Thứ Năm, 19/09/2024 23:10 CH
Chất vấn thẳng thắn, trả lời đúng trọng tâm
Thứ Sáu, 08/12/2023 21:49 CH

Đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: ANH NGỌC

Ngày làm vic th ba (8/12), K hp th 18, HĐND tnh khóa VIII din ra phiên cht vn và tr li cht vn v các lĩnh vc: Phòng chng tham nhũng; đào to ngh; đầu tư công; tuyn dng công chc, viên chc; qun lý khoáng sn; vn nn la đảo qua không gian mng… Các đại biu đã hi thng thn, th trưởng các s, ngành tr li đúng trng tâm, làm rõ các vn đề.

 

* Đại biểu Nay Y Blung, Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa chất vấn Giám đốc Sở KH&ĐT: Khi nào tỉnh sẽ đầu tư hệ thống kênh nhánh và san ủi đồng ruộng thuộc dự án Hồ chứa nước Suối Vực?

 

 

- Giám đốc Sở KH&ĐT Võ Đình Tiến trả lời: Dự án Hồ chứa nước Suối Vực (huyện Sơn Hòa) có tổng mức đầu tư hơn 278 tỉ đồng, thi công từ năm 2008-2015. Dự án này gồm các hạng mục: Hồ chứa nước có dung tích hơn 10,5 triệu m3; đập đất; tràn xả lũ; nhà quản lý điều hành; hệ thống kênh chính và kênh nhánh.

 

Mục tiêu của dự án là đảm bảo tưới cho 790ha đất canh tác nông nghiệp (lúa 2 vụ 700ha, mía 90ha); tạo nguồn cấp nước sinh hoạt và chăn nuôi ở 2 xã Suối Bạc và Sơn Nguyên; cải tạo môi trường sinh thái và nuôi trồng thủy sản.

 

Trong quá trình thực hiện, do cơ chế chính sách thay đổi, giá vật tư nhiên liệu tăng cao nên thực hiện các hạng mục theo điểm dừng kỹ thuật (gồm đập đất, cống lấy nước, tràn xả lũ, nhà quản lý, đường quản lý vận hành, kênh chính Đông và kênh chính Tây) nhằm phù hợp nội dung đầu tư dự án được duyệt, đảm bảo không vượt tổng nguồn vốn bố trí cho dự án.

 

Tháng 12/2015 công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng và bàn giao cho Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam tiếp nhận khai thác, vận hành từ tháng 1/2016.

 

 

Đối với hệ thống kênh nhánh (khoảng 20,4km), tháng 4/2022, các sở, ngành liên quan đề xuất tiếp tục bố trí nguồn vốn của tỉnh để đầu tư. Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách của tỉnh còn khó khăn nên chưa thể bố trí được. Để giải quyết nhu cầu tưới tiêu trước mắt, Công ty Thủy nông Đồng Cam cần rà soát, kiểm tra hệ thống kênh chính để có kế hoạch khắc phục, sửa chữa từ nguồn vốn thường xuyên của công ty.

 

Đối với hệ thống kênh nhánh, UBND huyện Sơn Hòa cần rà soát, đầu tư trước một số đoạn kênh tưới cho phù hợp từ nguồn ngân sách huyện, có thể lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa khác.

 

* Đại biểu Phan Thị Hà Phước, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh chất vấn Giám đốc Sở TN&MT: Trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và việc tham mưu đấu giá quyền khai thác khoáng sản?

 

 

- Giám đốc Sở TN&MT Đặng Ngọc Anh trả lời: Năm 2023, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành và tổ chức nhiều đợt kiểm tra định kỳ, đột xuất về hoạt động khai thác khoáng sản. Qua đó phát hiện, ngăn chặn, xử lý 2 trường hợp khai thác ngoài vị trí (xử phạt Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP 307 triệu đồng, Công ty TNHH Bảo Trân 120 triệu đồng); tham mưu UBND tỉnh chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra 2 trường hợp (Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Huy Phú và Công ty CP Xây dựng và thương mại Trung Tây Nguyên) để điều tra việc khai thác ngoài vị trí, vượt trữ lượng, trốn thuế…

 

Về quản lý khoáng sản chưa khai thác, trách nhiệm chính thuộc về UBND cấp huyện và xã. Nếu tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép diễn ra kéo dài nhưng không có biện pháp xử lý triệt để, Sở TN&MT sẽ tham mưu UBND tỉnh xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.

 

Đối với công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đến nay UBND tỉnh đã phê duyệt 9 phương án và tổ chức 10 đợt đấu giá; đã đấu giá thành công 41 mỏ khoáng sản (13 mỏ cát, 10 mỏ đá, 4 mỏ đất sét, 14 mỏ đất san lấp). Trong 41 mỏ này có 7 mỏ bị hủy kết quả trúng đấu giá vì đơn vị tham gia nộp hồ sơ không đúng thời gian quy định và có văn bản xin dừng triển khai, 34 mỏ còn lại đang hoàn tất các thủ tục liên quan.

 

 

Hiện quy trình cấp phép hoạt động khoáng sản theo luật định phải qua nhiều bước, nhiều thủ tục, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành dẫn đến kéo dài thời gian cấp phép.

