Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, Nhân dân sống trong cảnh lầm than, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã tiếp thu tinh thần yêu nước của các bậc tiền bối, dành trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, để Nhân dân ta được sống hạnh phúc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (người đứng) tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp (năm 1920) và Người đã tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Ảnh: TL |
Đến với chủ nghĩa Mác – Lênin
Ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành lên con tàu Amiral La Touche De Tréville, rời bến cảng Nhà Rồng, khởi đầu hành trình tìm đường cứu nước kéo dài suốt 30 năm, để rồi sau đó mang về ánh sáng tự do cho dân tộc. Sau hành trình đầy gian khổ qua nhiều nước như Pháp, Anh, Mỹ…, năm 1917, người thanh niên Nguyễn Tất Thành quay trở lại Pháp.
Tại đây, Bác Hồ kính yêu của chúng ta tham gia thành lập Hội Những người An Nam yêu nước và trở thành nòng cốt của hội với tên gọi Nguyễn Ái Quốc. Thời gian này, Bác soạn thảo Bản yêu sách 8 điểm của Nhân dân An Nam gửi tới lãnh đạo các cường quốc dự Hội nghị Versailles năm 1919.
Trên suốt chặng đường gian khổ ấy, với hành trang là lòng yêu nước vô bờ bến và khát vọng mang lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, nhà hoạt động quốc tế xuất sắc Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc, đó là cách mạng vô sản.
Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin đăng trên báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp. Qua luận cương, Người đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc đúng đắn.
Sau 30 năm bôn ba, ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, thực hiện cách mạng dân tộc, dân chủ do Đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo để làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đánh đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước của dân, do dân, vì dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Tự do, độc lập là quyền trời cho của mỗi dân tộc... Hễ một dân tộc đã kiên quyết đứng lên đấu tranh cho Tổ quốc họ thì không ai, không lực lượng gì chiến thắng được họ…”. Quan điểm đó của Người khẳng định rằng, quyền độc lập, tự do của các dân tộc là những quyền tự nhiên, thiêng liêng và bất khả xâm phạm, là quy luật khách quan của xã hội loài người mà tất cả các dân tộc đều được hưởng.
Và công cuộc đấu tranh giành, giữ và thực thi quyền độc lập, tự do của dân tộc được đánh đổi bằng xương máu thiêng liêng của các thế hệ, của cả dân tộc. Vì vậy, mọi sự xâm phạm liên quan đến quyền độc lập, tự do của dân tộc đều trái với đạo lý và lẽ phải, đều xâm phạm một cách nghiêm trọng quyền thiêng liêng vốn có của các dân tộc.
Trên cơ sở nghiên cứu các cuộc cách mạng tiêu biểu của thế giới đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh rút ra những bài học kinh nghiệm đối với cách mạng Việt Nam, rằng: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi…”. Có nghĩa, đấu tranh cho quyền độc lập, tự do của dân tộc thì đó phải là độc lập, tự do thực sự, hoàn toàn, triệt để.
Người khẳng định: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”; “Việt Nam hoàn toàn thống nhất và độc lập, “có Quốc hội riêng”, “Chính phủ riêng”, “quân đội riêng”, “ngoại giao riêng”, “kinh tế và tài chính riêng””.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, dân tộc ta phải tiến hành 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Thực hiện lời Bác Hồ dặn trước lúc đi xa, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, lần lượt đánh cho Mỹ cút (năm 1973), đánh cho ngụy nhào (năm 1975), giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đồng bào Hùng Sơn, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên năm 1954. Ảnh: TL |
Giải phóng Tổ quốc phải đem lại hạnh phúc, ấm no cho Nhân dân
Đấu tranh giành lại quyền độc lập, tự do cho dân tộc là mục tiêu, lẽ sống, khát vọng của dân tộc Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, mục tiêu và khát vọng đó chỉ thật sự có được khi mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc và phồn vinh thật sự cho Nhân dân.
Cách mạng Tháng Mười Nga thành công dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản đã mở ra một thời đại mới - thời đại quá độ từ Chủ nghĩa tư bản lên CNXH. Với trí tuệ hơn người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy mục tiêu của con đường đấu tranh vì quyền độc lập, tự do của dân tộc là tiến lên CNXH, có nghĩa là phải gắn độc lập dân tộc với CNXH.
Bởi theo Người, chỉ có CNXH, Chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, đấu tranh giành lại quyền độc lập, tự do cho dân tộc mới chỉ là giai đoạn đầu tiên, là tiền đề, cơ sở vững chắc để tiến lên CNXH, để xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân.
Để hiện thực hóa hoài bão đó, Người nhấn mạnh: Chúng ta phải thực hiện ngay là làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân có học hành. Cái mục đích chúng ta đi đến là bốn điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do, độc lập và giúp sức được cho tự do, độc lập.
Và CNXH là con đường để củng cố và bảo vệ vững chắc quyền độc lập, tự do của dân tộc; là điều kiện cơ bản, quyết định đối với dân tộc, góp phần tạo ra sức đề kháng có khả năng loại trừ và chống lại mọi âm mưu xâm chiếm đe dọa đến quyền độc lập, tự do của dân tộc.
PGS.TS HOÀNG MINH THẢO