Chủ Nhật, 24/11/2024 19:07 CH
Cùng Nhân dân nâng cao hiệu lực giám sát
Chủ Nhật, 15/10/2023 07:09 SA

Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Thị Vân Anh trao đổi với các thành viên ban giám sát đầu tư của cộng đồng tại một hội nghị tập huấn về công tác giám sát của ban này. Ảnh: THÚY HẰNG

Một trong những hình thức giám sát cơ bản của MTTQ là giám sát thông qua hoạt động của ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Trong thời gian qua, hình thức giám sát này đã được triển khai rộng rãi và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần tích cực trong thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy vai trò giám sát trực tiếp của Nhân dân.

 

Giám sát, kiến nghị xử lý ngay từ cơ sở

 

Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) là hoạt động tự nguyện của dân cư sinh sống trên địa bàn xã, phường, thị trấn nhằm theo dõi, đánh giá việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư của cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu và đơn vị thi công dự án trong quá trình đầu tư nhằm phát hiện, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các việc làm vi phạm các quy định về quản lý đầu tư. Qua đó kịp thời ngăn chặn và xử lý các việc làm sai quy định, gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước, xâm hại lợi ích của cộng đồng.

 

Là một trong những đơn vị điển hình báo cáo tham luận về kết quả 10 năm thực hiện hoạt động giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị vừa được Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức, bà Nguyễn Thị Hồng Anh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 7 cho biết: Thời gian qua, Ủy ban MTTQ phường 7 và Ban GSĐTCCĐ đã giám sát 19 cuộc với các nội dung cụ thể như giám sát việc bình xét các tiêu chí hộ nghèo, hộ cận nghèo (trong đó có 2 hồ sơ chưa đảm bảo đã kiến nghị UBND phường rà soát, bổ sung theo đúng quy định); giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm và nhắc nhở kịp thời các trường hợp chưa đảm bảo về công tác này; giám sát bê tông vỉa hè đường Lý Thường Kiệt có vốn đóng góp của người dân, qua giám sát đảm bảo được yếu tố công khai minh bạch, không có đơn thư kiến nghị; giám sát việc nuôi chim yến trên địa bàn phường, trong đó có 2 trường hợp vi phạm tiếng ồn và vệ sinh môi trường đề nghị UBND phường lập biên bản xử phạt theo quy định. Ủy ban MTTQ phường 7 và Ban GSĐTCCĐ cũng đã tham gia giám sát việc vận động, sử dụng kinh phí để sửa chữa bảo trì và bổ sung mới hệ thống camera giám sát an ninh; giám sát các công trình sửa chữa, trật tự đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn phường, trong đó có một số trường hợp vi phạm được đoàn giám sát đề nghị UBND phường xử lý…

 

“Bằng sự vào cuộc tích cực trong quá trình giám sát, hầu hết các vụ việc đều được kiến nghị giải quyết đúng luật, kịp thời, đã mang lại hiệu quả thiết thực, hạn chế sai phạm trong quá trình triển khai các công trình, dự án, tạo điều kiện để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, bà Hồng Anh nói.

 

Theo thống kê của Ủy ban MTTQ tỉnh, toàn tỉnh hiện có 195 ban GSĐTCCĐ với 1.273 thành viên. Trong 10 năm (2014-2023), các ban GSĐTCCĐ đã tổ chức giám sát 10.134 công trình, dự án. Nội dung giám sát tập trung vào việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và sử dụng các khoản đóng góp của người dân… để kịp thời kiến nghị chính quyền địa phương giải quyết, khắc phục những vấn đề còn tồn tại, hạn chế được phát hiện thông qua hoạt động giám sát. Kết quả trên đã góp phần tích cực trong thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, đấu tranh với các biểu hiện tham nhũng, lãng phí trong xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn, tạo lòng tin trong Nhân dân, giữ vững ổn định an ninh chính trị tại địa phương.

 

Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã Hòa Trị giám sát thi công đường bê tông tại một đoạn đường ở thôn Phước Khánh, xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa). Ảnh: THÚY HẰNG

 

Phát huy vai trò nòng cốt của mặt trận

 

Việc làm tốt nhiệm vụ GSĐTCCĐ không chỉ góp phần thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, mà còn đảm bảo tính công khai, minh bạch ngay từ cơ sở. Để phát huy hơn nữa vai trò giám sát thông qua ban GSĐTCCĐ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa tổ chức hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động ban GSĐTCCĐ trong giai đoạn hiện nay”.

 

Tại hội thảo, đại biểu tham dự đã tập trung đánh giá thực trạng, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong tổ chức và hoạt động của ban GSĐTCCĐ trong thực tế hiện nay tại cơ sở, đề xuất các giải pháp cơ bản nâng cao chất lượng hoạt động của ban GSĐTCCĐ.

 

Theo ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, để nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của ban GSĐTCCĐ, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách và không chuyên trách của ủy ban MTTQ cấp xã và chất lượng các thành viên của ban GSĐTCCĐ. Cán bộ mặt trận cấp xã và các thành viên ban GSĐTCCĐ cần nhận thức sâu sắc quyền và trách nhiệm trước Nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, nâng cao bản lĩnh chính trị dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 

Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động của ban GSĐTCCĐ tại địa phương, bà Nguyễn Huỳnh Kim Thoa, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Hòa Xuân Tây (TX Đông Hòa), Trưởng ban GSĐTCCĐ của phường cho biết, ban GSĐTCCĐ luôn liên hệ chặt chẽ với người dân để nắm bắt thông tin do người dân phản ánh, kịp thời báo cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết; đồng thời thông tin lại cho người dân về kết quả giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do đó, công tác lựa chọn các thành viên ban GSĐTCCĐ ở cơ sở phải đảm bảo về sự uy tín, có kinh nghiệm, am hiểu về chuyên môn và biện pháp xử lý tình huống thực tế.

 

Hoạt động của ban GSĐTCCĐ đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những vi phạm ngay từ cơ sở. Tuy nhiên, hoạt động của ban GSĐTCCĐ vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc như các thành viên ban GSĐTCCĐ hầu hết tuổi đã cao, nhiệm vụ chuyên môn đôi khi còn hạn chế; việc theo dõi, giải quyết kiến nghị sau giám sát ở nhiều nơi chưa được đôn đốc đến cùng, dẫn đến việc kiến nghị một chiều, hình thức, hiệu quả chưa cao, thậm chí không đánh giá được kết quả giám sát trong một vụ việc nhất định. “Do đó, cán bộ thực hiện hoạt động giám sát cộng đồng cần thể hiện được bản lĩnh dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tránh hiện tượng nể nang, né tránh trong quá trình giám sát”, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đề nghị.

 

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, sau hội thảo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ chỉ đạo các ban chuyên môn nghiên cứu các nội dung, xây dựng hướng dẫn, ban hành văn bản trên cơ sở những kiến nghị, đề xuất sâu sắc của các chuyên gia, các đơn vị hoạt động thực tiễn, tổng hợp thành những giải pháp cho hệ thống MTTQ các cấp trên cả nước về hoạt động GSĐTCCĐ. Qua đó phát huy được vai trò trách nhiệm của MTTQ trong việc làm nòng cốt, chỗ dựa giúp Nhân dân thực sự phát huy được quyền làm chủ.

 

Thực hiện tốt nhiệm vụ GSĐTCCĐ sẽ góp phần thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát, làm chỗ dựa vững chắc cho Nhân dân phát huy dân chủ, xây dựng và hoàn thiện cơ chế để người dân trực tiếp kiểm soát quyền lực nhà nước.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek