Sinh ra và lớn lên tại vùng quê Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, cô Lê Thị Hoa Phượng, 41 tuổi, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đồng Xuân luôn thấu hiểu những khó khăn, thiệt thòi của học sinh miền núi. Suốt quá trình công tác, cô Phượng dành hết tâm huyết vào việc giáo dục, nâng cao kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng sống cho các em.
Tận tâm với học trò
Bắt đầu gắn bó với Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đồng Xuân từ năm 2009 với vai trò giáo viên Ngữ văn, cô Hoa Phượng nắm bắt điểm mạnh, yếu cũng như thói quen học tập của học sinh người đồng bào DTTS, từ đó đưa ra phương pháp giảng dạy phù hợp. Quá trình giảng dạy, cô luôn chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động học tập của học sinh. Bên cạnh công tác dạy học, cô Phượng còn phụ trách cơ sở vật chất và quản lý nội trú của trường. Cô luôn cố gắng chăm lo từng bữa ăn giấc ngủ cho học sinh; xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình dạy học, cô Hoa Phượng bày tỏ: Đối với học sinh người đồng bào DTTS, học tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai. Học môn Ngữ văn, các em sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp thu và sử dụng vốn từ. Do vậy, giáo viên Ngữ văn phải rất kiên nhẫn giải thích từ ngữ, hỗ trợ, hướng dẫn các em sử dụng từ ngữ hợp lý. Tôi luôn khuyến khích các em đọc thật nhiều sách để tiếp thu và làm phong phú từ vựng. Với những học sinh tiếp thu bài chậm trên lớp, tôi dành thêm thời gian ban đêm để hỗ trợ các em trong các tiết tự học, qua đó bổ sung kiến thức.
Việc duy trì được đủ số lượng học sinh sau mỗi kỳ nghỉ lễ hay đầu năm học mới cũng là một điều khó khăn đối với các cô giáo vùng cao. Rất nhiều lý do khiến các em nghỉ học như đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình, nghỉ học lấy vợ, lấy chồng... Với những trường hợp này, cô Phượng cùng giáo viên chủ nhiệm tìm đến từng nhà để tuyên truyền, vận động các em đến lớp. Nhờ vậy, nhiều năm liền, Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đồng Xuân không có học sinh bỏ học giữa chừng và có tỉ lệ học sinh tốt nghiệp cao.
Trang bị kỹ năng cho học sinh
Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đồng Xuân có 8 lớp (từ lớp 6 đến lớp 9), với hơn 230 học sinh, chủ yếu là người đồng bào dân tộc Chăm và Ba Na. Tại ngôi trường này, học sinh được học chương trình nội trú 2 buổi/ngày. Ngoài giờ học trên lớp, các em được thầy cô khuyến khích tham gia các hoạt động vui chơi, rèn luyện kỹ năng sống.
Là Phó hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất và quản lý nội trú, cô Phượng luôn quan tâm thăm hỏi gia đình học sinh; tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Cô đặc biệt quan tâm trang bị kỹ năng sống thông qua việc giáo dục kiến thức giới tính và tuyên truyền bình đẳng giới cho học sinh, đặc biệt là các em nữ. Thông qua đó, cô chủ động nắm bắt tâm tư, tình cảm, những biến đổi về tâm sinh lý học sinh. Nhờ vậy, cô Phượng thường phát hiện và kịp thời ngăn chặn học sinh có nguy cơ yêu sớm, muốn nghỉ học để kết hôn sớm.
Cô Hoa Phượng chia sẻ: Hầu hết học sinh người DTTS thường không được trang bị nhiều kỹ năng mềm. Do vậy, trong quá trình dạy học, tôi luôn khuyến khích, động viên các em tích cực, chủ động tham gia các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ, TDTT, nâng cao kiến thức pháp luật… Đặc biệt, trong các giờ học ngoại khóa, nhà trường thường xuyên cho các em tìm hiểu về văn hóa truyền thống các dân tộc; biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng, nhảy arap; phục dựng các hoạt động lễ hội truyền thống của các dân tộc… Điều này sẽ giúp các em tích cực, chủ động hơn trong học tập và cuộc sống.
Ông Trần Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết: Cô Lê Thị Hoa Phượng là một tấm gương điển hình hết lòng vì sự nghiệp giáo dục ở vùng đồng bào DTTS của huyện. Cô là một trong những đại biểu chính thức tham gia Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Phú Yên lần thứ IV năm 2024 và được đề nghị tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc.
NGÔ XUÂN