Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào Sonexay Siphandone, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) lần thứ 4 tại Vientiane, CHDCND Lào, vào ngày 5/4.
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Lào đã phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Lào, ông Nguyễn Bá Hùng, về ý nghĩa, tầm quan trọng của hội nghị, những đóng góp nổi bật của Việt Nam cũng như ý nghĩa của việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự hội nghị.
* Đại sứ đánh giá như thế nào về ý nghĩa, tầm quan trọng của Hội nghị cấp cao MRC lần thứ 4 trong bối cảnh sông Mekong đang gặp nhiều thách thức như hiện nay?
- Có thể khẳng định, trải qua gần 30 năm hình thành và phát triển, hợp tác trong khuôn khổ MRC đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển ở các nước thành viên và với 2 nước thượng nguồn là Trung Quốc, Myanmar và nhiều đối tác quốc tế khác. Tuy nhiên, hợp tác Mekong nói chung và vai trò của MRC đang đứng trước nhiều thách thức, cả do nguyên nhân chủ quan, khách quan.
Do vậy, Hội nghị cấp cao MRC lần thứ 4 tổ chức tại thủ đô Vientiane, CHDCND Lào, lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây sẽ là dịp tốt để các nước thành viên và đối tác trao đổi, hướng tới mục tiêu hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong việc sử dụng, phát triển, bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan một cách bền vững, vì lợi ích chung của các quốc gia thành viên, cũng như phúc lợi của người dân trong lưu vực sông Mekong; thúc đẩy thực hiện cam kết chính trị cao nhất của 4 quốc gia thành viên trong việc tăng cường thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong năm 1995 và chức năng của ủy hội; phân tích, đánh giá về các thách thức và cơ hội liên quan đến nguồn nước, bao gồm các vấn đề phát triển bền vững và quản lý môi trường lưu vực, đồng thời, đề ra phương hướng phát triển, quản lý lưu vực và thống nhất các thỏa thuận/kế hoạch triển khai Chiến lược Phát triển Lưu vực sông Mekong giai đoạn 2021-2030.
* Đại sứ đánh giá như thế nào về mục đích, ý nghĩa của chuyến thăm dự hội nghị lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính?
- MRC là cơ chế hợp tác với sự tham gia của 4 quốc gia thành viên (gồm Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan) và 2 quốc gia thượng lưu sông Mekong là đối tác đối thoại (Trung Quốc, Myanmar) được lập ra nhằm thúc đẩy hợp tác toàn diện để xây dựng cộng đồng trách nhiệm và lợi ích chung ở tiểu vùng. Việt Nam đã tham gia tích cực vào diễn đàn MRC ngay từ quá trình thành lập và có nhiều đóng góp về nội dung, lĩnh vực hợp tác.
Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao MRC lần thứ 4 tại thủ đô Vientiane ngày 5/4 tiếp tục thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với cơ chế này; khẳng định vai trò và trách nhiệm của Việt Nam, tăng cường thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong năm 1995; thúc đẩy các nội dung phù hợp với lợi ích của Việt Nam và có ý nghĩa đối với sự phát triển chung, bền vững của lưu vực.
* Thưa đại sứ, là thành viên của MRC, Việt Nam đã có những đóng góp nổi bật nào?
- Nhận thức rõ vai trò và ý nghĩa của MRC đối với sự phát triển bền vững và thịnh vượng của tiểu vùng Mekong cũng như bảo vệ quyền lợi của vùng đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nguyên, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia ngay từ giai đoạn đầu của quá trình hình thành cơ chế này, đồng thời luôn gương mẫu, thực hiện nghiêm túc Hiệp định Mekong, tích cực tham gia giải quyết các mâu thuẫn trong ủy hội.
Để góp phần thúc đẩy hợp tác Mekong nói chung và diễn đàn MRC nói riêng đi vào thực chất, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ về chính trị và tham gia một cách chủ động tích cực và có hiệu quả tại MRC, với những đóng góp nổi bật cụ thể.
Thứ nhất, Việt Nam đã tích cực cùng các nước thành viên khác thương lượng và xây dựng các văn kiện quan trọng của MRC, đặc biệt là Hiệp định Mekong năm 1995, Bộ quy chế sử dụng nước cũng như đóng góp vào quá trình cải tổ MRC và Ban Thư ký MRC theo hướng tăng hiệu quả, gọn nhẹ hơn. Đồng thời, cũng đã tích cực tham gia xây dựng và triển khai các chiến lược, dự án, nghiên cứu quan trọng của MRC.
Thứ hai, Việt Nam tích cực tham gia xây dựng và triển khai chương trình, dự án hợp tác chính của MRC như Chương trình Môi trường, Chương trình Thủy sản, Chương trình Quản lý lũ và hạn, Chương trình Biến đổi khí hậu, Chương trình Nông nghiệp và tưới tiêu, Chương trình Giao thông đường thủy, Chương trình Phát triển thủy điện bền vững, Dự án Quản lý tổng hợp tài nguyên nước Mekong, các hoạt động thu thập và chia sẻ thông tin, Chương trình Tăng cường năng lực.
Thứ ba, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao MRC lần thứ 2 với chủ đề “An ninh nước, năng lượng, lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu của Lưu vực sông Mekong” (tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 4/2014), qua đó góp phần định hướng các hoạt động hợp tác của MRC.
Thứ tư, Việt Nam cũng đã tích cực tham gia thúc đẩy hợp tác giữa MRC với các đối tác đối thoại và đối tác phát triển, cũng như tham gia thúc đẩy các hoạt động hợp tác liên lưu vực sông, trong đó có Lưu vực sông Hằng chảy qua 5 nước châu Á, sông Danube chảy qua 10 nước châu Âu, sông Nile chảy qua 4 nước Bắc Phi, sông Amazon chảy qua 8 nước Nam Mỹ và sông Mississippi chảy qua Canada và Mỹ.
* Theo đại sứ, các cơ chế hợp tác Mekong hiện có sẽ thay đổi thế nào sau năm 2030, thời điểm MRC hoạt động hoàn toàn bằng nguồn kinh phí đóng góp của các nước thành viên?
- Câu hỏi này rất chính đáng nhưng có lẽ chưa thực sự thích hợp để trao đổi vấn đề này vào thời điểm hiện tại. Mốc thời gian 2030 so với lộ trình hiện tại có thể là còn quá sớm và tạo ra một thách thức về tự chủ cho một số quốc gia thành viên tiếp tục duy trì các hoạt động với quy mô như hiện nay của MRC, đặc biệt là các tác động xuyên biên giới.
Tuy nhiên, tôi tin rằng, cơ chế hợp tác này dựa trên tinh thần hợp tác vì sự phát triển bền vững của Lưu vực sông Mekong cho nên kể cả khi ủy hội sẽ hoạt động hoàn toàn bằng nguồn kinh phí đóng góp của các nước thành viên thì cũng sẽ không làm thay đổi nội dung cơ chế và tinh thần hợp tác này.
* Trân trọng cảm ơn đại sứ.
Theo TTXVN/Vietnam