Thứ Bảy, 28/09/2024 16:35 CH
55 năm ngày giỗ trận Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 10 (Ngô Quyền): Khắc sâu lòng biết ơn các anh hùng, liệt sĩ
Thứ Tư, 05/04/2023 07:00 SA

Các đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Thị Thu Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Anh hùng LLVT Đặng Phi Thưởng cùng các đại biểu thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ Tiểu đoàn 11 đã hy sinh tại thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng. Ảnh: BÁ THUYẾT

Sáng sớm 4/4, các đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Thị Thu Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Anh hùng LLVT Đặng Phi Thưởng cùng đại diện lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh, Hội CCB tỉnh, lãnh đạo huyện Phú Hòa, cán bộ, Nhân dân xã Hòa Thắng cùng các CCB và thân nhân liệt sĩ từ khắp mọi miền Tổ quốc đã có mặt tại Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở thôn Mỹ Thành, cùng dâng hương tưởng nhớ nhân 55 năm ngày giỗ trận Tiểu đoàn 11.

 

Cách đây 55 năm (ngày 4-6/4/1968), 167 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 11 thuộc Trung đoàn 10 (Ngô Quyền) đã anh dũng chiến đấu, hy sinh tại thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng (huyện Tuy Hòa 2, nay là huyện Phú Hòa). Ngày 4/4 hàng năm trở thành ngày giỗ trận của Tiểu đoàn 11. Trong các trận chiến đấu chống quân xâm lược Mỹ trên chiến trường Phú Yên từ năm 1965-1968, hơn 1.700 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 10 (Ngô Quyền) đã hy sinh trên mảnh đất này.

 

Anh dũng chiến đấu

 

Trận chiến đấu của Tiểu đoàn 11 tại thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng đầu tháng 4/1968 là cuộc đối đầu không cân sức giữa một bên là Tiểu đoàn 11, bên kia là kẻ địch với sự tập trung của Lữ đoàn dù 173 Mỹ, Trung đoàn 28 thuộc sư Bạch Mã của Nam Triều Tiên và Trung đoàn 47 ngụy có sự chi viện đắc lực của máy bay, pháo binh. Trong cuộc chiến giằng co giữa ta và địch từ đêm 4/4 đến hết ngày 6/4/1968, bộ đội ta đã anh dũng chống chọi, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên lính, bắn cháy nhiều xe tăng, máy bay và đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch.

 

Đêm 6/4, rạng sáng 7/4, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 11 hy sinh và bị thương nặng gần hết, số ít tìm cách mở đường máu thoát về căn cứ tại Sơn Hòa. Tiểu đoàn 11 vào trận có hơn 200 cán bộ chiến sĩ, khi về căn cứ chỉ 24 anh em, số còn lại đã anh dũng hy sinh tại Mỹ Thành, 4 người thì bị địch bắt.

 

Đã 55 năm trôi qua nhưng một phần máu thịt của cán bộ, chiến sĩ hy sinh vẫn còn nằm lại nơi này. Nhiều hài cốt của các anh hùng liệt sĩ khác chưa thể quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ, về với gia đình, đồng đội, để lại nỗi day dứt khôn nguôi nơi những người còn sống. Những ngày này hàng năm, cựu chiến binh (CCB) và thân nhân liệt sĩ từ các tỉnh, thành phố trong cả nước trở về chiến trường xưa thắp nén hương cho những đồng đội kém may mắn đang nằm lại nơi này.

 

Bày tỏ lòng biết ơn

 

CCB Nguyễn Thế Truyền là chiến sĩ Trung đoàn Ngô Quyền chiến đấu ở Phú Yên từ năm 1965 đến ngày giải phóng. Năm nay, CCB này đã hơn 80 tuổi nhưng ông vẫn đưa vợ con đến dâng hương. Ông rưng rưng đọc bài thơ viếng đồng đội trong ngày giỗ trận: “… Ôi! Miền quê mảnh đất kiên trung/ Trọn nghĩa vẹn tình/ Ôm ấp chở che 1.700 hồn cốt/ Những người con, những người lính Trung đoàn/ Để mãi mãi nơi này đẹp mãi sắc cờ hoa…”.

 

CCB Phạm Trung Mạo, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 11, là người trực tiếp tham gia trận chiến tại Mỹ Thành 55 năm về trước, đã tổ chức mở đường máu đưa được nhiều đồng đội thoát về căn cứ, cũng là người đưa ra ý tưởng, đóng góp nhiều công của để xây dựng nhà bia tưởng niệm ở Mỹ Thành. Ba lần đưa vợ con và cháu đến thăm Phú Yên, ông nghẹn ngào nói: “Trở về chiến trường xưa trong dịp giỗ trận, mỗi CCB đều mang trong mình những cảm xúc khác nhau. Ngoài nỗi nhớ thương những người đã nằm xuống, mình còn được gặp đồng đội cũ để cùng ôn lại kỷ niệm về những trận chiến đấu oanh liệt, để cảm ơn người dân Phú Yên, một thời chúng tôi sống trong lòng dân, chiến đấu vì dân…”.

 

Đại tá Lưu Công Thục, nguyên Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 13 trong chiến tranh, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 10, là người đã có công tìm kiếm, quy tập hàng trăm hài cốt liệt sĩ, kết nối thông tin liệt sĩ với hàng ngàn thân nhân gia đình, tham gia xây dựng 3 công trình bia tưởng niệm tập thể liệt sĩ được công nhận là công trình văn hóa lịch sử cấp tỉnh. Ông chia sẻ: “Tôi còn nặng nợ với anh em, đồng đội lắm. Thật khó lòng hiểu hết tình cảm của người lính chúng tôi dành cho nhau giữa chiến trường”.

 

Ông Quách Tá Khang (SN 1964), con trai của liệt sĩ Quách Tá Ngọc, Phó Tiểu đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 11 hy sinh trong trận đánh tại thôn Mỹ Thành, xúc động nói: “Cha tôi và đồng đội đã nằm xuống tại mảnh đất này, không riêng gia đình tôi, đây còn là nỗi thương đau chung của nhiều thân nhân liệt sĩ khác. Song, đó cũng là niềm tự hào của chúng tôi, vì cha tôi và các đồng đội đã hy sinh đầy ý nghĩa, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng, để cả dân tộc có cuộc sống hòa bình hôm nay”.

 

Bày tỏ lòng biết ơn các thế hệ cha ông, những CBB Trung đoàn Ngô Quyền đã dành cho Phú Yên tình cảm sâu nặng, tốt đẹp, đồng chí Cao Thị Hòa An mong muốn thế hệ trẻ hôm nay và mai sau viết tiếp truyền thống của cha anh đi trước; bảo vệ, xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp hơn, xứng đáng với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ.

 

NGUYỄN BÁ THUYẾT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek