Chủ Nhật, 06/10/2024 13:29 CH
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII:
Thủ tướng trả lời chất vấn thẳng thắn, có trách nhiệm
Thứ Sáu, 14/11/2008 07:33 SA

* Quốc hội biểu quyết thông qua 5 luật

 

Sáng 13/11, Quốc hội làm việc tại hội trường, tiếp tục hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đại diện Chính phủ có báo cáo giải trình làm rõ một số vấn đề chung trong quản lý điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ (tường thuật phát biểu của Thủ tướng, xin xem trên trang 4 số báo này). Ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời chất vấn của các đại biểu.         

                             

 

ttdung1-081114.jpg

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội  - Ảnh: Chinhphu.vn

 

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH ĐÃ CÓ BƯỚC TIẾN DÀI

 

Trả lời câu hỏi một đại biểu về việc công tác cải cách hành chính còn chưa đạt yêu cầu, không có đột phá, tinh giản biên chế cũng chưa đạt yêu cầu, cơ quan hành chính vẫn “hành dân là chính”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận, cải cách hành chính so với yêu cầu và thực tế là chưa đạt, nhưng đã có bước tiến dài. Vì cải cách hành chính bao gồm cả cải cách thể chế thủ tục, bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cả cải cách hành chính công, đóng góp thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng so với yêu cầu chưa đạt và chưa là khâu đột phá. Tóm lại, thời gian tới sẽ tiếp tục phải rà soát sao cho thể chế này phù hợp kinh tế thị trường, vận hành linh động, hiệu quả hơn và kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng công chức, rà soát cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực. Thủ tướng cho rằng quy kết “cơ quan hành chính vẫn hành dân là chính” là không đúng thực tiễn.

 

Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG: XỬ LÝ DỨT KHOÁT

 

Một đại biểu chất vấn Thủ tướng rằng hiện số doanh nghiệp gây ô nhiễm và tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khá nhiều, làm thế nào để việc xử lý không ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người lao động, vẫn đảm bảo an sinh xã hội? Sau vụ vi phạm của Vedan, nhiều địa phương đã đưa ra nhiều vụ việc vi phạm môi trường khác, tuy nhiên hiện đang chững lại.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Về xử lý môi trường, Chính phủ đã nêu rõ chủ trương. Hiện đã có các chương trình, kế hoạch để xử lý những vụ việc hiện tại, nhất định chúng ta phải xử lý, nhưng phải theo một lộ trình. Chính phủ chủ trương ngăn chặn những vi phạm mới, không vì lợi ích trước mắt mà hy sinh môi trường. Vừa rồi Chính phủ đã từ chối dự án thép trị giá 4- 5 tỉ USD vì vấn đề môi trường. Nhiều địa phương cũng đã làm như vậy. Về tinh thần xử lý, Thủ tướng trao đổi, đã là cơ quan hành chính, dứt khoát phải xử lý theo đúng pháp luật, nhưng cũng phải xem có lợi nhất.

 

CÒN TRĂN TRỞ VỚI NGÀNH ĐIỆN

 

Có đại biểu chất vấn rằng Thủ tướng có thấy biểu hiện ngành Điện hình như đang “làm mình làm mẩy” để tăng giá điện? Và bao giờ chấm dứt độc quyền ngành Điện?

 

Thủ tướng khẳng định ngành Điện độc quyền là sự tự nhiên. Hiện Việt Nam chỉ có một tập đoàn điện lực. Đảng, Chính phủ khuyến khích ngành Điện, kêu gọi đầu tư, nhưng chỉ mới chỉ có 2 dự án BOT, 1 dự án nước ngoài công suất 300 MW. Doanh nghiệp điện chỉ đáp ứng 60% còn 40% là bên ngoài. EVN vừa sản xuất phần lớn, vừa giữ độc quyền phân phối. Nhà nước độc quyền và giao ngành Điện thực hiện. Chính phủ đã giao Bộ Công Thương tách truyền tải và phân phối. Theo đó, sẽ có nhiều thành phần cùng tham gia sản xuất điện, nhưng Chính phủ giữ độc quyền phân phối. Đây là việc làm khó, nhưng sẽ phải tiến hành từng bước.

 

Về vụ việc EVN trả lại 13 dự án điện, Thủ tướng phát biểu: “Bộ trưởng Bộ Công Thương có nói, lợi nhuận của EVN vừa rồi là 3%, nhưng tôi xem kỹ lại thì là 5%, đây là mức thấp. Tại sao thấp? Giá thành như thế, giá bán như thế, ngân sách không bù lỗ mà bù chéo, bán cao bù cho bán thấp”. Theo Thủ tướng, EVN là Tổng công ty Nhà nước ra đời rất sớm. Để đảm bảo điện đến 2015, tiến tới 2025, với khoảng gần 61.000 MW, EVN sản xuất 75%, còn lại giao DN khác, khuyến khích thành phần kinh tế khác. Tuy nhiên, để tránh sự độc quyền, Chính phủ muốn EVN giữ trên 50%. Như vậy, muốn có được lượng điện này phải có 882.000 tỉ đồng. EVN cũng đã cố gắng nhưng lợi nhuận thấp, cơ chế thị trường, ngân hàng từ chối cho vay. Chính phủ cũng đã phối hợp xử lý, nhưng EVN không đủ vốn. Chính phủ đã họp và quyết định chuyển bớt 13 dự án, với mức đầu tư khoảng 283.000 sang cho Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than - Khoáng sản. Như vậy EVN không từ chối, thoái thác nhiệm vụ Chính phủ giao.

 

Thủ tướng chia sẻ “Không biết thế nào là EVN làm mình làm mẩy. Thực trạng là như thế. Ngành điện cũng đã hết sức cố gắng. 5 năm vừa qua, với mức thu nhập khống chế vì là doanh nghiệp nhà nước nên 4.000 kỹ sư điện đã ra khỏi ngành. Đây là điều trăn trở của Thủ tướng, của ngành Điện lực”.

 

Phần trả lời chất vấn thẳng thắn, có trách nhiệm, đi thẳng vào vấn đề của Thủ tướng đã khép lại hoạt động chất vấn tại kỳ họp này.

 

* Chiều qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 5 luật: Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi), Cán bộ công chức, Giao thông đường bộ (sửa đổi), Đa dạng sinh học và Công nghệ cao.              

 

(VOV)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek