Thứ Bảy, 05/10/2024 00:20 SA
Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn
Thứ Tư, 24/12/2008 14:30 CH

Trong cuộc đời mấy mươi năm hoạt động cách mạng, tôi có may mắn ba lần được gặp Bác Hồ kính yêu.

 

bac-ho-081224.jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bộ đội miền Nam tập kết đang huấn luyện tại tỉnh Nghệ An (6/1957)

 

 

Lần thứ nhất vào năm 1957, lúc tôi còn ở bộ đội. Buổi sáng, cả đơn vị đang tập trên thao trường thì có lệnh về gấp, chuẩn bị hành quân đi nhận nhiệm vụ mới. Các đồng chí cán bộ trung đội, đại đội đang hội ý ở tiểu đoàn bộ, ở nhà đám lính trẻ chúng tôi vừa chuẩn bị ba lô, súng đạn, vừa cùng nhau bàn tán, đoán mò. Ai cũng cho là cả đơn vị sẽ trở về quê hương, trả thù cho đồng bào, đồng chí đang bị bè lũ Diệm – Nhu đàn áp, tù đày.

 

Nhưng rồi dự đoán này nghĩ không có lý vì chúng tôi vừa được lệnh: tất cả vũ khí, quân trang, quân dụng để lại, tất cả tập hợp hành quân. Về Nam mà không mang theo vũ khí thì lấy gì chiến đấu? Các “tham mưu con” lại rì rầm, dự đoán: chắc là đi đón các vị lãnh đạo cao cấp. Nhưng là ai? Thủ tướng Phạm Văn Đồng hay đại tướng Võ Nguyên Giáp?...

 

Sau một buổi chiều và một đêm hành quân, toàn đơn vị chúng tôi (sư đoàn 324 bộ đội Liên khu V tập kết) và các đơn vị bạn đã có mặt tại một triền núi phía bắc tỉnh Nghệ An. Khoảng 7 giờ sáng, một đoàn xe con độ dăm chiếc từ tỉnh lộ rẽ lên và dừng lại trước khán đài. Từ chiếc xe thứ ba bước ra một cụ già, đầu trùm khăn (sáng hôm ấy trời rét lắm) nhưng chúng tôi đã nhận ra Bác Hồ. Cả hàng quân reo lên “Bác Hồ! Bác Hồ! Hồ chủ tịch muôn năm!” Bác cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Bộ tư lệnh Quân khu IV đi một vòng vẫy chào các cán bộ, chiến sĩ đứng hàng đầu. Đó là các chiến sĩ trung đoàn 120, hầu hết là người các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Xong, Bác lên khán đài, đưa tay nhắc chúng tôi im lặng, để Bác nói chuyện. Bác nói ngắn, rằng Bác biết các cháu rất mong trở lại miền Nam. Nhưng không được nôn nóng. Hãy chờ lệnh Bác và Chính phủ. Bây giờ các cháu phải tập trung vào việc học tập chính trị, quân sự cho tốt. Đặc biệt ra sức giúp đỡ đồng bào nơi đóng quân.

 

Rất tiếc là lần này, vì đứng xa quá, tôi không nhìn rõ Bác. Mỗi lần cố nhón lên để nhìn Bác thì lại bị đồng chí đứng sau kéo xuống, và tiểu đội trưởng luôn nhắc nhở: “Đồng chí Tín, giữ trật tự”.Bù lại, hai lần sau, tôi được nhìn Bác thỏa thích.Đó là năm 1963, khi tôi được bộ đội cử đi học ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hồi ấy, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, được Bộ Giáo dục đánh giá là một trường có quy củ, nề nếp, tổ chức Đảng, Đoàn thanh niên, Công đoàn… hoạt động có hiệu quả.

 

Lần thứ nhất Bác đưa Tổng thống Pháp đến thăm trường. Bác nói mấy câu, giới thiệu Tổng thống, sau đó nhường lời cho giáo sư Phạm Huy Thông, Hiệu trưởng, báo cáo vắn tắt tình hình giảng dạy và học tập của nhà trường. Giáo sư Phạm Huy Thông báo cáo trực tiếp bằng tiếng Pháp, bỗng giữa chừng Bác đưa tay cho giáo sư bảo dừng lại, Bác bổ sung thêm, cũng bằng tiếng Pháp, một ý gì đó mà giáo sư còn thiếu.

 

Cũng trong năm đó, năm 1963, Bác đưa vợ chồng đồng chí Lưu Thiếu Kỳ – Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc đến thăm trường. Sau khi giáo sư Phạm Huy Thông nói mấy câu chào mừng, Bác bắt đầu nói chuyện. Bác nói đại ý: Cách mạng Việt Nam có được thành quả như ngày nay là nhờ sự phấn đấu, hy sinh của toàn dân ta, và sự giúp đỡ của anh em bè bạn khắp năm châu, trong đó có Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc anh em. Nghĩa cử đó chúng ta không bao giờ quên.

 

Bác dừng lại một phút, rồi nói tiếp: Thời gian Bác hoạt động ở nước ngoài, có nhiều năm ở Trung Quốc, đã được các đồng chí Cộng sản và nhân dân Trung Quốc giúp đỡ hết lòng. Như thím Lưu đây, thím đã cho Bác có cơm ăn, có quần áo mặc, lúc thì thím may cho bộ quần áo mới, lúc thì thím cặm cụi ngồi vá lại chiếc áo Bác bị rách…

 

Cả hội trường hơn hai ngàn thầy, trò chúng tôi vô cùng xúc động. Mà xúc động nhất có lẽ là bà Lưu Thiếu Kỳ, người mà Bác đã gọi một cách thân mật, theo kiểu Việt Nam, là “thím Lưu”. Bà lấy khăn mặt lau những giọt nước mắt không cầm được của mình.

*

*   *

 

Đó là, ba lần tôi may mắn được nhìn thấy Bác, được nghe giọng nói ấm áp của Bác. Còn một lần tôi được gặp Bác nữa, tuy chỉ trong giấc mơ, nhưng đối với tôi thật không thể nào quên, vì nó quyết định cả quãng đời còn lại của tôi.

 

Số là, cuối tháng 4/1970, trong một lần công tác ở vùng ven, tôi bị địch bắn bị thương và bắt về giam tại Ty cảnh sát quốc gia. Hồi đó, Ty cảnh sát quốc gia của ngụy quyền Phú Yên đóng ở đường Duy Tân, chỗ Tỉnh Đoàn làm việc bây giờ. Phía sau, giáp đường Nguyễn Huệ là trại tạm giam, một số phòng riêng dùng để thẩm vấn, và một dãy xà lim. Chúng tống tôi vào xà lim trong tình trạng vết thương quá nặng. Chúng lại liên tục tra hỏi, dọa dẫm, dụ dỗ… đủ trò. Thần kinh tôi căng thẳng quá mức, người thì lúc tỉnh, lúc mê. Nhiều lúc tôi chỉ nghĩ đến cái chết.

 

Trong đợt công tác vừa qua, tôi đã làm được một việc hữu ích là vận động các nhà sư và bà con phật tử, đúng ngày 19/5 thì làm lễ cầu siêu cho Bác Hồ và các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc độc lập, tự do. Tôi mường tượng ra cái cảnh tôi và hằng trăm đồng bào ta cùng các nhà sư đang tụng niệm, thành kính hướng lòng mình về Bác, trong khói hương, trầm ngào ngạt.

 

Bỗng diệu kỳ thay, tôi thấy Bác đang bay lơ lửng trên đầu mình. Râu và tóc Bác bạc phơ. Bác nhìn tôi trìu mến và khe khẽ ngâm:

“Thân thể tại ngục trung

Tinh thần tại ngục ngoại

Dục thành đại sự nghiệp

Tinh thần cánh yếu đại”

 

Tôi mừng quá, kêu lớn: “Bác ơi!”, rồi tỉnh hẳn, và cứ tiếc mãi sao giấc mơ ngắn quá không được nhìn Bác lâu hơn, nghe Bác dạy bảo thêm.

 

Bốn câu thơ mà Bác vừa ngâm, và cả tập “Nhật ký trong tù” của Bác tôi đã thuộc lòng từ lâu, từ những ngày ở trong quân đội. Mấy ngày sau, tôi suy nghĩ nhiều, lòng tự dặn lòng là không được bi quan, chán nản, phải dũng cảm vượt qua mọi sự tra tấn của kẻ thù, giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản, phải sống để rồi trở về với đồng bào, đồng chí tiếp tục cuộc chiến đấu còn dang dở.

 

Đối với kẻ thù, tôi sẽ nói thẳng vào mặt chúng:

“Bay muốn bắt ta khai những điều bí mật

Những tên người, tên đất thân thương

Không!

Những cái đó nằm giữa tim ta, bọc thép

Tim dẫu ngừng nhịp đập. Vẫn còn”

Tôi cũng xin thưa với Bác là:

“Bác kính yêu ơi!

Cho con được làm cây thông con trong đồi xanh của Bác

Để bốn mùa hát mãi khúc hùng ca

Vươn thẳng tới khoảng trời xanh bát ngát

Không cúi đầu trước mọi phong ba”.

BẰNG TÍN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek