Thứ Hai, 25/11/2024 18:35 CH
Thượng tướng Hoàng Cầm và chiến tích Điện Biên Phủ hào hùng
Chủ Nhật, 07/05/2023 07:00 SA

Từ người lính trở thành thượng tướng - Tổng Thanh tra quân đội, bước chân Hoàng Cầm đã trải khắp chiến trường Đông Dương mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ, Sài Gòn - Gia Định với Chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến vào Phnôm Pênh giải phóng nước bạn Campuchia thoát nạn diệt chủng và giữ yên bờ cõi nước bạn Lào. Ông là một trong những hình ảnh tiêu biểu nhất của người lính và tướng lĩnh Việt Nam đương đại.

 

 

Thượng tướng Hoàng Cầm (1920-2013). Ảnh tư liệu

Thoát ra từ bước đường cùng mồ côi bất hạnh

 

Thượng tướng Hoàng Cầm tên thật là Đỗ Văn Cầm, thường được gọi thân mật Năm Thạch, sinh ngày 30/4/1920 trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Vĩnh Thượng, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây, nay thuộc TP Hà Nội. Mẹ mất năm ông lên 4 tuổi. Bố con phải đi làm thuê gánh mướn kiếm sống. Nhưng rồi bọn nhà giàu muốn cướp mảnh đất nhỏ nhoi mà ông bà để lại, nên đã vu oan cho người bố bán rượu lậu để chính quyền bắt đi tù.

 

Ra khỏi nhà tù, bố của Hoàng Cầm phải bán nhà được 20 đồng và bán cô con gái lấy 20 đồng để nộp phạt. Từ đó gia đình không còn tấc đất để ở, lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. “Quẫn chí, bố tôi tự tử khi tôi mới 12 tuổi. Nhưng gia đình phải giữ kín chờ đêm khuya bó chiếu đưa ra xa chôn cất, vì nếu khai báo bọn hào lý trong làng kiếm cớ gây sách nhiễu phiền hà, có khi để thối mới được chôn nếu không có tiền lo lót”, Hoàng Cầm bồi hồi nhớ lại.

 

Nhà có bốn anh em, do hoàn cảnh như vậy, mỗi người phân tán lưu lạc một nơi. Hoàng Cầm đi ở mướn cho người ta tới 5 năm, dưới hình thức con nuôi, nhưng cách đối xử và công việc chẳng khác đứa ở. Khi làm mộ táng cho cha mẹ, họ đưa cho Hoàng Cầm 3 đồng tiền Đông Dương, nhưng đến khi ông bỏ đi thì họ đòi lại. Hoàng Cầm lang thang ở nhờ hết nhà này sang nhà khác để kiếm cái ăn cái mặc.

 

Đến năm 20 tuổi, Hoàng Cầm quyết bỏ làng ra đi, giang hồ lưu lạc từ Hà Đông lên Hà Nội với nhiều nghề lặt vặt, ai thuê gì làm nấy, miễn có cơm ăn. Ngày lang thang trên phố tìm việc. Tối ngủ lề đường xó chợ. Hai tháng sau, giữa cơn túng quẫn, ông tính trở về quê thì được tin chủ thầu người Pháp mộ phu làm đường từ Vinh sang Lào, liền ghi tên và đi làm. Nhưng sự đói rét, công việc nặng nhọc của người phu làm đường giữa chốn rừng thiêng nước độc dẫn đến bệnh tật quật ngã Hoàng Cầm, buộc ông phải quay về cố hương.

 

Không nhà cửa. Không tiền bạc. Không nơi nương tựa. Cuộc sống vô gia cư của anh nhà quê không đồng dính túi buộc Hoàng Cầm phải đi lính khố xanh cho Pháp, đóng quân tận biên giới phía Bắc. Hai năm trấn ải ở Lai Châu với nhiều cam go, khi chuyển về Hà Nội thì Hoàng Cầm bỏ lính. Nhật đảo chính Pháp, được cán bộ Việt Minh tuyên truyền, ông bí mật tham gia hoạt động cách mạng, chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Cách mạng như tia sáng giúp Hoàng Cầm bước ra khỏi bóng đen nô lệ, thoát gió bụi giang hồ lưu lạc.

 

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hoàng Cầm gia nhập Cứu quốc quân, Vệ quốc đoàn, Giải phóng quân tham gia mặt trận Sơn La năm 1947 đánh nhau với quân Pháp. Lúc ấy Hoàng Cầm vẫn nghĩ chỉ tham gia quân đội một thời gian rồi quay về quê kiếm vốn buôn bán làm ăn. Ông không nghĩ mình sẽ gắn bó lâu dài với binh nghiệp. Nhưng suy nghĩ ấy dần thay đổi…

 

Sinh thời, trò chuyện với chúng tôi, tướng Hoàng Cầm nói rằng lớp thanh niên của ông là lớp thanh niên mất nước, được giác ngộ tinh thần dân tộc, đánh đổ thực dân, cứu nước, sống rất bình dị và trong sáng, sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng. Sau này, họ mới được giác ngộ giai cấp, kết nạp vào Đảng. Từ khi Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho đến cuối năm 1947, họ đánh giặc chủ yếu từ vũ khí cướp được của giặc. Ăn uống thì dựa vào Nhân dân. Chỉ đến năm 1948 trở đi thì quân ta mới có chế độ về khí tài, lương thực thực phẩm, quân trang quân dụng… Trong đội quân hỗn hợp ấy, những chiến sĩ xuất thân từ nông dân đã trưởng thành. Chính vào thời gian này, bí danh Hoàng Cầm xuất hiện; giống như những người cùng thế hệ đã lấy họ Hoàng: Hoàng Điền, Hoàng Đan, Hoàng Phương, Hoàng Sâm, Hoàng Tùng, Hoàng Minh Thảo, Hoàng Thế Thiện, Hoàng Kiên…

 

 

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Di tích hầm chỉ huy của tướng De Castries. Ảnh: PHAN HOÀNG

 

 

Chớp thời cơ trước giờ tổng công kích và bắt sống tướng De Castries

 

Chiến dịch Biên giới thu đông năm 1950 kết thúc thắng lợi. Quân ta phá vòng vây quân Pháp đối với chiến khu Việt Bắc, khai thông biên giới Việt - Trung. Nhờ lập chiến công, vị chỉ huy trẻ Hoàng Cầm được cử làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209 - Sông Lô thuộc Đại đoàn 312 do tướng Lê Trọng Tấn làm Đại đoàn trưởng, tiếp tục chiến đấu trên chiến trường Bắc Bộ.

 

Mùa xuân 1954, nhằm chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 209 nhanh chóng hành quân về Tây Bắc. Khi đợt 1 chiến dịch mở màn, Hoàng Cầm được giao nhiệm vụ chỉ huy Trung đoàn 209 phối hợp với Trung đoàn 142 san bằng trung tâm phòng ngự kiên cố bậc nhất của quân Pháp ở cụm 3 cứ điểm Him Lam vào đêm 13/3/1954, góp phần mở thông cánh cửa vào trung tâm tập đoàn cứ điểm từ phía bắc và đông bắc, uy hiếp sân bay Mường Thanh. Thất thủ, đại tá Pirot chỉ huy pháo binh Pháp đã dùng lựu đạn tự sát.

 

Bước vào đợt 2 chiến dịch, Trung đoàn 209 của Hoàng Cầm đánh chiếm cụm đồi D1, D2, D3, đến ngày 1/5 tiếp tục đánh chiếm khu vực bàn đạp, mở đầu cho đợt tiến công thứ 3 của chiến dịch. Trên đường tiến quân, Trung đoàn 209 bẻ gãy nhiều cuộc phản kích của địch tái chiếm các cứ điểm, nhưng cũng bị nhiều tổn thất về số chiến sĩ hy sinh hay phải rời khỏi vòng chiến đấu. Khó khăn nhất là đêm 6/5, Tiểu đoàn 130 đã không thể đánh chiếm điểm cao 507 để phối hợp cùng đơn vị bạn đánh đồi A1, C2 vì không kiềm chế nổi hỏa lực quá mạnh của địch để quân ta xung phong. Hơn nữa, việc tổ chức theo dõi địch của ban chỉ huy trung đoàn chưa sâu sát, làm nảy sinh một số trở ngại. Nhưng Trung đoàn trưởng Hoàng Cầm cùng ban chỉ huy sớm khắc phục, chấn chỉnh bộ đội và thuyết phục cấp trên cho tấn công tiếp.

 

Vào sáng 7/5, Trung đoàn trưởng Hoàng Cầm gọi điện cho Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn, sau đó gọi tiếp lên Chỉ huy trưởng mặt trận Võ Nguyên Giáp xin cho đánh tiếp, nhưng không được đồng ý, vì phải chờ lệnh tổng công kích.

 

Tuy nhiên, biết bao giờ mới có lệnh tổng công kích, trong khi hướng của Trung đoàn 209 đang có thời cơ tốt? Được sự nhất trí của cả ban chỉ huy trung đoàn, Hoàng Cầm điện lên Sở Chỉ huy đại đoàn gặp Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn để thuyết phục. Ông Tấn đồng ý nhưng còn phải xin ý kiến tướng Giáp. Sau những giây phút chờ đợi căng thẳng, Hoàng Cầm nghe tiếng ông Tấn qua điện thoại: “Bộ chỉ huy mặt trận chuẩn y giờ nổ súng của trung đoàn, nhưng nhấn mạnh cần phải chuẩn bị cho tốt, không được bỏ qua một công việc nhỏ nào có liên quan đến đảm bảo chắc thắng”. Ông Lê Trọng Tấn còn cho biết sẽ chi viện thêm 5 khẩu pháo cho trung đoàn. Hoàng Cầm phấn khởi hứa với Đại đoàn trưởng: “Báo cáo anh, có điều kiện chúng tôi phát triển qua sông Nậm Rốm, áp sát sở chỉ huy của địch ở trung tâm Mường Thanh”.

 

Và giữ đúng lời hứa với cấp trên, Hoàng Cầm đã chỉ huy trung đoàn đánh chiếm điểm cao 507, tiếp đến tiêu diệt 508, 509, đồng thời lệnh cho Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật chỉ huy Đại đội 360 vượt cầu phao chặn đường rút quân của địch cũng như chặn chi viện từ trung tâm Mường Thanh ra. Lúc này đã về chiều nhưng trời nắng nóng, Hoàng Cầm chỉ mặc độc chiếc áo lót chỉ huy tấn công vào “đầu não” của địch ở Mường Thanh.

 

Nghe tin bắt được một tên địch điều khiển khẩu đại liên 4 nòng và hắn khai báo hầm De Castries cách đó trên 200m, Hoàng Cầm ra lệnh cho Tạ Quốc Luật dẫn một tiểu đội vượt lên ngay để bắt sống bằng được viên tướng chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chỉ vài phút sau, tướng De Castries phất cờ trắng đầu hàng, toàn bộ ban tham mưu địch hai tay giơ khỏi đầu theo hai hàng dọc thất thần bước ra khỏi hầm. Vui mừng trước tin Tạ Quốc Luật báo về, Hoàng Cầm ra lệnh giải ngay De Castries về ban chỉ huy trung đoàn để ông trực tiếp hỏi cung. Chiến sĩ Nguyễn Văn Minh dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật đã cắm lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” lên nóc hầm chỉ huy của tướng De Castries. Thời khắc lịch sử đáng nhớ ấy là 17 giờ ngày 7/5/1954.

 

Sau 55 ngày đêm anh dũng chiến đấu, dưới sự chỉ huy tài tình của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ mà đứng đầu là Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, quân dân ta đã làm nên chiến thắng vĩ đại, gây chấn động thế giới. Hơn 16.000 quân viễn chinh Pháp bị tiêu diệt và bắt sống.

 

Ngay sau đó, vị chỉ huy trẻ Hoàng Cầm vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp cử làm Trưởng đoàn Chiến sĩ thi đua Mặt trận Điện Biên Phủ về báo tin thắng lợi với Trung ương và Hồ Chủ tịch. Hoàng Cầm lên ngựa cùng chiến lợi phẩm mang theo gồm một lá cờ Pháp đã rách, các thứ huân chương, lon thiếu tướng và máy thu thanh nhỏ của viên bại tướng De Castries. Tiếng vó ngựa chiến thắng phi nước kiệu hùng dũng ngân vang núi rừng Việt Bắc.

 

 

 

PHAN HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek