Thứ năm, ngày 23/11, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 19 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận đã có 27 đại biểu phát biểu, 8 đại biểu tranh luận; trong đó ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội và nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận: về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; về làm rõ đối tượng người thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội; về quản lý, thu Quỹ bảo hiểm xã hội; về nguyên tắc bảo hiểm xã hội; về trách nhiệm của người sử dụng lao động; về quyền và trách nhiệm của tổ chức bảo vệ người lao động; về Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội; về trợ cấp hưu trí xã hội và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; về chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; về xử lý vi phạm chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; vấn đề dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau; về điều kiện hưởng lương hưu; về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu; về bảo hiểm xã hội một lần; về chế độ trợ cấp mai táng; về mức hưởng trợ cấp thai sản; về bổ sung quỹ thành phần của quỹ bảo hiểm xã hội; về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội; về hoạt động đầu tư của Quỹ bảo hiểm xã hội;...
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các Tổ chức Tín dụng (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các Tổ chức Tn dụng (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận đã có 16 đại biểu phát biểu, tập trung thảo luận về các nội dung: phạm vi điều chỉnh; áp dụng Luật Các Tổ chức Tín dụng, các luật có liên quan và tập quán thương mại quốc tế; bảo mật thông tin; cơ chế tiếp cận thông tin; yêu cầu bảo đảm an toàn giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng; vấn đề sở hữu chéo; bảo vệ quyền lợi của khách hàng; các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng thương mại; cơ cấu tổ chức quản lý của ngân hàng chính sách; quyền, nghĩa vụ của thành viên Hội đồng quản trị; quyền, nghĩa vụ của đối tượng thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng; những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ quản lý trong các tổ chức tín dụng; áp dụng can thiệp sớm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; các biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng được can thiệp sớm; tổ chức tín dụng hỗ trợ; áp dụng kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng; xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay; tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của tổ chức tín dụng; tổ chức lại tổ chức tín dụng; lưu trữ hồ sơ tín dụng; giao dịch điện tử trong hoạt động của tổ chức tín dụng; giới hạn cấp tín dụng; tổ chức thực hiện phương án phá sản; tài sản bảo đảm trong các trường hợp được vay đặc biệt; xử lý tài sản bảo đảm trong vụ việc vi phạm hành chính; biện pháp hỗ trợ đối với bên được chuyển giao bắt buộc; sự việc bất khả kháng;...
Kết thúc phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Thứ sáu, ngày 24/11, Quốc hội họp cả ngày tại hội trường: Sáng: Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi); sau đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đường bộ.
Chiều: Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quản lý, Bảo vệ Công trình Quốc phòng và Khu Quân sự; sau đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ.
Theo TTXVN/Vietnam+