Trong ngày làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa VIII, các đại biểu tham dự kỳ họp đã tập trung thảo luận ở tổ, cùng hiến kế để đưa Phú Yên tiếp tục phát triển, hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong năm 2024, góp phần hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025.
ĐẠI BIỂU HUỲNH LỮ TÂN, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY, BÍ THƯ THÀNH ỦY TUY HÒA: Tạo nền tảng vững chắc cho thành phố phát triển
Năm 2023, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, tỉnh có 16/17 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,16%, vượt kế hoạch tỉnh giao, đứng trong tốp 10 các tỉnh, thành phố cả nước có mức tăng trưởng tốt nhất.
Những thông tin tích cực này đã mang lại niềm vui, sự phấn khởi cho cán bộ, đảng viên và người dân toàn tỉnh nói chung, TP Tuy Hòa nói riêng.
Đặc biệt, trong lĩnh vực du lịch, tổng lượng khách du lịch đến Phú Yên hơn 3,1 triệu lượt, trong đó có hơn 17.000 lượt khách quốc tế, với tổng doanh thu dịch vụ du lịch gần 5.000 tỉ đồng. Thời điểm hiện nay, mặc dù là mùa mưa nhưng lượng khách đến với tỉnh vẫn tăng so với các năm trước.
Đây là một tín hiệu tốt, cho thấy chúng ta đã tạo được thương hiệu riêng trong thu hút khách du lịch. Nhất là vừa qua, công trình tháp Nghinh Phong đạt giải Cảnh quan đô thị châu Á năm 2023 và giải thưởng Công trình du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2023 sẽ tạo hiệu ứng tốt để thu hút lượng khách đến với Phú Yên hơn. Đây là chất xúc tác để thúc đẩy ngành Du lịch phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Với những tiền đề nói trên, Đảng bộ và Nhân dân TP Tuy Hòa đang nỗ lực từng ngày để xây dựng hình ảnh của một thành phố đáng sống, là một trong những đô thị sạch nhất trong khu vực và cả nước, góp phần phát triển du lịch của tỉnh.
ĐẠI BIỂU LÊ TRUNG HƯNG, VIỆN TRƯỞNG VIỆN KSND TỈNH: Đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng
Năm 2023, Viện KSND hai cấp đã phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp trong việc tổ chức thi hành các vụ việc phức tạp, kéo dài. Hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, chất lượng.
Hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được nâng lên. Quyền con người, quyền công dân, các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tập thể, Nhà nước được bảo vệ... góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, duy trì ổn định và phát triển kinh tế ở địa phương.
Đặc biệt, xác định nhiệm vụ chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm và chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, Viện KSND tỉnh tiếp tục chọn công tác “Nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế” làm khâu đột phá.
Kết quả, tỉ lệ thu hồi tài sản vượt chỉ tiêu theo Nghị quyết 96 của Quốc hội, góp phần quan trọng vào kết quả chung của công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng của tỉnh, được lãnh đạo Viện KSND Tối cao, Thường trực Tỉnh ủy đánh giá cao.
Thời gian đến, Viện KSND tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh phòng chống tham nhũng quyết liệt, đúng thực tiễn. Trong đó, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị; tăng cường thanh tra, kiểm tra; đảm bảo thực hiện dân chủ, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật công vụ và trật tự nội vụ trong ngành; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền.
Mỗi đại biểu cũng cần phát huy vai trò tuyên truyền, phổ biến công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng để cử tri và người dân cùng tham gia thực hiện.
ĐẠI BIỂU PHAN TRẦN VẠN HUY, CHỦ TỊCH UBND TX SÔNG CẦU: Tháo gỡ vướng mắc để nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững
TX Sông Cầu có bờ biển dài, với khoảng 10.600ha mặt nước đầm, vịnh rất thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản ở Sông Cầu tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu các ngành kinh tế của thị xã, trong đó tôm hùm vẫn là đối tượng nuôi chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao. Nghề nuôi tôm hùm đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 4.000 hộ với khoảng 10.000 lao động trực tiếp.
Hiện trên địa bàn thị xã có khoảng 60.000 lồng nuôi tôm hùm, sản lượng năm 2023 ước đạt gần 2.000 tấn. Tôm hùm thương phẩm ở Sông Cầu chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (80-90%), còn lại tiêu thụ trong nước.
Tuy nhiên, nghề nuôi tôm hùm ở Sông Cầu đang gặp một số khó khăn, vướng mắc như: vùng nuôi thường xuyên ảnh hưởng bởi thiên tai, hạ tầng chưa được đầu tư bài bản, môi trường chưa đảm bảo, thị trường tiêu thụ chưa ổn định và nhiều rủi ro.
Đặc biệt, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chưa được phê duyệt; do đó, việc giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản chưa triển khai, dẫn đến không thực hiện được việc cấp phép nuôi trồng thủy sản theo quy định…
Để phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, địa phương kiến nghị tỉnh và các bộ, ngành trung ương sớm có chính sách hỗ trợ vốn, công nghệ, ưu đãi cho doanh nghiệp, hộ nuôi; nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ nuôi biển tiên tiến cho địa phương phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể của từng vùng nuôi.
Đồng thời sớm có hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc trong giao đất mặt nước, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ địa phương về giải pháp thị trường tiêu thụ ổn định; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX trong việc cấp mã code xuất khẩu.
Tỉnh cần kiến nghị để Bộ NN&PTNT ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn lồng bè, cơ sở nuôi biển phù hợp với điều kiện nuôi biển hở, nuôi công nghiệp, để địa phương có căn cứ, cơ sở thẩm định, cấp phép nuôi biển theo quy định.
ĐẠI BIỂU LƯƠNG MINH TÙNG, BÍ THƯ TỈNH ĐOÀN: Hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên xuất ngũ
Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh tiếp nhận khoảng 1.700 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Đa số quâ n nhân xuất ngũ đều mong muốn ở lại địa phương làm việc và gắn bó lâu dài; tuy nhiên, các bạn trẻ này lại gặp nhiều khó khăn trong quá trình xin việc.
Mặc dù sau khi hoàn thành nghĩa vụ, căn cứ theo nguyện vọng, các quân nhân xuất ngũ sẽ được cấp thẻ học nghề, nhưng việc tổ chức đào tạo nghề cho đối tượng này hiện còn một số vướng mắc và hạn chế.
Tôi mong rằng trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH giải quyết những nút thắt trong vấn đề đào tạo nghề cho quân nhân xuất ngũ; có những giải pháp thiết thực, chủ động định hướng giải quyết việc làm cho đối tượng này để qua đó, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội.
Cùng với vấn đề việc làm, khởi nghiệp cũng là một trong những mối quan tâm hàng đầu của thanh niên. Tháng 10/2023, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ thanh niên Phú Yên khởi nghiệp giai đoạn 2023-2030. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh hỗ trợ 30 thanh niên khởi nghiệp; có ít nhất 30 doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất kinh doanh do thanh niên làm chủ được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Tỉnh đoàn cũng xác định khởi nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2022-2027. Muốn đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra, ngoài quyết tâm chính trị lớn, đoàn thanh niên mong muốn UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện.
ĐẠI BIỂU PHAN THỊ HÀ PHƯỚC, TRƯỞNG BAN DÂN TỘC HĐND TỈNH: Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng dân tộc, miền núi
Kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong thời gian qua tuy có phát triển nhưng chưa thật sự bền vững. Tỉ lệ hộ nghèo có giảm hằng năm nhưng vẫn còn ở mức cao so bình quân chung của cả tỉnh; nguy cơ tái nghèo còn lớn, còn có khoảng cách lớn về phát triển giữa miền núi và vùng đồng bằng. Kết cấu hạ tầng được đầu tư nhưng vẫn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu, tiềm năng phát triển của vùng.
Một số công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt tập trung xây dựng đã lâu, có tình trạng xuống cấp, không bảo đảm phát huy hiệu quả sử dụng, ngưng hoạt động nhưng chưa được đầu tư. Tiến độ triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án còn chậm…
Tôi kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội về vai trò, vị trí khu vực miền núi, dân tộc và công tác dân tộc trong tình hình mới. Đồng thời chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc trên tất cả các lĩnh vực, trong đó chú ý đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn các chương trình, chính sách đã được UBND tỉnh phân bổ năm 2023 và vốn năm 2023 chuyển nguồn sang năm 2024.
Tỉnh cần ưu tiên bố trí vốn, phối hợp lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn của trung ương với nguồn vốn địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác, nhất là các nguồn vốn tín dụng chính sách, vốn xã hội hóa, vốn đóng góp tự nguyện của người dân để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, như: đầu tư các trụ ATM, công trình thủy lợi, điện 3 pha.
Đặc biệt, ưu tiên bố trí vốn từ nguồn ngân sách địa phương, nguồn các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn hợp pháp khác để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, mở rộng các công trình cấp nước và những khu vực chưa có công trình cấp nước trên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... để người dân được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước.
KHÁNH HÀ - NGỌC CHUNG - THÙY THẢO (lược ghi)