Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 9/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ đại biểu số 9.
Đại biểu Lê Văn Thìn tham gia thảo luận tổ. Ảnh: QUỐC LUÂN |
Tham gia thảo luận về dự án luật, đại biểu Dương Bình Phú cho rằng, nhiều nội dung, chính sách mới được sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật có tác động và ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thống pháp luật, từ Hiến pháp năm 2013 tới các đạo luật khác trong lĩnh vực tư pháp như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Ngân sách nhà nước... Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý thêm để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của dự án puật.
Đối với việc thành lập tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt (tại Điều 4), đại biểu Dương Bình Phú đề nghị làm rõ trong dự án luật các vấn đề như việc bố trí cụ thể tòa án sơ thẩm chuyên biệt tại các địa phương như thế nào, đặt ở khu vực thuộc địa hạt các huyện hay các tỉnh, việc bố trí các tòa án sơ thẩm chuyên biệt căn cứ vào yếu tố nào. Vấn đề xét xử phúc thẩm đối với những bản án, phán quyết của tòa án sơ thẩm chuyên biệt ra sao. Đồng thời, đại biểu đề nghị rà soát biên chế, đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là các thẩm phán đủ tiêu chuẩn bố trí cho các tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, đảm bảo chất lượng xét xử nhưng không được làm tăng biên chế.
Đại biểu Dương Bình Phú đóng góp ý kiến về dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi). Ảnh: QUỐC LUÂN |
Góp ý về dự thảo luật, đại biểu Lê Văn Thìn đồng tình, thống nhất với sự cần thiết xây dựng, ban hành dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi). Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát dự thảo luật để bảo đảm phù hợp với phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp, phù hợp với chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đảm bảo sự đồng bộ với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành trong quá trình xây dựng dự án luật.
Về quy định giải quyết, xét xử vi phạm hành chính tại Điều 26, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, giải trình cụ thể về quy định này để đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, tránh chồng lấn chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ và đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn. Vì hiện nay, cơ cấu, tổ chức bộ máy cũng như chức năng của từng cơ quan trong bộ máy nhà nước đã được quy định rõ trong Hiến pháp và luật tổ chức của các cơ quan. Theo đó, chức năng kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm quy tắc quản lý hành chính nhà nước do các cơ quan hành chính thực hiện thống nhất từ trung ương tới địa phương. Bên cạnh đó, theo các báo cáo của Chính phủ, số vụ vi phạm hành chính rất lớn. Việc chuyển đổi chức năng của Chính phủ sang tòa án để xét xử các hành vi vi phạm quy tắc quản lý nhà nước cần phải có lộ trình, trên cơ sở đánh giá, tổng kết thực tế và chuẩn bị một cách kỹ lưỡng cả về hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy, nhân sự và điều kiện bảo đảm thực hiện để bảo đảm tính khả thi.
Về tổ chức xét xử tại Chương VII, đại biểu Lê Văn Thìn cho rằng, trong hệ thống các cơ quan tư pháp, cùng với các đạo luật về tổ chức, cơ bản các đạo luật khác quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện các hoạt động tố tụng mà các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiệm vụ thực hiện, như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính... Tuy nhiên, hiện một số nội dung chuyên sâu về hoạt động xét xử của tòa án đang được điều chỉnh trong dự thảo luật. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để đảm bảo tính thống nhất và tránh trùng lắp với phạm vi điều chỉnh của các luật khác.
Đại biểu Lê Quang Đạo cũng tham gia góp ý một số nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án quân sự (Điều 65 dự thảo luật); Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia (Điều 39 dự thảo luật); điều kiện bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao (Điều 97 dự thảo luật); thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt (Điều 50 dự thảo luật).
QUỐC LUÂN