Thứ Ba, 08/10/2024 05:29 SA
Những năm tháng ở nhà lao Phú Nhuận
Thứ Sáu, 17/10/2008 07:30 SA

Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, ngụy quyền huyện Tuy An ráo riết xây dựng nhà lao Phú Nhuận tại vùng 7 xã An Ninh giữa đồng ruộng, cách quốc lộ 1A khoảng 15 cây số, gần bờ biển để dễ tra tấn sát hại tù nhân tránh sự giám sát, kiểm soát của Ủy ban kiểm soát và giám sát quốc tế. Nhà lao Phú Nhuận xây dựng trên khoảng đất rộng 100m2, vách đất, mái tol dễ lầm tưởng là nơi nhốt bò, hoặc trại chăn nuôi gà. Nhưng đó là một nhà tù khét tiếng của Mỹ ngụy.

 

Nhà lao Phú Nhuận do tên Lê Cường, Trung đội trưởng hương dũng làm giám thị, Nguyễn Đạo, Nguyễn Bá Tạo làm giám thị phó, có một trung đội hương dũng canh gác. Huỳnh Kim Anh, Lê Văn Lang là những kẻ ác ôn tàn bạo, khát máu, vừa mang bản chất lưu manh, vừa hận thù giai cấp. Chúng sử dụng những cực hình, những đòn tra tấn man rợ trút xuống người cộng sản và quần chúng kháng chiến yêu nước. Tên ác ôn Huỳnh Kim Anh từng nói khoác lác, Kim Anh còn sống thì không còn một mống cộng sản, ngày nào Kim Anh không tra tấn thì ăn cơm không ngon, chừng nào mặt trời mọc hướng Tây thì Kim Anh hết chống cộng. Tên Anh, tên Lang như con thú dữ vồ mồi trong khi vấn cung, chúng thay nhau tra tấn tù nhân liên tục ngày đêm.

 

Không sao quên được một đêm tối trời, chúng kêu anh Cưu ra thẩm vấn, đến một giờ sáng người anh đẫm máu, mặt mày bầm tím sưng húp, gãy 3 cái xương sườn, một tiếng đồng hồ sau anh Cưu mửa ra máu rồi tắt thở.

 

Chúng đánh anh Cương, chủ tịch Ủy ban khánh chiến xã An Dân nặng đến mức anh về nhà mang bệnh 3 tháng rồi chết; đánh anh Hồ Can xã An Lĩnh, anh Côn xã An Xuân gần chết rồi đưa hai anh lên nhà lao chợ Đèo giam, tối đưa ra sau núi Hòn Đình bắn chết rồi hô hoán 2 người này vượt ngục nên bị bắn chết.

 

Anh Phan Kẽm ở xã An Mỹ (cán bộ kho thóc của huyện Tuy An trong kháng chiến chống Pháp) bị kẻ thù thủ tiêu bí mật bỏ vào rọ sắt bỏ xuống biển.

 

Anh Phạm La ở xã An Ninh, anh Triệu Chính Đức ở xã An Mỹ bị địch thẩm vấn tra tấn đủ kiểu, liên tục ngày đêm, anh ngất xỉu chết đi sống lại. Đồng chí đồng đội cảm phục 2 anh có sức chịu đựng đến kỳ lạ, mình mẩy, mặt mũi máu me sưng húp, tay không nắm được, chân bước đi lảo đảo, mình mẩy bầm tím cả người như trái mồng tơi, nhưng 2 anh chẳng hề rền la bao giờ. Sự hy sinh anh dũng của anh Cưu, anh Can, anh Côn, anh Cương, anh Kẽm và tinh thần đấu tranh, ý chí cách mạng kiên cường bất khuất của anh La, anh Đức và nhiều đồng chí khác đã làm cho bọn đầu trâu, mặt ngựa phải kính nể, khâm phục và khiếp sợ. Nhiều anh chị em tù bị địch đánh đập khi về nhà mang thương tật suốt đời. Sự tàn ác, dã man của kẻ thù không sao kể xiết. Địch hèn hạ trả thù đối với người cộng sản và những người kháng chiến yêu nước, bằng nhục hình man rợ thời trung cổ cùng với hình thức tra tấn hiện đại để hành hạ đọa đầy, tàn nhẫn độc ác với người tù. Biết bao người đã hy sinh không tiếc thân mình, quyết không khai báo. Giữa cái sống, cái chết, họ tiếp tục vững vàng đi tới. Họ có lòng tin mãnh liệt vào con đường mình đang chiến đấu vì độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc.

