Thứ Bảy, 05/10/2024 20:21 CH
Ông Ma Nhân, nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Miền Tây Phú Yên:
“Trong lòng tôi luôn khắc ghi lời dạy của Bác”
Thứ Tư, 26/11/2008 14:30 CH

Vượt qua dốc Võng gần thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, theo lời chỉ dẫn của bà con trong khu phố, chúng tôi tìm đến nhà bác Ma Nhân, nguyên  Bí thư Huyện ủy huyện Miền Tây Phú Yên. Trong ngôi nhà bác Ma Nhân, tấm ảnh Bác Hồ được treo nơi trang trọng nhất.

 

bac-081126.jpg

Bác Hồ cùng nhân dân tát nước cứu hạn cho lúa - Ảnh: TƯ LIỆU

 

Với giọng  đầy xúc động, bác Ma Nhân nói với chúng tôi: “Cứ mỗi lần nhìn lên ảnh Bác Hồ, tôi lại bồi hồi, xúc động, nhớ đến những giây phút được gặp Bác. Những lúc gặp khó khăn, gian khổ trong cuộc đời, những lời dạy bảo ân cần, chứa chan tình yêu thương của Bác như tiếp thêm cho tôi sức mạnh để vượt qua mọi gian khổ, khó khăn”.

 

Trong suốt cuộc đời hơn 40 năm tham gia hoạt động cách mạng của mình, bác Ma Nhân đã vinh dự được gặp Bác Hồ ba lần. Đó là những giây phút hạnh phúc nhất mà bác không bao giờ quên được.

 

Quê tôi ở buôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng và bản sắc văn hóa dân tộc. Năm 1948, phát huy truyền thống của gia đình và quê hương, vừa tròn 18 tuổi, tôi đã tham gia hoạt động cách mạng, làm Chính trị viên xã đội. Năm 1953, tôi vào bộ đội và đến năm 1954, cùng đồng đội tập kết ra Bắc. Trong thời gian ở miền Bắc, tôi được Nhà nước cho đi học ở Trường Đào tạo cán bộ dân tộc miền Nam tại Gia Lâm- Hà Nội. Trong thời gian học tập tại trường, tôi luôn cố gắng học tập thật tốt, tham gia tích cực vào công tác Đoàn và các hoạt động của nhà trường. Chúng tôi ngày đêm nhớ về miền Nam, trong lòng luôn nung nấu quyết tâm sau này được trở về miền Nam chiến đấu, giải phóng quê hương. Những năm tháng ở miền Bắc, chúng tôi đều mong ước một lần được gặp Bác Hồ. Và niềm mong ước của tôi đã thành hiện thực. Trong những năm học tập tại trường, tôi đã vinh dự ba lần được gặp Bác.

 

Lần thứ nhất là vào một ngày tháng 4/1958. Hôm đó thầy Hiệu trưởng Y Ngôn thông báo cho học sinh lên hội trường để nghe Bác Hồ nói chuyện. Khi nghe tin Bác Hồ đến thăm trường, trong lòng chúng tôi hồi hộp, sung sướng lắm! Buổi sáng hôm ấy, chúng tôi đã có mặt đông đủ ở hội trường trước giờ thông báo 15 phút. Vừa đúng 7g sáng, Bác Hồ cùng đoàn đại biểu đã đến. Bác mặc bộ quần áo ka ki giản dị, đi đôi dép cao su. Đôi mắt Bác sáng ngời, trông thật hiền từ, ấm áp làm sao! Bác vừa bước vào hội trường, tất cả chúng tôi đều đứng dậy. Bác đưa tay ra hiệu bảo chúng tôi ngồi xuống và hỏi:

 

- Các cháu có khỏe không? Ăn có no không?

Chúng tôi cùng đồng thanh trả lời:

 

- Dạ, khỏe ạ, no ạ!

 

Bác lại hỏi:

 

- Các cháu có nhớ miền Nam không?

 

Bác biết chúng tôi nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ quê hương, đau lòng vì miền Nam còn đang chịu nhiều đau thương mất mát. Tấm lòng của Bác luôn hướng về miền Nam và Bác thấu hiểu nỗi lòng của những đứa con miền Nam xa quê hương biết nhường nào. Lời của Bác làm chúng tôi rưng rưng xúc động. Chúng tôi đều đồng thanh trả lời:

 

- Có ạ!

 

Bác căn dặn, các cháu phải cố gắng học giỏi, sau này về miền Nam công tác, phải giữ vững tinh thần đoàn kết dân tộc.

 

Chúng tôi đều là con em người dân tộc thiểu số như Ê Đê, Ba Na, Gia Rai, Chăm-H’roi… từ khắp các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên được tập kết ra Bắc. Lời căn dặn của Bác chúng tôi luôn khắc ghi trong lòng. Thực hiện lời dạy của Bác, từ đó chúng tôi đã không ngừng cố gắng, đạt được nhiều thành tích trong học tập và công tác Đoàn.

 

Lần thứ hai tôi được gặp Bác là vào tháng 7/1958. Hôm đó tôi được nhà trường phân công đi mua thực phẩm. Khi đi qua công trường Đại thủy nông Bắc- Hưng- Hải, tôi cùng mọi người đi trên đường đã nhìn thấy Bác đang tát nước cùng bà con. Hơn 50 năm đã trôi qua nhưng tôi không bao giờ quên được cảm xúc của mình lúc đó. Bác là một vị lãnh tụ, vị Chủ tịch nước mà lại cùng tát nước chống hạn với nông dân. Lịch sử trên thế giới hiếm có một vị lãnh tụ nào mà lại gần gũi với người dân lao động đến thế. Trong lòng tôi trào dâng niềm cảm phục, kính yêu Bác vô cùng. Tôi đứng ngây ra nhìn Bác, chân không muốn rời.

 

Lần thứ ba tôi được gặp Bác đúng vào dịp Tết năm 1959. Hôm đó chúng tôi được nhà trường thông báo chuẩn bị tập trung để xe chở đến nhà khách Chính phủ nghe Bác Hồ chúc Tết. Thành phần đi chỉ có khoảng 30 học sinh là những người có nhiều thành tích trong học tập, trong đó có cả anh hùng Núp. Ai cũng hồi hộp, sung sướng quá! Tôi thầm nghĩ: Dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn luôn dành thời gian quan tâm đến chúng tôi, những đứa con miền Nam xa nhà. Tại nhà khách Chính phủ, Bác Hồ chúc Tết, ân cần dặn dò chúng tôi phải cố gắng học tập thật tốt để sau này trở về xây dựng quê hương. Trong những ngày đón Tết ở Hà Nội, tuy xa quê hương nhưng trong lòng chúng tôi luôn ấm áp vô cùng vì được sống trong tình yêu thương bao la của Bác và đồng bào miền Bắc.

 

Năm 1963, tôi được trở về miền Nam chiến đấu, công tác ở Ban miền núi của tỉnh Phú Yên. Năm 1973, tôi là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy miền Tây, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi được bầu làm Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Sơn Hòa.

 

Nhớ lời Bác dạy, dù ở bất cứ cương vị nào, làm việc gì, tôi cũng đều nỗ lực cố gắng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 1983, tôi về nghỉ hưu tại thị trấn Củng Sơn. Mặc dù tuổi cao, sức khỏe giảm sút nhưng tôi vẫn luôn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương, động viên con cháu cố gắng học tập, công tác tốt như lời Bác đã từng căn dặn.

NAM PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek