Thứ Tư, 18/09/2024 08:42 SA
Ðịch trả thù tàn bạo ở Tuy An 54 năm trước
Thứ Sáu, 19/09/2008 07:20 SA

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneve được ký kết. Hòa bình được lập lại ở Đông Dương. Nhân dân, cán bộ Phú Yên đã viết lên những trang sử vẻ vang xứng đáng với truyền thống dân tộc.

 

Sau Hiệp định Geneve được ký kết ta chuyển quân đi tập kết từ vĩ tuyến 17 trở ra. Từ vĩ tuyến 17 trở vào bàn giao cho chính quyền ngụy Sài Gòn tạm thời quản lý chờ sau hai năm tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Theo chủ trương của Đảng, những anh hùng, chiến sĩ thi đua, cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, huyện được đi tập kết ra Bắc. Đa số cán bộ, đảng viên ở lại gây dựng phong trào, xây dựng cơ sở cách mạng trong quần chúng để đấu tranh với địch thực hiện tổng tuyển cử theo quy định của Hiệp định Geneve.

 

Hiệp định ký chưa ráo mực thì đã bị kẻ thù lật lọng, trong khi còn đang thời gian ngừng bắn để chuyển quân đi tập kết của tỉnh Phú Yên thì bọn chúng trắng trợn vi phạm hiệp định bộc lộ bản chất hiếu chiến phản động. Bọn mật thám từ Nha Trang, thị xã Tuy Hòa thầm thì thầm thụt ra vào xã An Mỹ, huyện Tuy An. Chúng móc nối liên kết những tên côn đồ lưu manh, bất mãn phản động ở xã ngo ngoe ngóc đầu dậy chống phá cách mạng. Bọn xuất đầu lộ diện có những tên như Võ Hang, Ngô Lụa (Giai Sơn), Lê Duy Sâm, Đào Tấn Phát (Hòa Đa), Trương Chõ (Phú Long) hung hăng ngày đêm lùng sục, săn lùng, rình rập bắt bớ cán bộ, đảng viên và những người kháng chiến cũ. Có nhiều người chúng cho tay chân đến còng trói giữa ban ngày, có người bị chúng dựng dậy còng trói lúc nửa đêm. Xóm làng náo động, nhân dân sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ.

 

Ngay trong đợt đầu vào ngày 6/9/1954, địch bắt nhiều cán bộ, đảng viên như các đồng chí Nguyễn Coi, Bí thư chi bộ xã An Mỹ; Phạm Thắng, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính xã; Thái Đức, Hồ Trót, Cộng Tiếu, Phạm Thị Sẽ, Cộng Thị Xững, Nguyễn Đắc Trung, Nguyễn Ninh, Phạm Ngọc, Lê Đắc Trung, Trần Thấy, Triệu Chính Đức, Nguyễn Đinh, Phạm Tú, Phan Kẽm, Nguyễn Hữu Ái về giam tại nhà ông Nguyễn Đàm ở thôn Hòa Đa xã An Mỹ chúng gọi nơi đây là “nhà lao cộng sản”. Chúng dùng nhiều thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, bắt chào cờ ba que của địch, bắt  đảng viên xé cờ Đảng, ly khai Đảng, nếu ngại viết thì chúng viết giúp chỉ có ký tên là được và tra tấn.

 

Người bị tra tấn đầu tiên là đồng chí Nguyễn Coi, Bí thư chi bộ xã An Mỹ. Chúng tra tấn đánh đập mọi cực hình nhằm khai thác xung quanh vấn đề: Chủ trương của Việt cộng? Tiền bạc, lương thực cất dấu, phân tán ở đâu? Những ai trong diện gài lại để hoạt động bí mật? Vũ khí chôn cất dấu ở đâu? Danh sách đảng viên cộng sản của xã?

 

Mỗi câu hỏi là những đòn tra tấn nảy lửa, tàn nhẫn như treo lên sàn nhà chúng gọi là đi máy bay, đổ nước xà phòng, nước vôi đầy bụng rồi đứng lên lấy chân đạp, dí điện vào hai tay, hai chân... Bị tra tấn hết sức dã man nhưng đồng chí không hề hé răng khai báo.

 

Đồng chí Phạm Ngọc, nhân dân thường gọi là thầy giáo Tám, là Trưởng ban Tuyên huấn huyện Tuy An quê ở Phú Thường thường tâm tình với đồng chí mình. Địch tra tấn hành hạ nhục hình dã man, nhưng người đảng viên ấy giữ vững khí tiết người cộng sản không khai báo, không bị mua chuộc dụ dỗ. Đêm trời tối đen kịt, địch đưa đồng chí Ngọc đi đâu không rõ. Sáng sớm bọn địch la ó “thằng Ngọc đã tẩu thoát”. Thực tế địch bí mật thủ tiêu đồng chí Ngọc ở ao Bầu Súng thuộc địa phận Hòa Đa, chúng la ó là đồng chí Ngọc tự tử. Khi nghe tin đồng chí Ngọc chết, tất cả chúng tôi im lặng dòng lệ tuôn rơi nhớ người anh cả đã hy sinh, càng căm thù sục sôi tội ác kẻ thù, thề không đội trời chung với địch. Nhân dân nghe đồng chí Ngọc chết ai nấy đều thương tiếc sâu sắc. Trong khi đó có người hèn hạ, bạc nhược đầu hàng đã đem nộp danh sách đảng viên Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) của xã An Mỹ cho địch.