 

Sau khi ngụy quyền huyện Tuy An chuyển tù nhân từ nhà thờ Mằng Lăng xuống nhà lao Phú Nhuận, đồng chí Hồ Tạo đề nghị một số đồng chí đảng viên lập chi bộ Đảng nhà lao, để lãnh đạo anh em trong tù đoàn kết giúp đỡ nhau, giữ vững ý chí không đầu hàng, không khai báo, liên hệ bên ngoài nắm tình hình để thông tin lại cho tù nhân. Đấu tranh đòi giám thị nhà lao cải thiện ăn, ở, vệ sinh, có giường nằm, bệnh nhân ốm đau phải có thầy thuốc chăm sóc, trường hợp nặng đưa bệnh nhân đi điều trị ở bệnh viện. Cấp ủy chi bộ gồm có Nguyễn Coi, Nguyễn Thành, đồng chí Hồ Tạo làm bí thư.

 

Trong lúc Ủy ban kiểm soát và giám sát quốc tế đến điều tra vụ Mỹ Diệm tàn sát đẫm máu đồng bào ở Ngân Sơn, Chí Thạnh, ngụy quyền huyện Tuy An lo sợ nhân dân và cán bộ ta tố cáo những vi phạm hiệp định và những tội ác của chúng. Theo lệnh cấp trên, đầu tháng 4/1955 ngụy quyền huyện Tuy An triệu tập bọn hội đồng hương chính (HĐHC) các xã ra tại nhà lao Phú Nhuận nhận tù nhân về địa phương và giao cho HĐHC quản thúc với những âm mưu thâm độc tàn ác là tìm mọi cách lén lút thủ tiêu bí mật từng người càng sớm càng tốt. Tôi bị giam 7 tháng tù nước không đủ tắm, giặt, mình mẩy đầy nhọt, đêm không ngủ, ăn không ngon, người gầy còm.

 

Từ nhà lao Phú Nhuận, tôi về thôn Phú Thường; các anh Lê Duy Hinh, Trần Thấy, Phạm Tú về thôn Phú Hòa; Nguyễn Coi về thôn Giai Sơn, anh Triệu Chính Đức về thôn Phú Long, anh Hồ Trót, Thái Đức về thôn Hòa Đa.

 

Tại Quy Nhơn, được tin chúng tôi ra tù, đồng chí Trần Xứng, Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy đang lo sắp xếp việc chuyển quân và cán bộ Phú Yên đi tập kết. Đồng chí viết thư cho chúng tôi do đồng chí Nguyễn Đức (đảng viên ở Phú Thường) mang về theo đường biển. Bức thư với nội dung: “Các anh Hinh, Thấy, Coi, Phục, Ái tìm mọi cách ra Quy Nhơn đi tập kết, đây là vấn đề quan trọng, bảo đảm tuyệt đối bí mật”.

 

Nhận được thư, tôi tổ chức liên lạc hợp pháp đi thông báo trực tiếp cho từng anh biết. Bà Nguyễn Thị Mương đi Giai Sơn và Phú Long tiếp cận anh Nguyễn Coi, Triệu Chính Đức. Anh Lê Ưng đi Phú Hòa tiếp cận anh Hinh và anh Thấy, bà Nguyễn Thị Khe đi An Hòa tiếp cận anh Phục. Quy định địa điểm ẩn náu là núi Cấm thôn Phú Thường, nơi liên lạc là giếng nước, cây xoài to dưới chân núi Cấm, có người đàn ông chăn bò tiếp đón, mật khẩu là “lửa + nước”. Phân công đồng chí Thành, anh Mừng, anh Nữa lo công tác bảo vệ, nắm tình hình địch, cơm nước suốt thời gian nằm chờ. Đồng chí Đức, đồng chí Cang liên hệ cho được ghe Bình Định vào Phú Thường lấy bông vải Hòa Đa để gửi chúng tôi ra Quy Nhơn. Nằm chờ 3 hôm, gặp cây lụt lớn ghe Bình Định không vào được. Các anh sốt ruột quá quay về địa phương còn tôi ở lại quê vợ là xóm Bầu Bèo thôn Phú Thường để dễ liên lạc với Quy Nhơn theo đường biển. Đêm 18/4/1955, trời đen kịt, tên Ngô Lụa trong HĐHC xã An Mỹ cùng một tổ dân vệ xông vào nhà hỏi thằng Ái đâu? Mẹ tôi (bà Nguyễn Thị Khe) nhanh trí thấy điều không lành bà bảo là thằng Ái về Phú Long để trình diện HĐHC rồi. Tôi không nghĩ bà nhanh nhẹn và thông minh đến thế. Trong lúc ấy tôi cảnh giác tránh lánh phía sau nhà. Đây là tội ác lén lút thủ tiêu bí mật như chúng đã làm ở xã An Chấn thủ tiêu đồng chí Nguyễn Khắc Minh, đồng chí Cao Phi Thừa...

 

Sau gần một tuần lễ trời yên biển lặng, ghe ông Cống, ông Phúng ở Bình Định vào Phú Thường mua bông vải ở Hòa Đa. Để chủ động, anh Đức, anh Cang liên lạc trao đổi bàn bạc hai ông (ông Cống và ông Phúng đồng ý sẵn sàng giúp đỡ chở chúng tôi ra Bình Định). Ngày 29/4/1955, tôi bí mật cho liên lạc đưa tin các anh xuống gấp để đi nhưng các anh không đi, chết sống gì cũng ở lại địa phương thôi. Nghe tin ấy tôi bàng hoàng, do dự, chần chừ, lưỡng lự suy nghĩ miên man. Đi hay ở? Lợi, hại giữa đi và ở? Tôi ôm đứa con gái Xuân Định mới hơn một tuổi vào lòng, nước mắt tuôn trào. Đêm về khuya, đồng chí Cang, đồng chí Đức, đồng chí Thành và cả gia đình đều khuyên phải đi. Vợ tôi nói: Anh cứ yên tâm ra đi, em ở nhà trông nom dạy dỗ con khôn lớn. Tôi chuẩn bị hành trang quyết tâm đi. Cả nhà cha, mẹ vợ, hai em Cúc, Chi quây quần quanh tôi bịn rịn nhìn nhau tiễn biệt và hẹn ngày tái ngộ. 23 giờ đêm 30/4/1955, đồng chí Cang, đồng chí Đức, đồng chí Thành tiễn tôi ra tận ghe ông Cống. Ngày 1/5/1955, ghe mới nhổ neo chạy ra hướng Bắc, tôi ngậm ngùi mắt đăm đăm nhìn vào đất liền. Một ngày lênh đênh trên biển cả đến 16 giờ cùng ngày, ghe mới cập bến Quy Nhơn và tôi được thợ bạn của ông Cống đưa vào thị xã Quy Nhơn. Tôi hỏi thăm tìm chỗ ở làm việc của Tỉnh ủy Phú Yên. Ghe cập bến Quy Nhơn, tôi vui sướng thoát khỏi nanh vuốt của kẻ thù, lòng kính trọng và biết ơn vô hạn ông Cống, ông Phúng và các thợ bạn của ông ta.

 

Tối hôm ấy (1/5/1955) tôi báo cáo với đồng chí Trần Xứng vài nét tình hình của địch xã An Mỹ và lý do vì sao một số đồng chí không đi tập kết. Ngày 16/5/1955, chiếc tàu Ba Lan nhổ neo và cũng là chuyến tàu cuối cùng đưa chúng tôi tập kết ra Bắc, cập bến Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

                                               

NGUYỄN HỮU ÁI

(Nguyên ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek