Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng ngày 10/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, đồng thời Chính phủ trình Quốc hội 1 dự thảo nghị quyết và 2 dự án luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Quốc hội nghe: Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đường bộ; Bộ trưởng Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đường bộ; dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ đại biểu số 9.
Tham gia thảo luận nội dung liên quan đến dự án Luật Đường bộ, đại biểu Dương Bình Phú thống nhất với sự cần thiết ban hành luật. Dự thảo Luật Đường bộ có nhiều nội dung liên quan trực tiếp tới quy định trong các luật hiện hành như: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Viễn thông... Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định cụ thể của dự thảo luật với các luật có liên quan để bảo đảm hơn nữa tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo luật với hệ thống pháp luật.
Ngoài ra, đại biểu Dương Bình Phú đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tổng kết đánh giá hiệu quả bước đầu của các chính sách đặc thù trong các nghị quyết của Quốc hội về đầu tư, xây dựng các công trình giao thông trong thời gian gần đây, nhất là chính sách đầu tư đường bộ cao tốc để bổ sung quy định về cơ chế, chính sách đặc thù tại Điều 5 của dự thảo Luật Đường bộ nhằm tạo cơ chế đầu tư phù hợp, đa dạng để thu hút, khuyến khích đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống giao thông đường bộ.
Đại biểu nhấn mạnh, cần phải có chính sách mạnh mẽ để có thể thực hiện được một trong ba đột phá chiến lược là phát triển kết cấu hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng tham gia góp ý dự án Luật Đường bộ, đại biểu Lê Văn Thìn thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật Đường bộ để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng đường bộ; vận tải đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ.
Liên quan đến dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Lê Văn Thìn thống nhất với sự cần thiết ban hành luật; đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát phạm vi, nội dung điều chỉnh trong dự thảo luật này và dự thảo Luật Đường bộ để hoàn thiện, bảo đảm sự thống nhất, không để chồng chéo, trùng lắp giữa hai luật; phân định rõ ràng hơn trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm thực thi của các cơ quan, lực lượng chức năng để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, đúng với chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực phụ trách.
Về quy định về cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại Điều 7 của dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Lê Văn Thìn đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xác định rõ các thông tin lưu trữ trong cơ sở dữ liệu dùng chung cho các bộ, ngành, địa phương sẽ do các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực chịu trách nhiệm cập nhật, quản lý khi thông tin thay đổi để tránh lãng phí nguồn lực và bảo đảm tính chính xác của thông tin.
Vì hiện nay, các dữ liệu hình thành trong hoạt động của cơ quan nhà nước được chia sẻ phục vụ các hoạt động của cơ quan nhà nước theo quy định của Luật Giao dịch điện tử năm 2023 và Nghị định 47/2020/NĐ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.
Góp ý về quy định điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ tại Điều 76 của dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Lê Văn Thìn nhận thấy, nội dung quy định còn chung chung, chưa rõ quy trình, các bước tiến hành, trách nhiệm của các cơ quan (như cơ quan công an, cơ quan quản lý đường bộ), cá nhân, tổ chức trong quá trình điều tra, giải quyết. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát quy định đầy đủ tại dự thảo luật và đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản luật có liên quan.
QUỐC LUÂN