 

Để tránh khủng bố trả thù của địch, các đồng chí Nguyễn Chân, Nguyễn Châu, Nguyễn Kiện, Phạm Lạo, Triệu Chính Lạc chạy lên Cheo Reo tìm đường ra Quy Nhơn gặp bộ phận lo công tác tập kết của tỉnh Phú Yên xin được đi tập kết. Còn một số đồng chí khác như: Sung, Trang, Nguyễn Khế, Hân, Xẹo chạy nơi khác làm ăn sinh sống, một số đồng chí nằm im chờ thời cơ hai năm tổng tuyển cử.

Sau khi chúng tổ chức hội đồng hành chính xã, ngày 27/9/1954 bọn ngụy quyền đưa chúng tôi ra giam tại nhà thờ Mằng Lăng xã An Thạch huyện Tuy An. Tại đây lại gặp mặt nhiều cán bộ chủ chốt của xã, thường vụ cấp ủy xã, bí thư, chủ tịch các xã, chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Tuy An, Thường vụ Tỉnh ủy công tác trên địa bàn huyện Tuy An gồm có các đồng chí Mô, Thám (xã An Ninh), Can, Sanh, Thành (xã An Lĩnh), Côn (xã An Xuân), Cương (xã An Dân), Phạm Nghĩa - Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Tuy An (xã An Nghiệp), Nhưng - Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng công an tỉnh Phú Yên (xã An Định), Nguyễn Đắc, Nguyễn Phục (xã An Hòa), Thái Trong (xã An Hiệp), Hồ Tạo (xã An Thạch), Võ Tam Tư, Phạm La, Bá (xã An Ninh), Tập, Ái (xã An Chấn), Phạm Thị Lành, Đắc (xã An Thọ), Nguyễn Coi, Triệu Chính Đức, Hồ Trót, Thái Đức, Phan Kẻm, Nguyễn Hữu Ái (xã An Mỹ) cùng một số cán bộ thanh niên, phụ nữ, công đoàn, cán bộ kho thóc của huyện… Nhà thờ Mằng Lăng biến thành nơi giam giữ người cộng sản, những người kháng chiến cũ.

 

Tại nhà thờ Mằng Lăng, địch tổ chức canh gác chặt chẽ, rào nhiều tầng nhiều lớp, bên trong bảo an, bên ngoài có dân vệ, nghĩa quân, chòi canh cao 3m để quan sát kiểm soát sợ tù nhân vượt tẩu, tất cả tù nhân nằm la liệt dưới đất, không giường, không chiếu, dơ bẩn gây bệnh hoạn. Ngày đêm tra tấn kêu la thảm thiết, bọn hành chánh, bọn lưu manh, côn đồ thi nhau tra khảo đánh đập tàn nhẫn.

 

Đồng chí Phạm Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Tuy An bị ta tấn, đánh khảo ngày đêm xung quanh việc. Vũ khí, tiền bạc, lương thực cất dấu phân tán ở đâu, chủ trương của Việt cộng, những ai cộng sản gài lại chống phá chính phủ quốc gia. Chúng ta tấn đổ nước xà phòng, nước vôi, treo hai chân lên sàn nhà, đánh bằng dùi cui, dí điện vào ngọc hành, địch thường thẩm vấn tra khảo vào band dêm rùng rợn đồng chí bị ngất xỉu vì sự tra tấn quá dã man, đồng chí chết đi sống lại nhiều lần, đồng chí kiệt sức gần chết chúng gọi vợ con xuống nhận về nhà thì cũng là lúc đồng chí trút hơi thở cuối cùng.

 

Lần lượt chúng thẩm vấn đồng chí Lê Thám – Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban tổ chức huyện ủy Tuy An. Về tổ chức bí mật bộ máy Đảng? Bố trí cán bộ ở lại hoạt động? Danh sách ban chấp hành huyện ủy? Những cực hình những đòn tra khảo nhằm khai thác moi cho được những tổ chức mà chúng cần được biết, kẻ thù trút xuống người anh không thiếu thứ gì mà chúng có. Nhưng vô dụng chúng chẳng moi được thứ gì.

 

Đến lượt thẩm vấn đồng chí Nguyễn Hữu Ái nguyên là chính trị viên đại đội tập trung đơn vị 374 huyện Tuy An. Chúng khai thác bằng cho đi máy bay, đi tàu ngầm, dùi cui cao su đánh tới tấp vào đầu, vào ngực, vào hai bên sườn, miệng hỏi lia lịa: “Vũ khí chôn dấu ở đâu? Khôn hồn khai mau”. Tôi nén đau đáp lại vũ khí chuyển đi tập kết hết rồi theo quy định của hiệp định Geneve. Chúng hỏi đi hỏi lại hai, ba lần tôi cũng trả lời như thế. Tàn bạo trong lao tù của kẻ thù bao nhiêu thì càng thử thách thêm khí phách người cộng sản càng cao.

 

Nói đến chế độ ăn uống trong nhà tù rất tàn tệ. Đến bữa ăn cứ năm người nhận một rổ cơm đem về chia từng người, cá liệt khô mặn không khác nào cá cho heo ăn, ít rau, từng muỗng nước canh. Gia đình đi thăm quà gửi cho người thân chúng trực tiếp nhận, những món gì chúng nghi là chúng bẻ hoặc chặt nhỏ ra sợ có thư từ bên trong, gia đình đến thăm không được trực tiếp gặp mặt người thân.

 

NGUYỄN HỮU ÁI

(Nguyên ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ)

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek