Thứ Sáu, 18/10/2024 12:26 CH
Vĩnh biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Một trí tuệ cao, một nhân cách lớn (Tiếp theo và hết)
Thứ Tư, 24/07/2024 07:14 SA

Tác giả và các đồng chí lãnh đạo 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 5/2016. Ảnh: CTV

4. Tôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa X và khóa XI, khóa XI do đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ Tổng Bí thư, từ Hội nghị lần thứ hai, ông đã thể hiện được tinh thần lắng nghe, chọn lọc, cầu thị tiếp thu của người đứng đầu toàn Đảng.

 

Tôi nhớ là khi dự thảo Chương trình toàn khóa XI do Bộ Chính trị chuẩn bị trình trung ương thảo luận để ban hành, tôi và một số đồng chí có góp ý là bổ sung thêm nội dung phòng chống tham nhũng, xây dựng chỉnh đốn Đảng thành một nội dung quan trọng trong chương trình và điều chỉnh thời gian họp trung ương trước thời gian họp Quốc hội để bảo đảm các nội dung do Hội nghị Trung ương đề ra sẽ là định hướng cho Quốc hội trong thảo luận và quyết định. Lâu nay, trung ương cứ họp sau Quốc hội thì không làm được chức năng lãnh đạo và định hướng kịp thời. Đây là một vấn đề mới, tôi nhớ đã có đề nghị từ khóa trước nhưng chưa được quyết, đến khóa này được ông chủ trì kết luận chuyển các Hội nghị Trung ương lên trước kỳ họp Quốc hội và thực hiện ngay từ cuối năm 2011.

 

Về phòng chống tham nhũng, việc bàn lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng là từ thời điểm khóa X, lúc đó nhiều ủy viên Trung ương Đảng đề nghị là Trưởng ban chỉ đạo nên do Tổng Bí thư đảm nhiệm. Nhưng vì thiếu quyết đoán nên đã chọn Thủ tướng là Trưởng ban, ghi vào Luật Phòng chống tham nhũng, dẫn đến không hiệu quả do Thủ tướng quá nhiều việc cụ thể phải giải quyết và không đủ thẩm quyền trong chỉ đạo lĩnh vực kiểm tra, kiểm sát, tòa án. 

 

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, lúc đó là Chủ tịch Quốc hội, chúc mừng đồng chí lão thành cách mạng Phan Ngọc Bích (Đảng bộ TP Tuy Hòa) nhận Huy hiệu 80 tuổi Đảng năm 2010. Ảnh: MINH KÝ

  

Đến Hội nghị lần thứ 5 khóa XI, khi thảo luận vấn đề này, trung ương quyết định chuyển Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng về trực thuộc trung ương, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban, Ban Nội chính Trung ương được thành lập lại và thường trực cho Ban chỉ đạo. Từ đó đến nay đã thể hiện rõ công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực ngày càng quyết liệt, không khoan nhượng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

 

Dưới thời ông làm Tổng Bí thư, việc Bộ Chính trị tổ chức gặp các đồng chí là ủy viên Trung ương Đảng và bộ trưởng đã nghỉ hưu đã trở thành cuộc gặp thường lệ hàng năm (trừ mấy năm dịch COVID-19) nhằm thông tin kịp thời tình hình trong Đảng, trong nước và tạo sự gần gũi giữa các thế hệ lãnh đạo các thời kỳ.

 

Tôi có may mắn được Bộ Chính trị khóa XI phân công làm Tổ trưởng Tổ Thảo luận của trung ương trong mấy kỳ hội nghị, trong đó hai kỳ vinh dự có đồng chí Nguyễn Phú Trọng là thành viên trong tổ. Đến dự thảo luận tổ, ông thể hiện tinh thần lắng nghe, đôi khi có sự trao đổi để làm rõ thêm một số vấn đề với sự nhẹ nhàng, từ tốn. Khi có công việc không dự được, ông đều cho thư ký riêng đến báo vắng. Thậm chí trong một đợt kết thúc thảo luận tổ, anh em có bàn cuộc gặp mặt tối đó ở khách sạn Hà Nội, tôi xin ý kiến thì ông nói anh em trong tổ đã bàn thì cứ làm, phần ông nếu có thể dự được thì sẽ xem sau. Anh chị em trong tổ hôm đó đều đoán trước là ông không đến vì công việc nhiều và cũng không dự tại một khách sạn được, nhưng ông vẫn cẩn thận cử thư ký đến tận nơi báo là không đến dự được.

 

Đến sau Đại hội XII, tôi đã nghỉ hưu, chỉ còn theo dõi các hoạt động của ông trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông báo nội bộ của Văn phòng Trung ương. Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, ông đã góp phần nâng tầm lý luận cho Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh qua tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”.

 

13 năm dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng ta đã kế thừa và phát huy thành quả cách mạng của các giai đoạn trước để tiếp tục đưa đất nước đi lên theo định hướng CNH-HĐH, từ một nước thu nhập trung bình thấp đến nay có GDP vào tốp 40, kim ngạch xuất nhập khẩu vào tốp 20 thế giới và chắc chắn năm 2024 sẽ lọt vào các nước có thu nhập trung bình cao.

 

Chiến lược ngoại giao Cây tre Việt Nam mà ông đã định hướng trong Hội nghị đối ngoại toàn quốc năm 2021 tiếp tục gặt hái nhiều thành công. Việt Nam đã là đối tác chiến lược toàn diện của các nước lớn: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, giữ vững mối quan hệ đặc biệt với Lào, Campuchia. Hình ảnh Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đi thăm các nước Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và đón nguyên thủ các nước lớn đến thăm Việt Nam là hiện tượng ngoại giao có một không hai trên thế giới.

 

Trong ông lúc nào cũng cháy rực niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước, và ông luôn tìm cách khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong cán bộ và Nhân dân: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay…”, “Dân tộc ta là dân tộc Việt Nam. Đất nước này nhất định phải phát triển đi lên, không được phép tụt hậu so với các nước khác…”. 

 

13 năm dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng ta đã kế thừa và phát huy thành quả cách mạng của các giai đoạn trước để tiếp tục đưa đất nước đi lên theo định hướng CNH-HĐH.

  

Về xây dựng chỉnh đốn Đảng, ông là tấm gương tiêu biểu cho việc đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực không khoan nhượng, tạo được niềm tin lớn trong toàn Đảng, toàn dân. Đời tư của ông rất mẫu mực, luôn có sự tự trọng cao, phảng phất có chút sĩ khí của một trí thức lớn đất Hà thành, rất xứng đáng với những phát biểu “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ. Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất…”.

 

* * *

 

Là một nhà chính trị, một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một giáo sư triết học nhưng xuất thân từ một sinh viên tốt nghiệp tổng hợp Văn, ông luôn mang theo trong tâm hồn những tứ thơ bất hủ trong Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Tôi đã ba lần được nghe ông lẩy Kiều trong các cuộc hội nghị lớn: lần đầu trong Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII, lúc đó ông phát biểu với tư cách Tổng Bí thư và Chủ tịch Quốc hội khóa trước; lần thứ hai trong một hội nghị tổng kết do trung ương tổ chức và lần thứ ba trong cuộc gặp mặt với cán bộ cao cấp về hưu năm 2019.

 

Hôm nay, tiễn ông về với cõi người hiền, tôi xin mạn phép lẩy hai câu Kiều như một nén tâm hương cầu chúc anh linh trong sáng của ông mãi trường tồn cùng non sông đất nước:  

 

Gương trong chẳng chút bụi trần

Ai lay chẳng chuyển ai rung chẳng dời.

 

Xin vĩnh biệt ông - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến! Vĩnh biệt Anh - một trí tuệ cao, một nhân cách lớn, một học trò mẫu mực của Bác Hồ vĩ đại.

 

ĐÀO TẤN LỘC

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek