Sáng 9/12, ngày làm việc thứ ba của Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa VIII tiếp tục diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Các đại biểu HĐND tỉnh đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến lĩnh vực giáo dục; tuyển công chức, viên chức; nông nghiệp; quản lý xây dựng và du lịch.
Giám đốc các sở GD-ĐT, NN-PTNT, VH-TT-DL, Xây dựng, Nội vụ lần lượt trả lời chất vấn.
* Đại biểu Nay Y Blung, Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa chất vấn: Có hay không việc học sinh “ngồi nhầm lớp”? Đây có phải là bệnh thành tích trong ngành Giáo dục không và thời gian tới khắc phục như thế nào?
- Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Khắc Lễ trả lời:
Qua khảo sát thực tế, Sở GD-ĐT nhận thấy có hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp”. Nguyên nhân là do một số cơ sở muốn hoàn thành và giữ vững mục tiêu phổ cập giáo dục các cấp hoặc để đạt 100% chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp. Tuy đây không phải hiện tượng phổ biến, nhưng đã tồn tại trong ngành nhiều năm qua, đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm; là trách nhiệm thuộc về người đứng đầu ngành Giáo dục các địa phương và tỉnh.
Tiếp tục thực hiện chủ trương của Bộ GD-ĐT về “dạy thật, học thật”, từng bước khắc phục bệnh thành tích, Sở GD-ĐT sẽ chỉ đạo các phòng GD-ĐT, các đơn vị trực thuộc và các cơ sở giáo dục thường xuyên rà soát, khảo sát chất lượng tất cả các cấp học ngay cuối học kỳ 1 năm học này. Qua khảo sát, đánh giá, ngành Giáo dục sẽ phân hóa các trường hợp học sinh có học lực yếu kém; từ đó chỉ đạo từng trường xây dựng kế hoạch ôn tập, phụ đạo, củng cố kiến thức cho học sinh.
Quá trình thực hiện, chúng tôi tránh tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và phụ huynh. Lãnh đạo ngành Giáo dục cũng yêu cầu từ cán bộ quản lý đến giáo viên phải thực hiện nghiêm việc đánh giá, cho điểm học sinh một cách thực chất. Nếu học sinh không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu về chất lượng giáo dục thì kiên quyết không xét điều kiện lên lớp hoặc điều kiện để dự thi tốt nghiệp. Đồng thời gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục nếu để xảy ra tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” tại cơ sở mình. Các bậc cha mẹ học sinh hãy cùng chung sức chăm lo và quan tâm đến sự tiến bộ của các em học sinh.
* Đại biểu Ka Sô Chiểu, Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh chất vấn: Hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, các giải pháp cụ thể?
- Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Trọng Tùng trả lời:
Sau 7 năm (2016-2022) thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, kết quả đạt được khá rõ nét, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) khu vực nông, lâm, thủy sản bình quân khoảng 3,5%/năm. Cơ cấu nội bộ ngành nông, lâm, thủy sản chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế so sánh của ngành, sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.
Đến nay, tỉ trọng giá trị ngành trồng trọt giảm còn 34,3%, chăn nuôi chiếm 22,6%, lâm nghiệp chiếm 3,2%, thủy sản chiếm 35,1%. Lĩnh vực sản xuất có nhiều chuyển biến tích cực về chuyển đổi, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế của từng địa phương, vùng sinh thái, gắn với ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình canh tác, cơ giới hóa, đã từng bước mang lại hiệu quả, thu nhập cao cho nông dân.
Đến năm 2022, tỉ lệ sử dụng giống lúa đạt tiêu chuẩn để gieo sạ gần 72%, chất lượng gạo tăng gấp 1,5 lần so với năm 2015; hơn 2.500 lượt héc ta đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng cây khác mang lại thu nhập cao cho nông dân; xây dựng được nhiều mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa. Đến nay, toàn tỉnh trồng hơn 7.000ha cây ăn quả, trong đó hơn 1.000ha trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, thu nhập từ 200-600 triệu đồng/ha. Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại tập trung, áp dụng kỹ thuật nuôi tiên tiến, gắn với kiểm soát dịch bệnh.
Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 155 trang trại. Giá trị sản xuất chăn nuôi (2016-2022) tăng bình quân 7%/năm, năm 2022 khoảng 2.800 tỉ đồng (gấp 1,6 lần so với năm 2015). Giai đoạn 2016-2022, toàn tỉnh trồng mới gần 45.000ha rừng tập trung, khoảng 15 triệu cây phân tán, góp phần nâng tỉ lệ che phủ rừng lên 46,5%.
Đã thu hút được 7 doanh nghiệp đầu tư trồng rừng kinh tế với diện tích hơn 12.230ha, trong đó hơn 11.750ha được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Giá trị sản xuất lâm nghiệp giai đoạn 2016-2022 tăng bình quân 8,9%/năm. Thủy sản được cơ cấu lại theo hướng tăng tỉ trọng giá trị nuôi trồng, giảm dần tỉ trọng khai thác ven bờ, gắn với chế biến và xuất khẩu. Giá trị sản xuất thủy sản giai đoạn 2016-2022 tăng bình quân 4,2%/năm, giá trị sản phẩm nuôi trồng thủy sản thu được bình quân khoảng 985 tỉ đồng/ha mặt nước.
Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh xây dựng được 108 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản.
* Đại biểu Tạ Thị Thu Hương, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chất vấn: Lý do vì sao chậm và đến khi nào mới tổ chức kỳ thi tuyển công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh?
- Giám đốc Sở Nội vụ Trương Ngọc Tuấn trả lời:
Năm 2022, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh được giao 1.882 biên chế công chức. Trong đó, đến ngày 31/10, tỉnh đã bố trí 1.602 biên chế, còn 280 biên chế chưa sử dụng. Giai đoạn 2022-2026, trung ương yêu cầu giảm 5% công chức khối cơ quan Nhà nước, tương ứng giảm 94 biên chế, nên nhu cầu cần tuyển là 186 biên chế. Dự kiến việc tổ chức kiểm tra, sát hạch để tiếp nhận vào làm công chức sẽ hoàn thành trong tháng 12/2022.
Đối với việc tuyển dụng viên chức, năm 2016, UBND tỉnh đã phân cấp cho các đơn vị, địa phương có thẩm quyền thực hiện tuyển dụng viên chức. Năm 2022, các đơn vị, địa phương đã tuyển dụng được 192 viên chức.
Tháng 7/2022, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương cấp huyện rà soát nhu cầu, xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức giáo viên để kịp thời bổ sung đội ngũ giáo viên cho năm học 2022-2023, đồng thời giao Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan hướng dẫn, theo dõi, giám sát, kịp thời hỗ trợ tuyển dụng viên chức giáo viên tại các địa phương. Kế hoạch tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục là 1.363 chỉ tiêu. Đến cuối tháng 11/2022, các địa phương đã hoàn thành xong phần thi viết môn nghiệp vụ chuyên ngành với tổng số 1.797 thí sinh.
Tổng biên chế viên chức ngành Y tế được giao là 4.550 biên chế, hiện đã bố trí 3.228 biên chế, chưa sử dụng 1.045 biên chế. Sở Y tế xây dựng kế hoạch xét tuyển 517 biên chế, dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2022 (còn thiếu 528 biên chế).
* Đại biểu Trần Trọng Quyền, Trưởng phòng Quản lý đô thị TX Đông Hòa chất vấn: Việc chậm tham mưu tổng kết, đánh giá Chỉ thị 31 ngày 12/9/2007 của UBND tỉnh về quản lý đất đai vùng Hòa Tâm, huyện Đông Hòa (nay là TX Đông Hòa) và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân trong thời gian tới?
- Giám đốc Sở Xây dựng Trần Xuân Túc trả lời:
Xã Hòa Tâm thuộc khu vực Khu kinh tế Nam Phú Yên. Khi có thông tin về các dự án sẽ triển khai ở khu vực này đã xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình, chuyển mục đích sử dụng đất và trồng cây trái phép tại khu vực xã Hòa Tâm. Để quản lý chặt chẽ hơn về đất đai, trật tự xây dựng tại khu vực dự kiến lập dự án Khu công nghiệp hóa dầu Hòa Tâm, Tổ hợp hóa dầu Naptha Cracking, khu trung tâm hành chính xã Hòa Tâm và các khu tái định cư, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 31. Tuy nhiên, chỉ thị này ban hành đến nay đã hơn 15 năm, nhưng việc triển khai đầu tư dự án tại khu vực xã Hòa Tâm chưa thực hiện, đã ảnh hưởng đến việc sử dụng đất, xây dụng nhà ở và đời sống của người dân.
Thời gian tới, Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp với UBND TX Đông Hòa, Ban Quản lý khu kinh tế Phú Yên rà soát, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 31; phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các đồ án quy hoạch để đảm bảo tính khả thi, định hướng quản lý phát triển gắn kết chặt chẽ với việc ổn định đời sống kinh tế - xã hội của Nhân dân. Đồng thời tiếp tục phối hợp, hướng dẫn địa phương trong quản lý trật tự xây dựng, cấp phép xây dựng cho Nhân dân tại khu vực điều chỉnh của Chỉ thị 31 trong thời gian chưa có dự án đầu tư, đặc biệt là giải quyết việc cấp phép xây dựng có thời hạn tại khu vực không phù hợp theo quy hoạch xây dựng để đảm bảo điều kiện về chỗ ở cho người dân.
* Đại biểu Đặng Thị Hồng Nga, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chất vấn: Việc quản lý Nhà nước đối với các điểm du lịch tự phát trên địa bàn tỉnh; giải pháp ngăn chặn trong thời gian tới?
- Giám đốc Sở VH-TT-DL Nguyễn Thị Hồng Thái trả lời:
Thời gian qua, hoạt động du lịch trên toàn tỉnh có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, hoạt động du lịch tự phát vẫn còn xảy ra ở một số địa phương trong tỉnh. Một số tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch sử dụng đất sai mục đích, đầu tư xây dựng không đúng trình tự, thủ tục đã ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường du lịch. Với trách nhiệm người đứng đầu của ngành VH-TT-DL, tôi nhận trách nhiệm về những hạn chế này.
Liên quan vấn đề này, ngoài trách nhiệm của Sở VH-TT-DL còn có trách nhiệm của các sở, ngành và địa phương có liên quan trong việc quản lý quy hoạch, xây dựng, đất đai… Để ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng kinh doanh du lịch mang tính tự phát, Sở VH-TT-DL tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những trường hợp vi phạm về hoạt động du lịch, dịch vụ du lịch tự phát.
Sở VH-TT-DL sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành đề án, kế hoạch, chương trình phát triển du lịch, trong đó tập trung phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn, sinh thái trên địa bàn tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về việc chấp hành các quy định về kinh doanh du lịch; tăng cường quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thị trường du lịch…
ANH NGỌC (thực hiện)