác viết:

 

Tết này ta tạm xa nhau

 

Chắc rằng ta sẽ tết sau sum vầy

 

Xuân 1969, Bác kêu gọi:

 

Vì độc lập, vì tự do

 

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

 

Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào

 

Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn!

 

Bước vào xuân Bính Tuất 1946, Tố Hữu, nhà thơ cách mạng hàng đầu của nước ta, trong bài thơ Xuân nhân loại, đã cảm nhận mùa xuân này khác hẳn những mùa xuân của hàng trăm năm dài nô lệ:

 

Không phải mùa Xuân mấy thuở sang

 

Lá xanh không mát dạ khô vàng

 

Hoa thơm không át mùi xương máu

 

Nắng chỉ lây buồn trên áo tang.

 

Xuân ấy nhen lên trong lòng nhà thơ khát vọng cháy bỏng:

 

Lâu rồi khao khát lắm xuân ơi

 

Nhân loại vươn lên ánh mặt trời

 

Nhân loại trườn lên trên biển máu

 

Đang mơ xuân tới với vui cười.

 

Mười lăm năm sau, xuân Tân Sửu 1961, năm năm sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng, ông viết bài thơ xuân “Chào 61”:

 

Chào 61 đỉnh cao muôn trượng

 

Ta đứng dậy mắt nhìn bốn hướng

 

Trông lại ngàn xưa, trông tới mai sau

 

Trông Bắc, trông Nam, trông cả địa cầu

 

Bài thơ làm dấy lên cái rộn ràng trong những năm đầu xây dựng hòa bình và công nghiệp hóa đất nước.

 

Từ bấy đến nay, hết thập kỷ này đến thập kỷ khác, các nhà văn, nhà thơ, nhà báo nước ta đã viết không biết bao nhiêu bài chúc Tết, mừng Xuân. Mỗi bài là một tấm lòng, một cách nhìn, một sự đánh giá, một nét phản ánh độc đáo của mình về cách mạng và kháng chiến, về đổi mới và phát triển.

 

Bản thân người viết bài báo Tết này, riêng từ đầu thế kỷ XXI đến nay, không năm nào không viết một bài báo Xuân. Bài báo Xuân đăng trên báo Nhân Dân, số Tết Nhâm Ngọ 2002, mang tên là: “Dũng sĩ tuổi trăng tròn”, nêu lên những thành tựu kỳ diệu của 15 năm đổi mới. Bài báo nhắc lại rằng, cậu bé Đổi Mới ra đời mới 4 năm (1986-1990) mà đã làm nên nghiệp lớn: ra quân đánh thắng trận đầu trong cuộc chiến chống lại cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội đang lồng lên như con ngựa bất kham vào những năm cuối thập kỷ 80, rồi từ đó, tiến lên giành những thắng lợi mỗi ngày càng lớn. Bài báo trích dẫn hai câu thơ của Cao Bá Quát tưởng nhớ Đức Thánh Gióng:

 

Phá tặc đãn hiềm tam tuế vãn

 

Đằng vân do hận cửu thiên đê

 

Có nghĩa là:

 

Đánh giặc tiếc rằng ba tuổi đã muộn

 

Bay lên trời còn hận chín tầng là thấp

 

Để nói sự nghiệp Đổi Mới của chúng ta là vĩ đại nhưng còn dài và lắm gian truân.

 

Cũng năm Nhâm Ngọ ấy, tác giả còn viết bài “Giấc mộng Đền Đô”, mô tả giấc mơ gặp Vua Lý Thái Tổ ở khu Đền thờ Lý Bát Đế (tám vị vua nhà Lý) và cuộc “tấu trình” về nhiều chuyện với Đức Vua. Về kế hoạch xây dựng Hà Nội đến năm 2010, năm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Đặc biệt hơn nữa là về viễn cảnh xây dựng Hà Nội đến giữa thế kỷ XXI, lúc đó thủ đô của chúng ta là một con Thiên Long hùng vĩ, nối liền với bốn phía đông, tây, nam, bắc bằng những khu công nghiệp lớn, hiện đại chưa thể tưởng tượng nổi.

 

Nay thì thời điểm Canh Dần 2010 đã đến gần. Hai năm Mậu Tý 2008 và Kỷ Sửu 2009 là những năm liền kề.

 

Đây là hai năm đặc biệt quan trọng trong quá trình thực hiện kế hoạch 5 năm 2006 – 2010.

Từ thực tiễn hai năm đầu kế hoạch, 2006 và 2007, ta dự báo hai năm tiếp theo cũng sẽ có nhiều thuận lợi.

 

Năm 2008, mục tiêu đề ra là đẩy mạnh hơn nữa nhịp độ tăng trưởng GDP với mức tăng từ 8,5 đến 9%/năm, đồng thời hoàn thành phần lớn các chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2006 – 2010, tạo tiền đề và điều kiện để hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm ngay trong năm 2009.

 

Nhưng thực tế đã diễn ra theo chiều ngược lại. Từ những tháng cuối năm 2007, đầu năm 2008, trên thế giới những dấu hiệu đầu tiên của khủng hoảng tài chính – tiền tệ đã bộc lộ, rõ nhất là trong việc giá xăng dầu, lương thực, vật tư, nguyên vật liệu, máy móc thiết bị tăng cao, trực tiếp tác động đến kinh tế nước ta. Trong nước, giá tiêu dùng năm 2007 tăng lên 12,63%. Ba tháng đầu năm 2008, mức tăng bình quân mỗi tháng là 3%. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế chậm dần lại, quý II đã xuống mức dưới 5,9%.

 

Việc thực hiện kế hoạch năm 2008 đã phải chuyển sang trọng tâm đột xuất là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì tăng trưởng hợp lý, trong đó kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Chỉ tiêu tăng trưởng từ 8,5 đến 9%/năm đã được điều chỉnh xuống còn 7%.

 

Một năm phấn đấu quyết liệt đã tạo nên chuyển biến tích cực, nhất là từ quý III/2008. Dự báo cuối năm lạm phát chỉ ở mức dưới 20% (không phải 24-25% như trước), kinh tế tăng trưởng khoảng 6,23%.

 

Năm 2009, tình hình không dễ dàng hơn. Trong nước, thành tựu đạt được trong cuộc chiến chống lạm phát và duy trì tăng trưởng chưa thật vững chắc. Trên thế giới, cơn bão tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu ập đến, làm khốn đốn nhiều nền kinh tế lớn từ Mỹ đến Châu Âu và Nhật Bản, tác động khá mạnh đến nước ta.

 

Một lần nữa, ta phải đề ra mục tiêu cho năm 2009 là tiếp tục phấn đấu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì tăng trưởng. Các chỉ tiêu đề ra cũng khiêm tốn hơn: GDP tăng 6,5%, xuất khẩu tăng 13%, đầu tư toàn xã hội đạt 39,5% GDP. So với năm 2008, một số các chỉ tiêu giảm về tốc độ tăng trưởng nhưng tăng về số lượng tuyệt đối.

 

Thế là hai năm Mậu Tý và Kỷ Sửu đều có chung một chủ đề phát triển kinh tế xã hội. Song cái chất bên trong cũng có sự thay đổi. Cán cân giữa kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế vẫn phải giữ vững song không thể không làm hết sức mình để ngăn chặn đà suy giảm đang diễn ra, dần đưa kinh tế đến hồi phục.

 

Cái đích hướng tới phải là năm 2010, hoàn thành tốt đẹp Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm đầu thế kỷ XXI.

 

Vậy viết gì nhân mùa xuân và Tết năm nay? Phải chăng là viết về tinh thần quyết chiến, quyết thắng nhằm vươn tới cái mốc cao hơn của đổi mới? Nhớ lại bài thơ Đi đường của Bác Hồ năm nào:

 

Đi đường mới biết gian lao,

 

Núi cao rồi lại núi cao trập trùng

 

Núi cao lên đến tận cùng

 

Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.

 

Thật vậy, muốn leo tới đỉnh cao thì không sợ vực sâu.

 

HÀ ĐĂNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek