Thứ Hai, 07/10/2024 19:36 CH
Dự kiến thông qua 25 Dự án luật trong năm 2009
Thứ Tư, 22/10/2008 16:43 CH

Sáng nay (22/10), dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe các tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các ủy ban của Quốc hội về các dự án Luật quy hoạch đô thị và Luật quản lý nợ khu vực công; nghe các tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2009.

 

Tờ trình của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trình bày đã chỉ ra những yếu tố cần thiết đòi hỏi phải ban hành Luật Quy hoạch đô thị đó là: Việc quản lý, sử dụng đất đai trong đô thị còn nhiều lãng phí; Tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị chậm được cải thiện. Các vấn đề về nhà ở, giao thông đô thị đang gây nhiều bức xúc; Kiến trúc đô thị còn chắp vá, thiếu bản sắc; Công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch còn nhiều bất cập. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng tán thành với Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật quy hoạch đô thị và tên gọi của dự thảo Luật là Luật quy hoạch đô thị vì quy hoạch đô thị là việc tổ chức không gian đô thị, bao gồm cả hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị, trong đó, có cả việc quy hoạch, quản lý về không gian, kiến trúc gồm không gian có công trình xây dựng và không gian không có công trình xây dựng chứ không chỉ đơn thuần là xây dựng đô thị.

 

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật quản lý nợ công do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày cho thấy, thời gian qua, công tác quản lý nợ đã dần đi vào nền nếp, góp phần ổn định và phát triển kinh tế đất nước. Dự thảo Luật Quản lý nợ công bao gồm 8 Chương, 55 Điều, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý ổn định, đồng bộ, thống nhất, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nợ; tạo căn cứ nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chức năng quản lý; đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thay mặt Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật này, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển tán thành về sự cần thiết phải ban hành Luật quản lý nợ công. Về cơ bản, nội dung của Dự thảo luật đã thể hiện tương đối bao quát các vấn đề hiện đang được quy định tại văn bản dưới luật; nhiều nội dung được quy định theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, với yêu cầu đặt ra đối với việc ban hành luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng Dự thảo luật chưa bảo đảm tính cụ thể, nhiều vấn đề chỉ được thể hiện dưới dạng nguyên tắc chung, không quy định rõ những nội dung cần điều tiết. Ngoài ra, một số nội dung trong dự thảo luật chưa thể hiện tính đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan: Về chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan; Về trình tự ký kết và phê duyệt các thỏa thuận vay nợ.

 

Theo Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, năm 2009, sẽ trình Quốc hội thông qua có 25 Dự án Luật, gồm: Luật quản lý nợ công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thanh tra; Luật lý lịch tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự; Luật bồi thường nhà nước; Luật các vùng biển Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện ảnh; Luật quy hoạch đô thị (bao gồm cả quản lý hạ tầng đô thị); Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật nhà ở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ; Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (bao gồm cả vấn đề lãnh sự); Luật cơ yếu; Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật thuế tài nguyên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản; Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật trọng tài thương mại; Luật báo chí (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa; Luật giáo viên; Luật khám bệnh, chữa bệnh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục; Luật viễn thông; Luật tần số vô tuyến điện; Luật dân quân tự vệ.

 

Căn cứ vào đặc điểm tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2009; trên cơ sở xem xét tình hình kinh tế - xã hội và ý kiến đề nghị của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; ngoài những nội dung giám sát thường xuyên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, lựa chọn 2 trong số 3 nội dung sau để đưa vào chương trình giám sát của Quốc hội năm 2009: Chương trình giáo dục phổ thông và việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa; Việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm.

P.V.(tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek