Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh Phú Yên đã không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, triển khai đồng bộ, toàn diện công tác tổ chức xây dựng Đảng; góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Công tác xây dựng Đảng đạt nhiều kết quả
Thời gian qua, nhất là trong năm 2022, nhiều nội dung lớn, quan trọng trong công tác xây dựng Đảng đã được Ban Tổ chức Trung ương chủ trì xây dựng, tham mưu, triển khai. Các nghị quyết, kết luận, quy định, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị được ban hành, triển khai thực hiện đã có những tác động quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng ở trung ương và các địa phương. Công tác tổ chức xây dựng Đảng tiếp tục được hoàn thiện, các vướng mắc, khó khăn từng bước được tháo gỡ, đáp ứng được yêu cầu xây dựng, phát triển Đảng trong bối cảnh, tình hình mới của đất nước, khu vực và thế giới.
Tại Phú Yên, công tác tổ chức xây dựng Đảng của tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay được Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện trên các lĩnh vực, có trọng tâm, trọng điểm và đạt được nhiều kết quả. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới, toàn diện hơn. Các chủ trương lớn của trung ương về xây dựng Đảng được tỉnh triển khai, tạo được sự ủng hộ của Nhân dân và cán bộ, đảng viên. Các nghị quyết, kết luận, quy định, hướng dẫn của trung ương được quán triệt, cụ thể hóa phù hợp với điều kiện, tình hình của tỉnh, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động.
Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ gắn với công tác kiểm tra, giám sát, chỉnh đốn trong Đảng được triển khai quyết liệt, đồng bộ và toàn diện, là trọng tâm trong xây dựng Đảng. Tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa triển khai nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, Kết luận 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và Kế hoạch 03-KH/TW, ngày 24/11/2021 của Bộ Chính trị thực hiện Kết luận 21-KL/TW về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Lũy kế từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã giảm được 2.451 biên chế, 173 hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ, 1.091 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, buôn, khu phố; giải quyết chính sách tinh giản biên chế cho 1.022 trường hợp. Lũy kế từ khi thực hiện nghị quyết 18, 19-NQ/TW đến nay, toàn tỉnh đã giảm được 208 tổ chức; 43 ban chỉ đạo, 44 hội đồng; 2 đơn vị hành chính cấp xã; 22 thôn, buôn, khu phố; bố trí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, buôn, khu phố tại 556/603, đạt 92,2%. |
Công tác cán bộ được thực hiện nghiêm túc, khoa học, “có vào có ra, có lên có xuống”, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu được nâng cao, khắc phục được các khó khăn lâu nay trong công tác cán bộ, đặc biệt là tình trạng lên rồi khó xuống. Công tác luân chuyển, điều động cán bộ được thực hiện bài bản, đáp ứng đồng thời hai nhiệm vụ, vừa bổ sung các cán bộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, địa phương, vừa đào tạo, xây dựng đội ngũ kế cận. Nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình được thực hiện nghiêm.
Các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên được chú trọng triển khai. Công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với tinh giản biên chế theo các nghị quyết, kết luận... của trung ương được quán triệt, cụ thể hóa thực hiện kịp thời, nghiêm túc…
Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền ngày càng phù hợp với vị trí, chức năng. Nhiệm vụ của cơ quan hành chính ở địa phương, vừa không ngừng tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Công tác lãnh đạo các cơ quan tư pháp trên địa bàn có nhiều đổi mới, tạo điều kiện cho các cơ quan tư pháp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, góp phần bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm minh trên địa bàn tỉnh. Vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh được phát huy.
Mô hình Cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo gắn với phân công tỉnh ủy viên phụ trách xã đặc biệt khó khăn, xã còn khó khăn tiếp tục được triển khai và mang lại nhiều hiệu quả.
Vẫn còn tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức xây dựng Đảng trong tỉnh thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Năng lực cụ thể hóa nghị quyết, chủ trương của Đảng của một số cấp ủy, tổ chức Đảng có mặt còn hạn chế, chưa sát với thực tiễn nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương; việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả chưa cao.
Công tác tổ chức xây dựng Đảng của tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay được Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện trên các lĩnh vực. Ảnh: HÀ MY |
Công tác đánh giá cán bộ ở một số cấp ủy, tổ chức Đảng vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đầy đủ, thực chất năng lực, phẩm chất, uy tín của cán bộ để bảo đảm việc phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ của Đảng vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
Một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa chú trọng kiểm tra, giám sát; chưa đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; chưa tích cực phát huy vai trò của MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội, Nhân dân trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Cải cách hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc, phân cấp, phân quyền chưa được đẩy mạnh, chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Một số cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo chưa tuân thủ nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Hiện vẫn còn tình trạng vi phạm quy định, quy chế của Đảng, cục bộ, mất đoàn kết, bao biện, làm thay, áp đặt, lạm dụng quyền lực hoặc né tránh, sợ trách nhiệm, buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng.
Tiếp tục đổi mới đồng bộ, toàn diện
Qua những kết quả đạt được, và cả những hạn chế, tồn tại, Phú Yên rút ra những bài học trong công tác lãnh đạo chỉ đạo như sau:
Một là, đảm bảo vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng. Trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nghiêm Cương lĩnh, Điều lệ, các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc.
Hai là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải gắn với nâng cao nhận thức, trách nhiệm và nỗ lực, quyết tâm tổ chức thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chủ trương của Đảng, nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, thực tiễn của tình hình mới; chủ động, sáng tạo, đề cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị; đồng bộ với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đường lối đổi mới, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân.
Ba là, tăng cường đoàn kết, tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu; đồng thuận trong Nhân dân.
Phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm công tác cán bộ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng, là nhân tố quyết định sự thành bại. Phát huy tối đa nhân tố con người; xây dựng đội ngũ cán bộ của ngành Tổ chức xây dựng Đảng nói riêng, đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị tỉnh nói chung.
Bốn là, thường xuyên kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng. Kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp suy thoái.
Năm là, phải thực sự phát huy dân chủ, phát huy phản biện, giám sát của Nhân dân và các tổ chức chính trị xã hội; dựa vào Nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
PHẠM ĐẠI DƯƠNG
Ủy viên Trung ương Đảng
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh