Từ đầu năm đến nay, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của ủy ban MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ. Nội dung giám sát, phản biện xã hội được lựa chọn, tập trung vào nhiệm vụ chính trị trọng tâm, những vấn đề lớn, có tác động đến sự phát triển KT-XH và đời sống nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn lắng nghe ý kiến phản biện của người dân xã An Hòa Hải (huyện Tuy An) bị ảnh hưởng bởi Dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh - đoạn kết nối giữa Tuy An với TP Tuy Hòa giai đoạn 1. Ảnh: THÚY HẰNG |
Trên cơ sở những quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh đang từng bước có sự đổi mới về phương thức thực hiện với nhiều cách làm có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Giám sát sâu từng lĩnh vực của đời sống
Để tiến hành giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025 tại các huyện Sơn Hòa, Tây Hòa, TX Đông Hòa và Sở LĐTB&XH - cơ quan thường trực của chương trình, Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên khác thống nhất nội dung kế hoạch giám sát để tránh sự trùng lặp về nội dung, thời gian, địa bàn giám sát.
Đoàn giám sát cũng phân công cụ thể nhiệm vụ của từng thành viên trong đoàn để thông qua giám sát phát hiện, chỉ rõ những vấn đề còn hạn chế để các địa phương kiến nghị chính quyền các cấp điều chỉnh và có giải pháp khắc phục, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
Cụ thể như, bà Tạ Thị Thu Hương, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh là thành viên được phân công giám sát việc ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của UBND các cấp về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025; ông Huỳnh Lê Xuân Bích, Phó Giám đốc Sở Y tế là thành viên được phân công giám sát việc triển khai Tiểu dự án 2 về cải thiện dinh dưỡng; bà Nguyễn Vũ Xuân Dung, Phó Giám đốc Sở TT&TT là thành viên được phân công giám sát Dự án 6: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin...
Bà Tạ Thị Thu Hương chia sẻ: Hiện nay, quy định về đối tượng giám sát đã được xác định cụ thể hơn để từ đó xây dựng nội dung giám sát phù hợp. Phân công cụ thể trách nhiệm cho mỗi thành viên giám sát khômg chỉ giúp cho việc giám sát sâu sát, kịp thời phát hiện những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, những ưu, khuyết điểm, mà còn đề xuất các giải pháp đối với cấp có thẩm quyền, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Trong hoạt động phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cũng được MTTQ từ tỉnh đến cơ sở tập trung thực hiện. Trong đó, các nội dung phản biện đã phát huy được vai trò của các ủy viên, các tổ chức thành viên, các nhân sĩ, trí thức, dân tộc, tôn giáo trong việc tham gia góp ý dự thảo các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh và địa phương; phối hợp tổ chức nhiều hình thức đối thoại, gặp gỡ trực tiếp giữa lãnh đạo Đảng, chính quyền với các tầng lớp nhân dân. Nhờ vậy góp phần giải quyết có kết quả nhiều ý kiến kiến nghị, bức xúc của Nhân dân, phát huy dân chủ, bảo đảm kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
Ông Trần Khắc Luyện, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Kinh tế - Văn hóa và Xã hội Ủy ban MTTQ tỉnh cho hay: Công tác giám sát, phản biện xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân về giám sát, phản biện xã hội được nâng lên. Cơ sở chính trị, pháp lý của công tác giám sát, phản biện xã hội được củng cố, hoàn thiện.
Nội dung, phương thức thực hiện ngày càng thực chất, tập trung vào những vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và dư luận xã hội quan tâm, bức xúc, góp phần tăng cường quyền làm chủ, sự đồng thuận của Nhân dân trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Ông Huỳnh Lê Xuân Bích, Phó Giám đốc Sở Y tế, thành viên đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025 tại huyện Tây Hòa. Ảnh: THÚY HẰNG |
Theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị sau giám sát
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”. Cụ thể hóa nội dung này, thời gian qua, mặt trận các cấp không chỉ đẩy mạnh công tác giám sát, phản biện, mà còn chú trọng đến vấn đề theo dõi việc tiếp thu, phản hồi các kiến nghị sau giám sát.
Theo đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, việc theo dõi, giám sát giải quyết, trả lời kiến nghị sau giám sát của cơ quan, tổ chức được giám sát có ý nghĩa rất quan trọng. Cơ quan, tổ chức trả lời kiến nghị đúng thời gian quy định của pháp luật và tiếp thu đầy đủ kiến nghị của mặt trận, đó là kết quả và hiệu quả cao nhất trong hoạt động giám sát.
Khi phát sinh trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân trả lời không đúng thời gian quy định của pháp luật, chỉ tiếp thu một phần và phản hồi những kiến nghị khác, thì tùy theo nội dung không tiếp thu, ủy ban MTTQ gửi văn bản tiếp tục kiến nghị thực hiện các nội dung đã kiến nghị mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không tiếp thu.
“Nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân vẫn không tiếp thu thì mời đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân đến cơ quan ủy ban MTTQ đối thoại. Trường hợp khác, nếu cơ quan, tổ chức vẫn không tiếp thu toàn bộ kiến nghị hoặc chỉ tiếp thu một nội dung nào đó thì ủy ban MTTQ gửi văn bản đến cấp trên của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó kiến nghị xem xét, giải quyết trả lời; đồng thời kiến nghị xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân không giải quyết hoặc giải quyết không đúng quy định của pháp luật về kiến nghị này”, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn cho biết thêm.
Với cách làm nói trên, công tác giám sát, phản biện của MTTQ ngày càng đi vào cuộc sống. Đặc biệt, người dân ngày càng quan tâm hơn đến hoạt động giám sát, thể hiện rõ trách nhiệm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong mọi lĩnh vực đời sống, từ KT-XH đến xây dựng Đảng…
“Giám sát phải đi đến tận nơi, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, đặc biệt là ý kiến người dân chứ không chỉ là thông qua các bản báo cáo. Vì chỉ khi đến tận nơi, giám sát, phản biện đến cùng, truy triệt để vấn đề, theo đuổi đến khi vụ việc được giải quyết xong thì việc giám sát mới thực sự hiệu quả, có tác dụng thay đổi những bất cập, đồng thời tạo được niềm tin cho người dân”, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn nói.
Trong năm 2024, MTTQ tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong việc giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Qua đó nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân để phản ánh tới cấp ủy, chính quyền có biện pháp kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của Nhân dân.
Và để hoạt động này không hình thức, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đề nghị mặt trận và các đoàn thể quan tâm đến hậu giám sát bằng việc tái giám sát đến cùng, theo dõi, đôn đốc chính quyền, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các kiến nghị sau giám sát và phản biện xã hội nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
THÚY HẰNG