2. Trong chuyến thăm và làm việc ở Phú Yên năm ấy, tôi nhớ là chiều 30/1/2010, tôi có đưa ông đến thăm bác Phan Ngọc Bích, đảng viên năm 1930 của Đảng bộ Phú Yên, tại nhà riêng ở phường 6, TP Tuy Hòa. Trên xe, tôi báo cáo với ông là bác Bích, đảng viên từ tháng 9/1930, năm nay tính theo tuổi âm lịch thì bác Bích sinh năm 1911 vừa tròn 100 tuổi. Sau khi tặng quà, thăm hỏi về sức khỏe và gia đình của bác Bích, ông có chúc thọ bác Bích: “Cháu xin chúc bác sống lâu… hai trăm tuổi”. Tôi lúc đó thật sự phục sự nhanh trí của ông, chắc ban đầu theo thói quen ông tính chúc “sống lâu trăm tuổi”, nhưng đã kịp thời nghĩ lại là bác Bích đã trăm tuổi rồi, nếu chúc sống trăm tuổi thì khác nào chúc cho chết sớm?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chụp hình với Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII (tháng 7/2011). Ảnh: CTV |
Trên đường về ông dặn tôi phải chăm lo thật tốt các bậc tiền bối lão thành, các đồng chí lãnh đạo lớn tuổi đã nghỉ hưu, các anh hùng và Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong tỉnh. Ông nói Đảng ta, dân tộc ta có được cơ đồ ngày nay là nhờ sự đóng góp hy sinh to lớn của lớp người đi trước. Trường hợp đảng viên vào Đảng năm 1930 như bác Bích, ông cho là hạt nhân quý hiếm của Đảng bộ, khẳng định Đảng bộ Phú Yên là đã có từ 80 năm trước, do đó phải có chế độ chăm sóc sức khỏe đặc biệt để cụ thêm trường thọ. Thực hiện chỉ đạo này của ông, hai năm sau, khi thấy bác Bích yếu đi, Tỉnh ủy đã chỉ đạo bố trí 2 phòng trong Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng của tỉnh cho bác Bích và vợ ở để có đủ điều kiện phục vụ chăm sóc y tế cho bác.
Dịp đó, ông cũng đã đến thăm ông Ka Sô Liễng tại nhà ở xã Ea Chà Rang nhằm tỏ sự quý trọng một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, người dân tộc Chăm H’Roi, có nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm rất đồ sộ về văn hóa các dân tộc ở Phú Yên.
Vào tháng 10/2014, bác Bích lúc đó hơn 84 tuổi Đảng theo quy định của Đảng có thể nhận Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng, Tỉnh ủy chỉ đạo làm các thủ tục báo cáo Ban Tổ chức Trung ương để nhận Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng (trước đó tỉnh không có loại huy hiệu này) về gắn cho bác ngay tại Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Phú Yên.
Tôi nhớ thời điểm sau đó tôi đang họp Quốc hội, có xin phép về giải quyết một số công việc của tỉnh và trực tiếp gắn Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng cho bác Bích được VTV1 đưa tin, nhiều đồng chí ở các nơi có gọi chúc mừng sự kiện này. Bất ngờ nhất là lúc ra Hà Nội để tiếp tục họp có gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông nói: “Chúc mừng Đảng bộ Phú Yên nhé”, tôi lúc đó chưa kịp nghĩ là mừng cái gì, thì ông nói tiếp: “Chúc mừng đảng viên lão thành 85 tuổi Đảng của Đảng bộ Phú Yên”. Sau đó, ông có hỏi thăm về bác Bích, tôi báo cáo thêm về việc đưa bác Bích vào Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tỉnh để chăm sóc mấy năm qua và tình hình sức khỏe vẫn còn minh mẫn của bác Bích thì ông rất vui.
3. Sau tết Nguyên đán, vào khoảng cuối tháng 2/2011, tôi ra Hà Nội với nhiệm vụ là mang các giấy mời dự Lễ kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển đến gặp trực tiếp mời các đồng chí lãnh đạo ở trung ương. Tôi cũng biết quy định khi đi dự lễ hội ở địa phương thì chỉ một đồng chí chủ chốt đi dự theo phân công, nhưng lãnh đạo địa phương không thể mời đồng chí này mà không mời đồng chí kia, nên phải đi gặp một vòng, thực ra cũng là để báo cáo sự kiện lớn ở địa phương sắp tổ chức. Tôi nhớ hôm đó là ngày thứ bảy, sau khi nhờ đồng chí Dụ - lúc đó vẫn còn đang là Chánh Văn phòng Trung ương - đăng ký xin gặp Tổng Bí thư tại nhà để báo cáo và mời dự Lễ kỷ niệm 400 năm của tỉnh, được ông đồng ý tiếp tại nhà. Tôi nhờ xe của Văn phòng Trung ương đưa đến nhà ông ở số 5 phố Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Tác giả đưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng, lúc đó là Chủ tịch Quốc hội, thăm cảng Vũng Rô (tháng 1/2011). Ảnh: CTV |
Tôi rất bất ngờ về nơi ở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do sự đơn giản của ngôi nhà so với chỗ ở của nhiều đồng chí lãnh đạo trên phố Phan Đình Phùng hay Chùa Một Cột. Nếu không có một vọng gác của lực lượng công an thì khó có thể nghĩ đây là nơi ở lâu nay của Chủ tịch Quốc hội và hiện nay là Tổng Bí thư Đảng.
Ông vui vẻ tiếp tôi trong một phòng khách nhỏ, thấy tôi có xách theo một túi quà, ông liền hỏi: “Mang theo túi gì đấy”. Tôi báo cáo là có mang quà sản vật của địa phương mà chủ yếu là thực phẩm để ông bà biết chút hương vị của Phú Yên. Ông không nói gì, lẳng lặng cầm túi rút ra từng món xem xét cẩn thận, bỏ lại vào túi sau khi xác nhận là không lẫn thứ gì khác, rồi từ tốn nói: “Nếu đúng chỉ là sản vật địa phương thì món quà tình nghĩa này anh nhận”. May là tôi hiểu tính ông, ông rất ghét các quà đắt tiền hay quà kèm theo phong bì, nếu phát hiện thì ông trả lập tức và còn răn dạy một hồi.
Tôi trình bày với ông về sự kiện 400 năm mà tỉnh sắp tổ chức và mời Tổng Bí thư dành thời gian dự nhằm động viên Đảng bộ và Nhân dân Phú Yên. Ông nghe rất chăm chú, hỏi thêm một số việc cho rõ, sau đó bày tỏ thái độ ủng hộ việc tổ chức sự kiện; đồng thời căn dặn phải tiết kiệm ngân sách, huy động thêm nguồn vốn xã hội của các thành phần kinh tế tham gia. Ông không trả lời thẳng là có đi dự hay không mà chỉ nói là sẽ có phân công sắp xếp người dự phù hợp (thời điểm Lễ kỷ niệm 400 năm Phú Yên, trung ương phân công đồng chí Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư và Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dự).
Sau đó, ông hỏi thêm tôi về tình hình tư tưởng của đảng viên và quần chúng ở tỉnh sau Đại hội Đảng bộ tỉnh và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI trước đó mấy tháng, về đời sống nhân dân trong dịp tết Nguyên đán. Đặc biệt, ông dành thời gian hỏi thăm về tình hình các vùng trong tỉnh bị lũ lụt nặng cuối năm 2009 đã khắc phục đến đâu, nhất là một làng ở miền núi ông nghe nói sập gần hết nhà và chết hàng chục người nay ra sao rồi.
Tôi có báo cáo tình hình sau hơn 1 năm khắc phục hậu quả lũ lụt, đặc biệt là xóm Trường ở Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân đã được Quân khu 5 và tỉnh đầu tư xây dựng một khu dân cư mới trên đồi, nhà cửa khá khang trang, có cả điện nước để bà con di chuyển đến ở cho an toàn. Ông có nói là do biến đổi khí hậu, lại thêm rừng bị phá nhiều nên các vùng ở miền núi dễ bị mưa lũ ập nhanh, càn quét, vùng này lại thiếu đường sá và công trình kiên cố nên khi có lũ lụt thì người dân không biết chạy đi đâu, không biết bấu víu vào đâu. Ông dặn tôi phải có kế hoạch đầu tư thêm về giao thông, trường tầng kiên cố cho miền núi; không những giúp cải thiện nhanh đời sống dân cư, mà còn tạo điều kiện cứu hộ cứu nạn khi có bão lụt.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của ông, Tỉnh ủy Phú Yên đã định hướng việc tìm mọi khả năng nguồn vốn để hoàn thành nhiều tuyến đường lớn, nhiều trường tầng kiên cố cho các vùng miền núi của tỉnh trong nhiều năm tiếp theo. Qua đó đã cải thiện rõ rệt điều kiện kinh tế, hạn chế tổn thất do thiên tai ở các xã vùng này.
(Xem tiếp kỳ sau)
ĐÀO TẤN LỘC
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên