Tại phiên chất vấn sáng 6/11, nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng Tài chính về thực hành tiết kiệm trong chi thường xuyên, quản lý tài sản công và nâng mức tín nhiệm của Việt Nam.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN |
Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản công
Chất vấn tại phiên họp, đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho biết cử tri ghi nhận việc thực hành tiết kiệm trong chi thường xuyên có chuyển biến tích cực, nhất là sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 74/2022/QH15 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (Nghị quyết 74).
Bên cạnh đó, cử tri còn băn khoăn việc chậm ban hành nghị định của Chính phủ để thi hành nhiệm vụ Quốc hội giao tại Nghị quyết này, cũng như việc lãng phí trong sử dụng tài sản công.
Các dự án đầu tư lãng phí được chỉ ra tại Nghị quyết 74 của Quốc hội cũng chưa rõ lộ trình, tiến độ. Các dự án đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia dù giải ngân có tiến triển nhưng chậm và chưa bền vững, chuyển nguồn còn lớn, dẫn tới tiếp tục lãng phí nguồn lực quốc gia.
Từ đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Tài chính cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng chậm cũng như nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ Quốc hội giao tại Nghị quyết 74 về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Cũng chất vấn về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho biết thực hiện Nghị quyết số 74, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53 để triển khai thực hiện nội dung Nghị quyết của Quốc hội đã được thể chế hóa thành những nhiệm vụ, công việc trọng tâm của Chính phủ với 6 giải pháp chung và 26 nhiệm vụ cụ thể.
Tuy nhiên, trên lĩnh vực này, cử tri cho rằng, hiện nay đầu tư công chưa thật sự tiết kiệm mà thậm chí còn lãng phí rất lớn.
Đại biểu đề nghị: "Bộ trưởng Tài chính cho biết suy nghĩ như thế nào về nhận định và ý kiến này của cử tri? Với trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ trên lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ trưởng có những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả, giảm tình trạng lãng phí trong đầu tư công".
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Tài chính cho biết sau khi có Nghị quyết 74 của Quốc hội, Bộ Tài chính đã lấy kiến của các bộ, ngành, tháng 3/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để thực hiện cho các năm tiếp theo.
Vì vậy, do liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp và phải lấy ý kiến của nhiều nơi cho nên cũng có phần chậm so với quy định. Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết 74 cơ bản là nâng cao về trách nhiệm của các cơ quan quản lý tài sản.
Là cơ quan tập hợp và quản lý nhà nước về tài sản công, Bộ Tài chính sẽ tăng cường công tác thanh tra và kiểm tra; đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản công để theo dõi những biến động của tài sản công, từ đó siết chặt để quản lý hiệu quả hơn.
Đề xuất sửa đổi Luật Tài sản công
Đặt vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu Dương Minh Ánh phản ánh về những vướng mắc trong quản lý tài sản công; pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính, đất đai còn chưa đầy đủ, đồng bộ.
Một số văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công ban hành vẫn còn bất cập và chậm. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Tài chính làm rõ những giải pháp để khắc phục tình trạng chậm ban hành các văn bản liên quan đến quản lý tài sản công.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện đã có Luật Quản lý Tài sản Công năm 2017. Sau khi luật được ban hành, Chính phủ đã ban hành 20 nghị định và Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 quyết định, Bộ Tài chính đã ban hành 15 thông tư hướng dẫn tài sản công.
Bộ trưởng khẳng định lĩnh vực tài sản công liên quan đến tất cả các ngành, các cấp, từ cấp xã lên đến cấp Trung ương nên phạm vi quản lý rất lớn.
Việc quản lý tài sản công thể hiện trách nhiệm của người được giao quản lý tài sản công đối với việc phát huy và sử dụng hiệu quả tài sản công. Thời gian tới, Bộ Tài chính đề xuất Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa Luật Quản lý Tài sản Công.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thừa nhận, Luật Quản lý Tài sản Công tuy mới được ban hành, nhưng đã bộc lộ một số bất cập. Chẳng hạn, luật hiện hành chưa quy định hình thức mua lại tài sản thành tài sản công.
“Như các trạm BOT do thay đổi quy hoạch nên không sử dụng được nữa thì đoạn đường đó sẽ do Nhà nước quản lý, việc mua lại của một số nhà đầu tư tư nhân thì chưa có quy định”, Bộ trưởng nói; đồng thời cho biết, Bộ Tài chính đã đề nghị Thủ tướng sửa nhiều nghị định về quản lý, sử dụng tài sản công. Một số đơn vị sự nghiệp công lập khi liên doanh, liên kết, thuê tài sản công sẽ được quy định chặt chẽ, cụ thể hơn.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, tài sản công cấp tỉnh thuộc quyền quản lý của UBND các địa phương; tài sản công thuộc cấp trung ương do Chính phủ quản lý, cơ quan tham mưu Chính phủ là Bộ Tài chính và các cơ quan trực tiếp quản lý tài sản công là các bộ, ngành. Bộ trưởng khẳng định, đa số tài sản công sau khi sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, hiện đã xử lý được khoảng 90% tài sản công, còn 10% với gần 1 nghìn tài sản công chưa được xử lý, trong đó có khoảng 500 tài sản công đang bị bỏ không, gây lãng phí.
Giữa tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chính đã hướng dẫn và có văn bản đôn đốc, đồng thời sẽ làm việc với các đơn vị liên quan để hướng dẫn thêm, xử lý các tài sản công này, đảm bảo đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.
Tín nhiệm quốc gia Việt Nam được thế giới đánh giá cao
Quan tâm về xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) cho biết, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo thuận lợi để đến năm 2030 nâng mức xếp hạng tín nhiệm lên mức đầu tư, góp phần giảm chi phí huy động vốn, giảm rủi ro tín dụng quốc gia.
Từ đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết đánh giá của các tổ chức quốc tế về xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam đến nay là như thế nào? Đâu là điểm mạnh trong hệ số tín nhiệm quốc gia, Chính phủ có giải pháp gì để cải thiện mức tín nhiệm quốc gia hướng tới mục tiêu xếp hạng đầu tư, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy khả năng huy động vốn?
Về tín nhiệm quốc gia, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua, tín nhiệm quốc gia Việt Nam được thế giới đánh giá cao. Nếu như một số quốc gia bị hạ điểm thì Việt Nam được đánh giá nâng hạng với mức “triển vọng và ổn định”, hay BB+. Điều này tạo niềm tin cho các quỹ tài chính, quỹ đầu tư đổ tiền vào nền kinh tế và thúc đẩy phát triển.
“Vừa qua, qua chuyến công tác tại Mỹ, tôi có làm việc với các tổ chức đánh giá tín dụng như S&P, Moody’s và họ đều đánh giá cao thị trường tài chính Việt Nam, tin tưởng sự năng động phát triển và khuyến nghị đầu tư vào Việt Nam.
Đặc biệt, các tổ chức này đặt ra các câu hỏi về giải quyết vấn đề nợ xấu tăng cao, nợ trái phiếu quá hạn, giải ngân đầu tư công, quan điểm về xử lý thị trường bất động sản… Họ hài lòng và tin tưởng những giải pháp đề ra của Việt Nam”, Bộ trưởng Tài chính khẳng định.
Bộ Tài chính cùng các cơ quan như Ủy ban Chứng khoán, Bộ KH&ĐT thực hiện giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo TTXVN/Vietnam+