Những ngày cuối năm 2022, tại TP Tuy Hòa, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn công tác dân chủ - pháp luật năm 2022 cho 100 đại biểu là cán bộ mặt trận cấp tỉnh, huyện và cơ sở thuộc 6 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng. Qua đó nhằm giúp MTTQ các tỉnh thực hiện tốt hơn công tác dân chủ, pháp luật và Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội (PBXH) của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội…
Thể hiện được vai trò trách nhiệm
Tại Phú Yên, trong năm 2022, MTTQ các cấp tổ chức giám sát 332 chuyên đề, trong đó giám sát bằng văn bản 210 chuyên đề; thành lập 150 đoàn giám sát. Qua đó, đoàn giám sát đánh giá kết quả thực hiện các nội dung theo chuyên đề giám sát, xác định những tồn tại, vướng mắc và có văn bản kiến nghị các cơ quan liên quan xem xét giải quyết; đồng thời theo dõi thường xuyên và giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát. Về công tác PBXH, ban thường trực ủy ban MTTQ các cấp đã chủ trì tổ chức phản biện 223 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và 3 dự án (cấp tỉnh PBXH 59 văn bản và 3 dự án; cấp huyện 164 dự thảo). Trong đó, tổ chức PBXH bằng văn bản đối với 194 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức 29 hội nghị PBXH và đối thoại đối với 3 dự án.
Đối với Khánh Hòa, năm 2022, Ủy ban MTTQ tỉnh này đã tổ chức giám sát 2 nội dung chuyên đề theo ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Thường trực Tỉnh ủy. Cụ thể là giám sát, khảo sát kết quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xây nhà ở cho đối tượng hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020-2022; giám sát kết quả việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg, ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh. MTTQ cấp huyện, xã phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên tổ chức 146 cuộc giám sát trên các lĩnh vực được dư luận xã hội và Nhân dân quan tâm như giám sát quy chế dân chủ ở cơ sở; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ chủ chốt và đảng viên tại các địa phương; việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có công và đối tượng bảo trợ xã hội; việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo...
Không chỉ có Phú Yên, Khánh Hòa, ủy ban MTTQ các tỉnh như Ninh Thuận, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng cũng đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện công tác giám sát và PBXH. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm giúp cấp ủy Đảng lãnh đạo, chỉ đạo sát với tình hình của địa phương, đồng thời chính quyền các cấp quản lý, điều hành hoạt động được tốt hơn.
Lựa chọn phương pháp phù hợp
Theo ủy ban MTTQ các tỉnh, thời gian qua, công tác giám sát, PBXH đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân về giám sát, PBXH được nâng lên; nội dung, phương thức thực hiện ngày càng thực chất, tập trung vào những vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và dư luận xã hội quan tâm, bức xúc… Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, PBXH chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa phát huy mạnh mẽ vai trò, sự tham gia của các thành viên MTTQ và Nhân dân. “Để phát huy tốt hơn vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác giám sát và PBXH, trong thời gian tới, đội ngũ làm công tác mặt trận và các tổ chức thành viên cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, chủ động lựa chọn những nội dung, vấn đề bức xúc mà xã hội đang quan tâm có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và Nhân dân để xây dựng kế hoạch triển khai công tác giám sát và PBXH, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn phương pháp giám sát, phản biện phù hợp”, ông Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh những nội dung quan trọng mà Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư yêu cầu MTTQ các cấp thực hiện.
Thực tế có không ít chương trình, đề án, dự án… khi đưa vào cuộc sống lại nảy sinh mâu thuẫn, ảnh hưởng tiêu cực về mặt lợi ích giữa các tầng lớp trong xã hội. “Lúc này PBXH là giải pháp tốt, hiệu quả để kịp thời điều chỉnh và giải quyết những vướng mắc, mâu thuẫn giữa các bên. Do đó, việc tham gia chương trình tập huấn công tác dân chủ - pháp luật lần này, giúp chúng tôi hiểu cặn kẽ hơn về công tác này”, một đại biểu của Ủy ban MTTQ tỉnh Gia Lai chia sẻ.
Còn theo bà Lê Thị Ánh Nguyệt, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa), chủ động, từ sớm, từ cơ sở, dân chủ, khách quan, mang tính xây dựng; có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc… là điều mà Ủy ban MTTQ xã sẽ lưu ý nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác giám sát, PBXH trong tình hình mới.
Chỉ thị 18-CT/TW về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, PBXH của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được coi là một trong những công cụ hữu hiệu để MTTQ triển khai các nhiệm vụ giám sát, phản biện trong thời gian tới. Vì vậy, đội ngũ làm công tác mặt trận và các tổ chức thành viên cần nhận thức đúng, đầy đủ về công tác giám sát, PBXH là yêu cầu của Đảng, Nhà nước. MTTQ các cấp xây dựng kế hoạch cụ thể, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp triển khai thực hiện chỉ thị hiệu quả.
Phó Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thị Hồng |
THÚY HẰNG