Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, phóng viên TTXVN tại Tokyo đã có cuộc trao đổi với các học giả Nhật Bản về tính thời đại của Hiệp định để thêm trân trọng nền hòa bình của thế giới ngày nay.
Theo đánh giá của ông Toshikazu Maru, thành viên Ủy ban Hòa bình tỉnh Kanagawa (Nhật Bản), Hiệp định Paris gắn liền với thắng lợi của cuộc chiến đấu không ngừng nghỉ giữa dân tộc Việt Nam anh hùng và đế quốc Mỹ, cường quốc quân sự lớn nhất thế giới thời điểm đó.
Ông cho rằng người dân Việt Nam thời điểm đó đã luôn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của đông đảo lực lượng yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, trong đó có Nhật Bản. Yếu tố cốt lõi của Hiệp định Paris chính là nhân dân Việt Nam đã giành lại quyền tự quyết đối với vận mệnh của dân tộc mình, qua đó lan tỏa tinh thần này trên khắp thế giới. Từ khía cạnh này có thể thấy thắng lợi của nhân dân Việt Nam đã đi vào lịch sử thế giới.
Cùng quan điểm này, ông Ryokichi Motoyoshi, nguyên Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Nhật-Việt cho biết, sau khi thông tin về Hiệp định Paris được ký kết, không chỉ người dân yêu chuộng hòa bình ở Nhật Bản mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới cũng bày tỏ sự lạc quan về một nền hòa bình sẽ sớm được lập lại ở quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé nhưng kiên cường đấu tranh vì độc lập tự do.
Hiệp định Paris là minh chứng rõ nét của chân lý “phi nghĩa không thể thắng được chính nghĩa,” góp phần củng cố niềm tin của nhân dân yêu hòa bình trên khắp thế giới và là động lực để các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giành lại độc lập tự do.
Ông Motoyoshi cho biết thêm, là những người dân yêu chuộng hòa bình tỉnh Kanagawa, ông vẫn còn nhớ như in cảm xúc khó tả thời điểm Hiệp định Paris được chính thức ký kết mang lại niềm hy vọng chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài nhiều năm ở Việt Nam.
Trước đó, với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, ông cũng là một trong số nhiều người dân tỉnh Kanagawa trực tiếp tham gia hoạt động phản đối chiến tranh ở Việt Nam do các tổ chức hòa bình tỉnh Kanagawa dẫn dắt.
Điển hình nhất là hoạt động ngăn chặn việc quân đội Mỹ di chuyển 5 xe tăng M-48 từ Kho hậu cần Sagamihara đến chiến trường Việt Nam, với lý do vi phạm trọng lượng phương tiện theo Luật đường bộ và Luật hạn chế phương tiện khi di chuyển qua cầu Murasame vào ngày 5/8/1972.
Sau đó, các xe tăng M-48 đã buộc phải trở lại Kho hậu cần Sagamihara trong vòng 100 ngày, cho đến ngày 8/11/1972 mà không thể đưa đến Việt Nam theo kế hoạch.
Ông Motoyoshi cho rằng, nhìn lại cuộc chiến, nhìn lại Hiệp định Paris để chúng ta thêm trân trọng nền hòa bình của thế giới hiện nay. Thế hệ trẻ ngày nay cần trở thành cầu nối giữa quá khứ và tương lai, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
Theo TTXVN/Vietnam+