Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 24/10, các ĐBQH tham gia thảo luận tại tổ về về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và dự án Luật Dữ liệu.
Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên tham gia thảo luận tại Tổ đại biểu số 9, cùng đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Ninh, Bến Tre và Hòa Bình. Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, Tổ trưởng, điều hành phiên thảo luận.
Phát biểu gợi ý thảo luận, đồng chí Phạm Đại Dương gợi ý một số nội dung trọng tâm để các ĐBQH trong tổ tập trung thảo luận, đảm bảo hoàn thành phiên thảo luận theo nội dung, chương trình kỳ họp đề ra.
Tham gia thảo luận tại tổ, các ĐBQH thống nhất với dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Các ĐBQH cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sẽ giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh có tính cấp bách nhằm thực hiện tốt chính sách, pháp luật về Bảo hiểm y tế, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế; bảo đảm thống nhất với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 và các luật, quy định có liên quan. Các ĐBQH đã thảo luận, góp ý nhiều nội dung cụ thể tại một số điểm, điều, khoản cụ thể để Ban soạn thảo xem xét, tiếp thu, góp phần hoàn thiện dự án luật.
Đại biểu Lê Văn Thìn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: NGỌC HƠN |
Về dự án Luật Dữ liệu, đa số ĐBQH khẳng định hiện nay, nước ta đã hình thành được 7 cơ sở dữ liệu quốc gia; một số cơ sở dữ liệu quốc gia đã có sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu góp phần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân; hạ tầng công nghệ xây dựng các trung tâm dữ liệu bước đầu được quan tâm đầu tư hơn... Tuy nhiên, các ĐBQH cũng cho rằng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong phát triển dữ liệu, trong đó có hạn chế liên quan đến các quy định về cơ sở dữ liệu, quản lý dữ liệu. Vì vậy, việc xây dựng Luật Dữ liệu là cần thiết nhằm tăng cường sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu trong phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển KT-XH, tạo điều kiện cho mọi người dân được thụ hưởng lợi ích từ hoạt động chuyển đổi số.
Tại buổi thảo luận, các ĐBQH đã góp ý nhiều nội dung cụ thể của dự án luật để góp phần bổ sung, hoàn thiện hơn như: đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cho phép các tổ chức, cá nhân khác được phép khai thác miễn phí trên cơ sở đóng góp, cung cấp dữ liệu cho các cơ sở dữ liệu này, nhằm khuyến khích các chủ thể cung cấp, chia sẻ dữ liệu để tạo nguồn dữ liệu phong phú, đầy đủ. Làm rõ sau khi luật có hiệu lực thi hành, các cơ sở dữ liệu hiện nay phải được xử lý như thế nào để không chồng chéo với quy định của luật này. Rà soát, làm rõ hơn về mô hình tổ chức, chức năng, quyền, nghĩa vụ của Trung tâm dữ liệu quốc gia; làm rõ tiến độ, hiệu quả của việc triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia; đồng thời có thêm báo cáo làm rõ các phương án ứng phó, giải quyết những vấn đề có thể phát sinh để tránh nguy cơ trong việc lộ lọt, mất an ninh, an toàn thông tin…
Đại biểu Dương Bình Phú phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: NGỌC HƠN |
Phát biểu tại thảo luận tổ, đồng chí Phạm Đại Dương cảm ơn sự tham gia góp ý trách nhiệm, tâm huyết của các ĐBQH trong tổ. Nhiều ý kiến rất sâu sắc, có tính thực tiễn cao, cần được xem xét, tiếp thu để góp phần hoàn thiện dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và dự án Luật Dữ liệu trước khi Quốc hội xem xét, thông qua để đảm bảo tính khả thi, phù hợp, hiệu quả. Tổ sẽ tổng hợp đầy đủ, trung thực các ý kiến góp ý của ĐBQH để chuyển đến Tổng Thư ký Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
NGỌC HƠN