 

Theo quy định, sau khi doanh nghiệp được cấp giấy phép phải ký hợp đồng thuê đất mới được phép đưa mỏ vào khai thác. Nhưng theo quy định pháp luật về đất đai, để được ký hợp đồng thuê đất thì chủ giấy phép phải tự thỏa thuận, đền bù với người sử dụng đất. Nhiều trường hợp thỏa thuận không thành nên chưa thể đưa mỏ vào khai thác.

 

* Đại biểu Ka Sô Chiểu, Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh chất vấn Giám đốc Sở Nội vụ: Vì sao tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị các cấp của tỉnh đạt thấp, nhất là địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh? Sở Nội vụ có những giải pháp, chính sách gì trong tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng và đảm bảo đạt được tỉ lệ đối với từng cấp?

 

 

- Giám đốc Sở Nội vụ Trương Ngọc Tuấn trả lời: Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng cán bộ nói chung và cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người DTTS nói riêng. Tuy nhiên, trên thực tế, tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị các cấp trên địa bàn tỉnh còn ở mức thấp.

 

Hiện toàn tỉnh có 596 người, chiếm 2,87% tổng số cán bộ, công chức, viên chức thuộc tỉnh quản lý, trong đó: Cấp tỉnh 143 người, chiếm tỉ lệ 2,01%; cấp huyện 279 người, chiếm 2,47%; cấp xã 174 người, chiếm 7,36%. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS còn hạn chế.

 

Để việc thực hiện chính sách cử tuyển trên địa bàn tỉnh hiệu quả, đảm bảo quyền lợi đối với sinh viên đã tốt nghiệp theo chế độ cử tuyển, từng bước hoàn thành các mục tiêu về phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trên địa bàn tỉnh, Sở Nội vụ đã ban hành nhiều văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát tất cả sinh viên đã tốt nghiệp theo chế độ cử tuyển trên địa bàn, chủ động xây dựng kế hoạch và xác định nhu cầu tuyển dụng đối tượng cử tuyển để xây dựng phương án tổ chức tuyển dụng đối với sinh viên cử tuyển.

 

Thời gian đến, Sở Nội vụ sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát để tham mưu tổ chức tuyển dụng người DTTS vào làm cán bộ, công chức, viên chức các cấp; tổ chức sát hạch viên chức, cán bộ, công chức cấp xã người DTTS đủ điều kiện để tiếp nhận vào công chức cấp huyện, tỉnh.

 

Sở cũng sẽ kiến nghị trung ương xem xét việc xây dựng cơ chế, chính sách riêng trong công tác tuyển dụng, phân công, bố trí đối với người đồng bào DTTS, người sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đặc biệt đối với sinh viên hệ cử tuyển để phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trên địa bàn tỉnh.

 

* Đại biểu Đỗ Thị Như Tình, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh chất vấn Giám đốc Công an tỉnh: Nguyên nhân tội phạm lừa đảo qua không gian mạng ngày càng tăng? Giải pháp để bảo vệ người dân trước các loại tội phạm lừa đảo qua không gian mạng trong thời đại công nghệ số ngày càng phát triển?

 

 

- Giám đốc Công an tỉnh Phan Thanh Tám trả lời: Thời gian qua, tội phạm lừa đảo qua không gian mạng ngày càng tăng. Nguyên nhân là do đa số đối tượng có trình độ cao về công nghệ và triệt để lợi dụng các thiết bị, ứng dụng trên không gian mạng để phục vụ cho hoạt động phạm tội, che giấu thông tin thật. Các đối tượng phạm tội thường xuyên sử dụng những phương thức, thủ đoạn mới tinh vi, chuyên nghiệp.

 

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước của ngành Ngân hàng đối với việc đăng ký, mở tài khoản cá nhân qua ứng dụng internet banking còn nhiều sơ hở. Công tác quản lý nhà nước đối với sim chính chủ còn hạn chế. Cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng, chống tội phạm công nghệ cao chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra…

 

Trước tình hình trên, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh, Tiểu ban An toàn, an ninh mạng tỉnh và phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng, nhất là đấu tranh phòng, chống tội phạm lừa đảo qua không gian mạng.

 

Công an tỉnh đã phát hiện, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh; điều tra, làm rõ 7 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản; trao đổi với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an về 42 tài khoản ngân hàng liên quan hoạt động lừa đảo qua không gian mạng phục vụ công tác cảnh báo, ngăn chặn các giao dịch.

 

Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ rà soát, kiến nghị Bộ Công an và các cơ quan quản lý sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; bổ sung các quy định quản lý thiết bị, phương tiện công nghệ mà các đối tượng lừa đảo có thể sử dụng thực hiện hành vi phạm tội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ xuyên biên giới.

 

Cùng với nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, phân tích, dự báo xu hướng, hoạt động của các đối tượng trên không gian mạng, Công an tỉnh sẽ phối hợp với các ngân hàng, công ty viễn thông làm tốt công tác phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các giao dịch bất thường, đồng thời xác minh, truy vết nhanh các đối tượng phục vụ điều tra, xử lý và làm giảm thiệt hại cho người dân, thu hồi tài sản phạm tội.

 

Cùng với đó, Công an tỉnh cũng sẽ xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở bám sát địa bàn, thông tin, tuyên truyền bằng các biện pháp, hình thức phong phú, phù hợp. Công an tỉnh tăng cường vận động người dân phối hợp thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự địa phương, tích cực tham gia phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng.

 

* Đại biểu Đặng Thị Hồng Nga, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chất vấn Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự thời gian qua được triển khai như thế nào?

 

 

- Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Hữu Từ cho biết: Thời gian qua, công tác đào tạo nghề đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong 3 năm qua, toàn tỉnh có 25.215 người được đào tạo nghề; tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng dần qua từng năm. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng, chất lượng đào tạo nghề hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu thực tế tại địa phương; tỉ lệ lao động tham gia đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng thấp, mỗi năm dưới 30%, trong đó đào tạo hệ cao đẳng hằng năm dưới 10%.

 

Đối với công tác hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, hằng năm, số thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự xuất ngũ trở về địa phương hơn 1.700 người, nhưng số thanh niên được hỗ trợ đào tạo học nghề mỗi năm chỉ từ 55-110 người, cao nhất chỉ đạt 6,47%.

 

Nguyên nhân do công tác tuyên truyền, phổ biến về đào tạo nghề cho quân nhân xuất ngũ còn thiếu chặt chẽ và đồng bộ. Phần lớn quân nhân sau khi xuất ngũ thường đi làm ăn xa hoặc chọn các cơ sở đào tạo nghề ngoài tỉnh để học. Hằng năm, ngân sách tỉnh hỗ trợ 2,5 tỉ đồng, không đủ kinh phí để tổ chức dạy nghề cho số thanh niên ra quân…

 

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong thời gian đến, các cấp, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức; đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh vào nghề. Cùng với nâng cao chất lượng đào tạo tại trường cao đẳng, trung cấp; các cấp, ngành, trung tâm dạy nghề cần chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị; phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý dạy nghề theo hướng chuẩn hóa. Trung ương, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động, đa dạng các hình thức kết nối cung, cầu lao động.

 

Đối với đào tạo nghề cho quân nhân xuất ngũ trong thời gian đến, ngoài làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng, các cấp, ngành cần tăng thời gian đối với thẻ học nghề của thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự từ 12 tháng lên 24 tháng để đảm bảo quyền lợi, chế độ chính sách cho các đối tượng tham gia học nghề và phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương. Hằng năm, ngân sách tỉnh nên bố trí kinh phí nhiều hơn để tổ chức dạy nghề cho quân nhân xuất ngũ.

 

* Đại biểu Trần Công Hoan, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh chất vấn Chánh Thanh tra tỉnh: Kết quả chấm điểm chỉ số phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2022 tỉnh có đúng thực chất hay chưa? Giải pháp nào để có điểm đánh giá tốt hơn cho những năm sau?

 

 

- Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Công Danh trả lời: Tháng 10/2023, Thanh tra Chính phủ công bố kết quả đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh năm 2022, Phú Yên có điểm đánh giá thấp nhất cả nước (đạt 50,02/100 điểm, xếp vị thứ 63/63 tỉnh thành, giảm 3,65 điểm và giảm 7 bậc so với năm 2021).

 

Năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, một số nội dung bị mất điểm năm 2021 cũng đã được khắc phục và đạt điểm trong năm 2022, tuy nhiên điểm số vẫn còn thấp, tập trung vào các nội dung như: Việc lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN; các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; phát hiện và xử lý tham nhũng; thu hồi tiền và tài sản tham nhũng.

 

Để có điểm đánh giá tốt hơn cho những năm sau, UBND tỉnh đã yêu cầu người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị, địa phương phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện công tác PCTN, kiên quyết xử lý nghiêm những công chức vi phạm; phối hợp MTTQ tỉnh và các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền PCTN, đẩy mạnh thực hiện cơ chế bảo vệ người tố cáo, phát huy cơ chế khen thưởng người có thành tích trong tố cáo hành vi tham nhũng.

 

 

Đồng thời, các cơ quan, đơn vị phải thực hiện tốt công tác tiếp công dân, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định pháp luật. Tăng cường thanh tra các lĩnh vực có nhiều nguy cơ và dư luận về tham nhũng, tiêu cực, như: Các dự án đầu tư lớn; quản lý, sử dụng đất đai; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; việc mua bán chuyển nhượng tài sản công; các dự án mua sắm từ tài sản nhà nước…

 

Các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng cần xây dựng kế hoạch PCTN để tổ chức thực hiện hiệu quả; tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng.

 

Thường xuyên theo dõi để xử lý kịp thời, có hiệu quả đơn thư tố cáo, thông tin phản ánh về tham nhũng; thực hiện việc kê khai, công khai tài sản thu nhập, việc chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng theo đúng quy định.

 

NHÓM PHÓNG VIÊN (lược ghi)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek