Thứ Hai, 07/10/2024 15:17 CH
Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII:
Ban hành luật thi hành án dân sự là đòi hỏi của thực tế khách quan
Thứ Hai, 27/10/2008 07:00 SA

Ngày 25/10, các đại biểu dự kỳ họp thứ 4 Quốc hội (QH) khóa XII thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thi hành án dân sự và dự thảo Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi).                     

 

Đa số ý kiến của đại biểu đều tán thành với những nội dung của dự thảo luật cũng như báo cáo giải trình của Ủy ban Tư pháp của QH. Nhiều đại biểu thẳng thắn đánh giá hệ thống pháp luật quy định về thi hành án (THA) của nước ta hiện còn thiếu, chưa đồng bộ, tính thống nhất chưa cao do đó nhiều vấn đề phát sinh trong thực tế trong lĩnh vực này chưa được giải quyết kịp thời. Vì thế, việc ban hành Luật THA dân sự là rất cần thiết và là đòi hỏi của thực tế khách quan. Việc ban hành luật không chỉ góp phần thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước, bảo đảm quyền và lợi ích của các cá nhân, tổ chức mà còn giúp tháo gỡ khó khăn trong công tác THA, giải quyết các vụ án tồn đọng.

 

Góp ý kiến vào quy định về tiếng nói, chữ viết dùng trong THA, có đại biểu cho rằng luật cần làm rõ quy định về tiêu chuẩn, trách nhiệm của phiên dịch, giá trị pháp lý của bản dịch... để đảm bảo quyền lợi cho người dân tộc thiểu số khi THA. Liên quan đến quy định này, có đại biểu nêu rõ, trong dự thảo luật chưa có điều nào quy định về tiêu chuẩn, chức vụ, quyền hạn của phiên dịch viên. Nếu phiên dịch sai sẽ dẫn đến thi hành bản án sai, do vậy cần thận trọng, cụ thể, đảm bảo quyền lợi của bà con dân tộc ít người, phù hợp với chính sách dân tộc của Đảng.

 

Góp ý về nội dung ngạch, tiêu chuẩn, thi tuyển, bổ nhiệm chấp hành viên (CHV), hầu hết các ý kiến thống nhất với quy định của dự thảo luật. Theo đó, CHV có 3 ngạch là sơ cấp, trung cấp và cao cấp. Việc quy định CHV có 3 ngạch là sơ cấp, trung cấp và cao cấp dựa trên tiêu chuẩn về chuyên môn, trình độ, năng lực nghiệp vụ, phẩm chất, kinh nghiệm công tác và không phụ thuộc vào cấp hành chính là hợp lý.

 

Một nội dung khác cũng được nhiều đại biểu cho ý kiến là thời hiệu THA nên quy định 5 năm hay là 3 năm như trước. Ý kiến của các đại biểu chưa thống nhất trong nội dung này. Có đại biểu đề nghị chỉ nên để thời hiệu THA 3 năm, nhưng cũng có đại biểu ý kiến là nên để 5 năm nhằm đảm bảo quyền lợi của đương sự, giúp cơ quan chức năng chọn thời điểm thích hợp để thi hành bản án, hạn chế được án tồn đọng...

 

Chiều cùng ngày, QH đã tiến hành phiên họp riêng, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi).

 

 KHƯƠNG NGUYÊN (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek