Sáng 24/10, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Phiên họp có sự tham dự của Đoàn đại biểu Hạ viện Malaysia do ngài Chủ tịch Hạ viện Tan Sri Dato' Johari Bin Abdul dẫn đầu, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 22-25/10, theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sau 15 năm triển khai thi hành, Luật Bảo hiểm y tế đã thực sự đi vào cuộc sống với 93,3 triệu người tương ứng 93,35% dân số tham gia bảo hiểm y tế, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp của chính sách bảo hiểm y tế theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh.
Bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo
Dự thảo luật sửa đổi các quy định để thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, trong đó, sửa đổi, bổ sung đối tượng tham gia, trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế để khắc phục bất cập và đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội; bổ sung một số đối tượng cần được Nhà nước hỗ trợ để tăng bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân. Sửa đổi quy định về khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến và không đúng tuyến (thông tuyến) được cập nhật theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ.
Đồng thời, sửa đổi quy định về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế để đồng bộ với quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật theo hướng tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và phân cấp, phân quyền cho sở Y tế về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và phân bổ thẻ bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, còn có các nội dung sửa đổi mới mang tính cấp bách đã có thông tin, dữ liệu rõ ràng để khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ, như quy định trường hợp mắc bệnh mãn tính chuyển về cấp thấp hơn được sử dụng thuốc như cấp cao hơn và điều chỉnh tỷ lệ hưởng bảo hiểm y tế trong một số trường hợp để phát huy vai trò của y tế cơ sở.
Dự thảo luật bổ sung cơ chế thanh toán điều chuyển thuốc trong trường hợp đã mua sắm theo các quy định thuận tiện nhất của Luật Đấu thầu mới nhưng vẫn thiếu thuốc nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc và bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, không để người bệnh phải tự mua và được bảo đảm quyền lợi. Cập nhật cơ chế thanh toán chi phí dịch vụ cận lâm sàng được chuyển đến cơ sở khác đủ điều kiện thực hiện đang được quy định tại nghị định của Chính phủ.
Ngoài ra, điều chỉnh giảm 1% tỷ lệ chi phí quản lý quỹ bảo hiểm y tế từ 5% còn 4% để tăng chi trực tiếp cho khám bệnh, chữa bệnh từ 90% lên 91% từ đầu năm, tiết kiệm thủ tục, thời gian phân bổ, điều chỉnh kinh phí.
Đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, các điều khoản được sửa đổi bám sát với 4 chính sách đã được thông qua tại đề nghị xây dựng luật. Điều 21 và Điều 22 được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng phạm vi hưởng, mức hưởng bảo hiểm y tế đối với một số đối tượng. Ủy ban Xã hội đề nghị Ban soạn thảo chỉ điều chỉnh mức hưởng, phạm vi được hưởng với một số nhóm đối tượng khi đã đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện; bảo đảm bình đẳng về quyền lợi giữa các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế có tính chất tương đồng.
Ủy ban Xã hội thấy rằng, khoản 3 Điều 22 sửa đổi quy định về “thông cấp khám bệnh, chữa bệnh” theo hướng mở rộng thêm một bước, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, cần đánh giá tác động thêm đến khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế cũng như tổ chức, hoạt động của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có y tế cơ sở để đưa ra biện pháp bảo đảm thực hiện phù hợp.
Về quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu (Điều 26), Ủy ban Xã hội đề nghị giữ tinh thần của luật hiện hành để bảo đảm mọi người dân được khám chữa bệnh, quản lý sức khỏe tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp ban đầu và một số là cấp cơ bản gần nơi sinh sống, làm việc; đồng thời, quy định nguyên tắc, tiêu chí đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu với một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đặc thù và nguyên tắc, tiêu chí phân bổ thẻ bảo hiểm y tế để loại bỏ nguy cơ lạm dụng chính sách, tạo cơ chế xin - cho và tăng cường hoạt động của y tế cơ sở.
Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung quy định về chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Điều 27 để khắc phục những bất cập hiện nay và bảo đảm quyền của người dân được sử dụng kịp thời dịch vụ y tế chất lượng, phù hợp với tình trạng bệnh tật. Tuy nhiên, cần lưu ý về kỹ thuật soạn thảo để tránh việc hiểu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp ban đầu chỉ được sử dụng thuốc và thiết bị y tế thấp hơn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản và cấp chuyên sâu.
Ủy ban Xã hội đánh giá cao đề xuất của Chính phủ khi bổ sung quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chi phí dịch vụ cận lâm sàng của người bệnh đã được chỉ định nhưng phải thực hiện ở nơi khác để bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế cũng như bảo đảm chất lượng và tính kịp thời trong khám bệnh, chữa bệnh.
Tuy nhiên, để giải quyết được căn cơ quyền lợi của bệnh nhân bảo hiểm y tế, Chủ nhiệm Ủy ban này đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định tại khoản 4 Điều 31 cơ chế thanh toán thông qua bệnh viện hoặc trực tiếp cho người bệnh khi phải tự mua thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế như việc thanh toán chi phí dịch vụ cận lâm sàng quy định tại khoản 5 Điều 31.
Theo TTXVN/Vietnam+