Trong chương trình thăm chính thức Singapore, sáng 10/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Singapore với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, cơ quan thuộc chính phủ, các tổ chức và đông đảo doanh nghiệp hai nước.
Tại diễn đàn, các đại biểu nhấn mạnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore phát triển năng động, mạnh mẽ trên các lĩnh vực.
Năm 2023 này, hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.
Bộ trưởng thứ hai Bộ Công Thương kiêm Bộ trưởng Lao động Singapore Tan See Leng đánh giá quan hệ kinh tế giữa hai nước rất sôi động.
Singapore giữ vững vị trí dẫn đầu trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và thứ 2/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 3.032 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 70,39 tỉ USD.
Năm 2022, trong 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn lên đến 6,46 tỉ USD, chiếm 23,3% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong năm.
Ông Tan See Leng cho biết trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam và Singapore đã thiết lập Quan hệ Đối tác kinh tế số - kinh tế xanh, tạo cơ sở để hai nước tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, hạ tầng, đổi mới sáng tạo và kết nối.
Ông cũng bày tỏ ấn tượng với số lượng đại biểu đông đảo tới dự diễn đàn. Ông cho rằng điều này khẳng định sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp với thị trường Việt Nam.
Đại diện các tổ chức, doanh nghiệp cũng thảo luận sâu về các vấn đề được coi là mấu chốt để ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, đưa nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong những năm tiếp theo; mong muốn tiếp tục, mở rộng đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế số.
Đại diện ngân hàng Standard Chartered đánh giá Việt Nam là ngôi sao đang lên trong khu vực với chính sách ổn định, nền kinh tế năng động và những nỗ lực cải cách. Việt Nam cũng có lợi thế về lực lượng lao động dồi dào và có trình độ ngày càng cao, thị trường hấp dẫn.
Với cam kết của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu, phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Standard Chartered tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục tạo ra các cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết năm 2023, Việt Nam và Singapore kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Singapore, 100 năm ngày sinh Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu.
Qua 50 năm quan hệ, hợp tác, hai nước hiểu nhau hơn, tin tưởng nhau hơn; toàn diện, đầy đủ, thực chất và hiệu quả hơn; là nền tảng quan trọng để thúc đẩy hợp tác, hướng tới xác lập các mốc mới trong quan hệ hai nước; góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Singapore. Ảnh: TTXVN |
Thủ tướng Chính phủ thông tin đến các đại biểu về kết quả hội đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Lý Hiển Long, trong đó đánh giá quan hệ hai nước đang trong giai đoạn tốt đẹp và ngày càng được tăng cường, củng cố, thúc đẩy; cho rằng đây là nền tảng, cơ sở, môi trường thuận lợi để các đối tác, các nhà đầu tư tiếp tục phát huy vì lợi ích của mỗi bên và vì quan hệ tốt đẹp Việt Nam-Singapore, trên nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trải qua các cuộc chiến tranh, bị cấm vận..., quá trình xây dựng đất nước của Việt Nam gặp nhiều khó khăn do xuất phát điểm thấp và phải khắc phục, tái thiết sau chiến tranh. Tuy nhiên, toàn dân tộc Việt Nam vẫn đoàn kết, nỗ lực vươn lên.
Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực làm cơ bản, quyết định lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.
Việt Nam hướng tới xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Sau hơn 36 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Chính trị tiếp tục ổn định; độc lập chủ quyền được giữ vững; quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 409 tỉ USD; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 160 USD lên trên 4.100 USD; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.
Trong đại dịch COVID-19 vừa qua, Việt Nam đã sáng suốt, thích ứng linh hoạt, hiệu quả. Nhờ đó, không chỉ kiểm soát được dịch COVID-19, kinh tế - xã hội Việt Nam đạt được các thành tựu quan trọng, khá toàn diện, nhất là trong bối cảnh bị tác động bởi tình hình thế giới và những khó khăn nội tại của nền kinh tế.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam thực hiện điều hành với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; đổi mới, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả”; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường-chính sách ổn định, có tính dự báo cao và thực thi minh bạch.
Việt Nam ưu tiên, khuyến khích các đối tác, nhà đầu tư tham gia vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn; khuyến khích đổi mới sáng tạo; ưu tiên cho phát triển công nghệ cao, ít phát thải...
Thủ tướng tin tưởng với quyết tâm của hai bên và trên hết là tình hữu nghị bền chặt của nhân dân hai nước, hợp tác kinh tế sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam - Singapore, đồng thời là động lực để đưa mối quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới, với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, cơ quan thuộc chính phủ hai nước chứng kiến lễ trao các quyết định, thỏa thuận hợp tác giữa cơ quan, địa phương hai nước: Quyết định chấp thuận đầu tư cho khu công nghiệp VSIP Nghệ An II; Thỏa thuận Phát triển chung giữa Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Dầu khí Việt Nam (PTSC) và Công ty Sembcorp Utilities, Singapore; Thỏa thuận hợp tác giữa Học viện Ngoại giao Việt Nam và Viện Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (thuộc Đại học Kỹ thuật Nanyang, Singapore)...
Liên đoàn doanh nghiệp Singapore cho biết trong năm 2023 sẽ tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Khu vực Singapore (SRBF) tại Hà Nội, thiết thực kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore.
Theo TTXVN/Vietnam+