Đại hội đại biểu MTTQ tỉnh nhiệm kỳ 2024-2029 đã thành công tốt đẹp. Ngay sau đại hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã làm việc với ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố, đôn đốc MTTQ các cấp khẩn trương bắt tay triển khai những công việc cần thiết để nhanh chóng đưa nghị quyết của đại hội vào cuộc sống. Báo Phú Yên đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh về nội dung này.
Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn |
* Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Trách nhiệm - Đổi mới - Phát triển”, Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQ tỉnh lần thứ XII đề ra những mục tiêu, chương trình hành động nào trong nhiệm kỳ mới 2024-2029, thưa đồng chí?
- Phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế tồn tại trong nhiệm kỳ 2019-2024, Đại hội đại biểu MTTQ tỉnh nhiệm kỳ 2024-2029 xác định 11 chỉ tiêu chủ yếu, 6 chương trình trọng tâm của công tác mặt trận trong nhiệm kỳ tới.
Các chỉ tiêu trọng tâm được xác định, như hằng năm phấn đấu 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; mỗi khu dân cư có ít nhất một công trình hoặc phần việc tiêu biểu, điển hình góp phần xây dựng, phục vụ cộng đồng, phát triển KT-XH của địa phương, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; 100% các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh được ủy ban MTTQ các cấp hỗ trợ, giúp đỡ, thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết; người dân bị ảnh hưởng do thiên tai, sự cố, dịch bệnh gây thiệt hại lớn đến tính mạng và tài sản được ủy ban MTTQ các cấp hỗ trợ, giúp đỡ; tổ chức vận động, đóng góp ủng hộ Quỹ Vì người nghèo tăng ít nhất 10% so với năm trước và trong nhiệm kỳ phấn đấu vận động hỗ trợ xây dựng mới ít nhất 800 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo. Trong nhiệm kỳ này, MTTQ nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững giai đoạn 2024-2029. Trong đó vận động hỗ trợ ít nhất cho 1.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững...
6 chương trình hành động của MTTQ nhiệm kỳ 2024-2029, gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; Động viên các tầng lớp nhân dân thi đua, sáng tạo, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua; Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài; Tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ mặt trận các cấp; Xây dựng khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc.
* Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQ tỉnh nhiệm kỳ 2024-2029 là cơ sở quan trọng để tiếp tục củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, động viên các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hăng hái thi đua lao động sản xuất, học tập, công tác. Để sớm đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống, hệ thống MTTQ cần phải thực hiện như thế nào?
- Nhằm sớm đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQ tỉnh vào cuộc sống, hiện Ban Thường thực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của công tác mặt trận năm 2024 và triển khai thực hiện nghị quyết đại hội MTTQ huyện, thị xã, thành phố và của tỉnh nhiệm kỳ 2024-2029 tại các địa phương.
Qua làm việc với ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố cho thấy, MTTQ các cấp đã phát huy được vai trò, trách nhiệm, triển khai thực hiện công tác mặt trận đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện với nhiều hình thức, kịp thời đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương đến các tầng lớp nhân dân. Các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động được triển khai sâu rộng. Công tác giám sát, phản biện xã hội, huy động các nguồn lực chăm lo cho người nghèo, phát triển và xây dựng các mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững hiệu quả có nhiều chuyển biến tích cực...
Bước vào nhiệm kỳ mới, bên cạnh những thuận lợi, công tác mặt trận ở tỉnh cũng như các địa phương đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy, yêu cầu mặt trận các cấp không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, bảo đảm cụ thể hóa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc và công tác mặt trận theo hướng tập trung về cơ sở; bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất, cấp bách và nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.
Trước mắt, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố bắt tay ngay vào việc quán triệt, cụ thể hóa nghị quyết đại hội mặt trận các cấp đến cán bộ mặt trận, các tầng lớp nhân dân, tổ chức thành viên…
Mô hình nuôi dúi mang lại thu nhập cao của một hộ dân ở xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa được chọn để nhân rộng trong toàn tỉnh. Ảnh: THÚY HẰNG |
* Là vai trò mũi nhọn trong công tác mặt trận, hoạt động giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền là một trong những chương trình hành động của nhiệm kỳ 2024-2029. Làm thế nào để tiếp tục nâng cao chất lượng chương trình hành động này, thưa đồng chí?
- Ủy ban MTTQ các cấp phải phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm trong việc tổ chức, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền; tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và sự tham gia của các tổ chức thành viên; phát huy vai trò của người dân trong giám sát cán bộ, đảng viên, tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, hệ thống mặt trận sẽ lựa chọn những nội dung, vấn đề giám sát, phản biện xã hội trên cơ sở phù hợp chức năng, nhiệm vụ, điều kiện và năng lực của MTTQ ở mỗi cấp, mỗi địa phương, nhất là ở cấp xã, phường phải thực hiện cho được công tác giám sát, phản biện xã hội, tránh tình trạng sợ “đụng chạm” mà không làm; chú trọng giám sát những vấn đề bức xúc trong Nhân dân. Đồng thời sẽ đổi mới nội dung, phương thức tổ chức tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 218-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XII); tăng cường phối hợp để tổ chức các diễn đàn nhân dân, nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri; định kỳ tổ chức gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với Nhân dân...
* Trong nhiệm kỳ này, Ủy ban MTTQ tỉnh triển khai Đề án nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững giai đoạn 2024-2029 với mục tiêu hỗ trợ ít nhất cho 1.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững... Vậy khi nào đề án này được triển khai?
- Cuối tháng 9 này Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ triển khai đề án trên cơ sở đề xuất của MTTQ các huyện, thị xã, thành phố. Ngoài các mô hình mà MTTQ tỉnh đề xuất, các địa phương có thể đề xuất thêm các mô hình sản xuất hiệu quả để nhân rộng.
Ủy ban MTTQ huyện, xã có trách nhiệm phối hợp thực hiện đề án; hướng dẫn các hộ dân tham gia đề án nghiêm túc, có trách nhiệm và đạt hiệu quả; chủ động phát huy nội lực và lồng ghép các nguồn vốn để tăng nguồn lực thực hiện đề án; thành lập Tổ quản lý đề án và trực tiếp thu hồi vốn. Sau 36 tháng kết thúc đề án, tổ sẽ tham mưu đối tượng luân chuyển theo đúng quy định.
* Xin cảm ơn đồng chí!
THÚY HẰNG (thực hiện)