Chủ Nhật, 17/11/2024 12:09 CH
Năm 2023, Chính phủ quyết tâm hành động “biến nguy thành cơ”
Thứ Ba, 03/01/2023 16:35 CH

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày Báo cáo triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Ảnh: TTXVN

Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương diễn ra sáng 3/1, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trình bày dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán Ngân sách nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

 

Trong đó, Chính phủ xác định chủ đề điều hành của năm 2023 là "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả" với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành.

 

Quyết tâm hành động “biến nguy thành cơ”

 

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các nghị quyết chuyên đề, các kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, các quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 được tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả cùng với Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, trong đó chú trọng 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu.

 

Đặc biệt, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, dao động; luôn bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, không chuyển trạng thái đột ngột, điều hành “giật cục”.

 

Đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất để thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh, tình hình để “biến nguy thành cơ”, khắc phục khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

 

Chính phủ nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án thích ứng hiệu quả; tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng và các chính sách khác; điều hành kịp thời, cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa tỉ giá với lãi suất, giữa lãi suất với lạm phát; giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn.

 

Chính phủ đồng bộ, thống nhất và quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, vừa tập trung xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, các vấn đề tồn đọng kéo dài, vừa kịp thời ứng phó hiệu quả với những vấn đề cấp bách, bất ngờ phát sinh trong ngắn hạn, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mang tính căn cơ trong trung và dài hạn; tăng cường hoàn thiện thể chế, tập trung tháo gỡ khó khăn, có các giải pháp chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho sản xuất kinh doanh; bảo đảm đồng bộ các mục tiêu trước mắt và lâu dài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

 

Phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường bền vững, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nói chung, nhất là người có công, hộ nghèo, các đối tượng yếu thế ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đồng bào dân tộc; tiếp tục củng cố, giữ vững quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế; đảm bảo môi trường ổn định, hòa bình, hợp tác để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững...

 

Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

 

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ với bối cảnh, ý nghĩa của năm 2023, trên cơ sở các quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành nêu trên, dự thảo Nghị quyết xác định 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu.

 

Chính phủ tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác...

 

Chính phủ xác định, tiếp tục tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh, không để dịch chồng dịch.

 

Chủ động phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh mới có thể xảy ra; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài về tài chính, chuyên môn kỹ thuật phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

 

Bên cạnh đó, Chính phủ tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; chú trọng và phát huy hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư, tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tăng cường theo dõi, đánh giá, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên phạm vi cả nước và từng bộ, ngành, địa phương.

 

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng Chính phủ số tiếp tục được đẩy mạnh; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức; đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và các quy định liên quan cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thành hệ thống thể chế, chính sách để thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW; sớm khắc phục tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và tình trạng công; sớm hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo tinh thần năm 2023 là "Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới"...

 

Chính phủ đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính độc lập, tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế; có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội; triển khai quyết liệt giải ngân vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng đối tượng, tránh trục lợi.

 

Chính phủ tiếp tục cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ gắn với đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; phấn đấu tỉ trọng kinh tế số trong GDP đạt khoảng 15,5%; tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất; tập trung thực hiện hiệu quả các chiến lược, quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống; chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ mới, ứng dụng công nghệ cao.

 

Cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng tăng cường kết nối vùng miền, kết nối cả nước và kết nối với khu vực; đẩy mạnh xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch mới, góp phần định vị thương hiệu du lịch quốc gia; tiếp tục hoàn thiện chính sách tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh và đi lại cho khách du lịch quốc tế.

 

Chính phủ tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn; bảo đảm tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm; tập trung tháo gỡ khó khăn để đưa các dự án nguồn điện lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định từ năm 2023.

 

Việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học-công nghệ Chính phủ chú trọng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục; giải quyết hiệu quả, cơ bản tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai tự chủ đại học hiệu quả, đi vào thực chất; gắn kết công tác đào tạo nghề với thị trường lao động, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh.

 

Chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng nghiên cứu khoa học; tăng cường năng lực nghiên cứu công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm.

 

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng xác định, phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

 

Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; triển khai hiệu quả chương trình đối ngoại cấp cao năm 2023.

 

Nâng tầm đối ngoại đa phương và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả gắn với củng cố, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong hệ thống chính trị, góp phần truyền cảm hứng, tạo niềm tin, đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek